Biển Đông có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có ý nghĩa chiến lược và giàu tài nguyên, nhất là dầu khí. Ngày nay Biển Đông càng trở nên quan trọng hơn do Châu Á – Thái Bình Dương có khả năng trở thành trung tâm kinh tế của thế kỷ 21.
Trung Quốc muốn mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm giữ trái phép nhằm biến các đảo trên biển Đông trở …
DOC và ý đồ chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông
Biển Đông có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có ý nghĩa chiến lược và giàu tài nguyên, nhất là dầu khí. Ngày nay Biển Đông càng trở nên quan trọng hơn do Châu Á – Thái Bình Dương có khả năng trở thành trung tâm kinh tế của thế kỷ 21.
Độc chiếm Biển Đông là mục tiêu lâu dài và xuyên suốt trong chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á và tiến hành khai thác các nguồn lợi kinh tế từ vùng biển này. Để thực hiện tham vọng và mục tiêu trên, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp chiến lược, sách lược có tính hai mặt rất khôn khéo và tinh vi, được tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Một mặt, Trung Quốc luôn luôn khẳng định chủ quyền đối với khu vực Biển Đông trong vùng “lưỡi bò”, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời, Trung Quốc ráo riết tăng cường thực hiện việc tăng chi phí quốc phòng, sớm xác định chiến lược biển và từng bước tiến hành các biện pháp lấn chiếm trên thực địa. Trung Quốc không bỏ lỡ thời cơ khi có điều kiện thực hiện việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, năm 1974 khi Việt Nam đang có chiến tranh và chiếm một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 khi Việt Nam gặp khó khăn về kinh tế…
Mặt khác, Trung Quốc tìm cách phân hoá giữa các nước ASEAN với nhau nhằm phá thế “quần lang dạ hổ”, đồng thời tìm cách trung lập Hoa Kỳ và các nước lớn khác có lợi ích liên quan đến Biển Đông như Nga, Nhật…, kiên quyết chống lại việc quốc tế hoá khu vực Biển Đông.
Trung Quốc luôn chủ trương chỉ giải quyết song phương tranh chấp tại Biển Đông, vì lo ngại khả năng hình thành một mặt trận thống nhất trong ASEAN chống Trung Quốc. Tuy nhiên, sau sự kiện dùng vũ lực đánh chiếm đảo, đá Vành Khăn năm 1995, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận về tranh chấp ở Biển Đông bằng việc năm 2002, Trung Quốc chấp nhận là một bên ký kết DOC. Tuy vậy, đây chỉ có thể coi là sự thay đổi về chiến thuật chứ không phải thay đổi chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Mặc dù đã ký kết DOC, nhưng để tiếp tục theo đuổi chính sách độc chiếm Biển Đông của mình, Trung Quốc áp dụng chính sách lấn dần trên thực địa, tạo ra những “sự đã rồi”, khẳng định sự có mặt trên thực tế. Trung Quốc vừa lấn tới, vừa xoa dịu dư luận bằng các luận điệu và sử dụng các diễn đàn hợp tác hay đàm phán song phương với các nước để tránh bị các nước khác làm to chuyện. Có thể điểm qua một vài sự kiện từ năm 2007 đến nay để chứng tỏ Trung Quốc đang thực hiện các bước đi mới trong việc triển khai chiến lược đối với Biển Đông và chuẩn bị cho những dự tính xa hơn:
Tháng 12/2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 03 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; Tháng 5 hàng năm, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; Ngày 8/11/2009, Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã quyết định thành lập Ủy ban thôn đảo “Vĩnh Hưng” và “Triệu Thuật” (tức đảo Phú Lâm và Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam); 31/12/2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam”, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; Ngày 5/8/2010, Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn; Ngày 24/6/2010, Ủy ban cải cách và phát triển Nhà nước Trung Quốc thông qua “Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”, trong đó xác định Khu tổ hợp chức năng biển do tỉnh Hải Nam, Trung Quốc quản lý bao gồm cả Trường Sa và Hoàng Sa, nêu kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở; Ngày 29/4/2010, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2010 tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông….
Tuy triển khai những hành động vi phạm các nguyên tắc của DOC, nhưng trong nhiều tuyên bố Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ, tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, gọi tắt là COC). Trung Quốc luôn tận dụng mọi cơ hội để tuyên bố, quảng bá với cộng đồng quốc tế là Trung Quốc phát triển hoà bình. Họ ra sức thuyết phục cộng đồng quốc tế là sự phát triển của Trung Quốc không đe doạ ai, mà chỉ mang lại cơ hội phát triển cho các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước trong khu vực: Tháng 10/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có điện gửi những người đồng cấp các nước ASEAN, trong đó cam kết: Trung Quốc muốn tạo dựng “một vùng biển hoà bình và hợp tác”; Trước và sau cuộc họp vòng 5 nhóm công tác liên hợp về thực hiện DOC giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, tháng 12/2010, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đã công khai tuyên bố với thế giới: “Trung Quốc luôn coi trọng cao độ và thực hiện nghiêm túc DOC, nhằm tăng cường lòng tin chính trị, thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, tạo điều kiện có lợi cho giải quyết tranh chấp, cùng nhau giữ gìn hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, một loạt các sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc hành động ngày càng ngang ngược, lời nói không đi đôi với việc làm và những hành động luôn nằm trong cái gọi là chiến lược chung bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, hay nói một cách chính xác là ý đồ chiến lược độc chiếm Biển Đông, đi ngược lại với các cam kết của DOC. Từ sau vụ va chạm với tàu khảo sát Impeccable của Mỹ ngày 8/3/2009 và gửi Công hàm đến Liên Hợp quốc ngày 7/5/2009 lần đầu tiên lưu hành bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) yêu sách 80% diện tích Biển Đông, Bắc Kinh ngày càng trắng trợn trong việc thực hiện ý đồ ngang ngược này, phản đối mọi sự hiện diện của nước ngoài cũng như những nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trong Biển Đông. Trung Quốc đã đi từ chính sách “giấu mình chờ thời” sang đòi hỏi “lợi ích cốt lõi” rồi “quyết đoán nhưng không đối đầu”, hô hào “giải quyết song phương” trong khi lại cho tàu xuống Biển Đông gây sức ép.
Đỉnh điểm của các hành động là việc Trung Quốc cắt và phá cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 và Viking II, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên. Với hành động này, Trung Quốc đã trắng trợn chà đạp lên luật pháp quốc tế với mưu đồ mở rộng phạm vi chủ quyền thềm lục địa thêm hàng trăm hải lý.
Vụ việc này đã được Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học Viện Quốc phòng Australia nhận định “Trung Quốc đã xác định một cách trơ trẽn chủ quyền của họ bằng những hành động như vậy và họ có ưu thế về đội tàu để thực hiện điều đó”.
Hãng tin Pháp AFP cũng bình luận như sau: “Những hành động táo tợn ngày một gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông đã và đang làm dấy lên căng thẳng với các quốc gia khác trong khu vực”. Theo nhận định của cả hãng tin Reuters và AFP, vụ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu Việt Nam càng khiến cho các nước láng giềng Đông Nam Á thêm lo ngại về thái độ ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Dù lớn tiếng biện minh thế nào chăng nữa, nhưng với việc gây ra hàng loạt những hành động trắng trợn gần đây, Trung Quốc đã làm mất ổn định ở Biển Đông và khu vực, hoàn toàn đi ngược lại với cam kết cũng như nỗ lực thúc đẩy thực hiện DOC. Những hành động của Trung Quốc vừa qua đang thể hiện hình ảnh của kẻ “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”, một kẻ “nói một đằng làm một nẻo”.
Ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là nhất quán nhưng chiến thuật, bước đi của họ từng thời điểm phụ thuộc một phần rất quan trọng vào tình hình nội bộ và thái độ của các bên liên quan trong khu vực cũng như phản ứng quốc tế. Cho dù đã tham gia ký kết DOC, nhưng về cơ bản, chính sách cũng như các biện pháp chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông không hề thay đổi.
Việt Nam và các nước ASEAN nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung cần đoàn kết, chống lại mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc có thái độ và cách ứng xử tại Biển Đông như những điều họ đã nói, đã cam kết.
(Còn nữa)