Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngPhilippines tích cực đối phó tham vọng trên biển của TQ

Philippines tích cực đối phó tham vọng trên biển của TQ

Hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Philippines đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có căng thẳng Biển Đông.

Ngày 11/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với ông Jose Rene Almendras, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, nhân dịp ông có chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.

Chuyến thăm tới Việt Nam là chuyến công du đầu tiên của ông Almendras kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng đầu tháng trước.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, ngư nghiệp, văn hóa, giáo dục…, hai bên nhất trí duy trì thường xuyên trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp; tích cực triển khai các thỏa thuận, cơ chế hợp tác hiện có như Thỏa thuận Hợp tác Biển và Nghề cá, Thỏa thuận hợp tác văn hóa, cơ chế Ủy ban hợp tác song phương, Hợp tác Biển và đại dương, Ủy ban kinh doanh Việt Nam – PLP và Tiểu ban thương mại song phương; đồng thời thúc đẩy hợp tác trên một số lĩnh vực như phòng chống tội phạm, vận tải biển, quản lý lao động di cư.

Bên cạnh hợp tác song phương, hai bên đã tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên khẳng định ủng hộ lẫn nhau hoàn thành tốt vai trò chủ nhà ASEAN 2017 của Philippines và chủ nhà APEC 2017 của Việt Nam; đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp và nỗ lực cùng các nước ASEAN khác triển khai thành công Cộng đồng ASEAN, đề cao đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực, ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.

Trước diễn biến phức tạp ở Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, kiềm chế không có các hành động làm phức tạp tình hình, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực và đẩy mạnh đàm phán thực chất để sớm đạt được COC. Hai bên nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Trong khi chờ đợi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết trong vụ kiện Trung Quốc, Philippines đã có nhiều động thái nhằm đối phó với tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Đầu tháng 3/2016, Philippines tuyên bố sẽ thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản để hỗ trợ lực lượng hải quân tuần tra trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này.

Theo Tổng thống Aquino của Philippines, chính phủ đương nhiệm chủ trương tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng thông qua xây dựng lực lượng không quân, tăng số lượng máy bay và trực thăng để vận chuyển binh sỹ và hàng tiếp tế cũng như bảo vệ các đường biên giới biển.

Nhà lãnh đạo Manila cũng thông báo Philippines trong năm nay sẽ nhận hai máy bay vận tải C-130 được nâng cấp từ Washington, trong bối cảnh cả Mỹ lẫn Hàn Quốc đều đã đề nghị giúp đỡ tăng cường sức mạnh trên không.

Hàn Quốc đã cung cấp hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ và sang năm 2017, sẽ cung cấp thêm 10 chiếc khác. Ngoài ra, quân đội Philippines cũng đang có kế hoạch mua một phi đội gồm máy bay đa năng, các khẩu đội tên lửa không đối đất, máy bay cảnh báo sớm và máy bay không người lái.

Cũng theo Tổng thống Philippines, nước này có thể đầu tư vào hạm đội tàu ngầm đầu tiên của mình.

G7 phản đối hành động khiêu khích ở Biển Đông

Ngày 11/4, các ngoại trưởng thuộc nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ mọi hành động khiêu khích trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đây là hai khu vực mà Trung Quốc đang vướng vào các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước, trong đó có Việt Nam, Philippines và Nhật Bản.

Tuyên bố kết thúc hội nghị ngoại trưởng nhóm G7 tại thành phố Hiroshima (Nhật Bản) có đoạn viết: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự ép buộc mang tính hăm dọa hay các hành động khiêu khích đơn phương nào có nguy cơ thay đổi hiện trạng và làm leo thang căng thẳng (ở các khu vực này).”

Trong một đề cập rõ ràng tới vụ kiện liên quan tới tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với Philippines ở Biển Đông, các ngoại trưởng của nhóm G7 cũng kêu gọi các nước tuân thủ luật biển quốc tế cũng như thực thi mọi phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của tòa án.

RELATED ARTICLES

Tin mới