Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông tuần thứ 11

Bản tin Biển Đông tuần thứ 11

Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc tại điểm nóng Biển Đông không khỏi khiến người ta thêm ngờ vực về tất cả những luận điệu to tát từ trước đến nay nhân danh một quốc gia đang “trỗi dậy hoà bình”; rõ ràng Trung Quốc đang bộc lộ thái độ uy hiếp và đe nẹt, xưng hùng xưng bá ở Biển Đông, cũng như âm mưu tìm mọi cách để “đảo lộn” tình thế trước phán quyết vụ kiện Trọng tài với Philippines đang “treo” lơ lửng. Tuy nhiên, “sinh sự ắt sự sinh”, sự lấn lướt của Trung Quốc đang tự tạo ra rào cản lớn cho chính những bước đi thiếu tính toán của mình, đó là sự hợp tác và can dự ngày một sâu sắc của các quốc gia tại vùng biển nóng này.

Lễ khánh thành Công trình Hải đăng trên đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa ngày 05/4/2016. (Nguồn: Tân Hoa Xã – Xing Guangli)

Tảng lờ mọi nỗ lực kêu gọi hợp tác, giải quyết hoà bình các bất đồng và tranh chấp của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục đơn phương thực hiện một loạt các hành động khiêu khích. Chỉ nội trong một tuần, nước này đã nhiều lần khiến cho tình hình Biển Đông tiếp tục rơi vào tình trạng “dầu sôi lửa bỏng”, đơn cử như đưa ngọn hải đăng được xây dựng bất hợp pháp trên đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào hoạt động, tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc gia tăng va chạm với tàu bè các nước trong khu vực, ngang nhiên đưa trở lại giàn khoan HD 981 vào khu vực chồng lấn với Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ…

Trước đó, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Washington từ ngày 31/3 đến 1/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dù có hàng chục nguyên thủ quốc gia tới Washington dự hội nghị nêu trên song việc Tổng thống Obama chỉ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh đang trỗi dậy ở khu vực điểm nóng này và quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong 15 năm qua.Trước khi cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra, ông Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh chia sẻ quan điểm với ông Douglas H. Paal, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế cho rằng hai bên đều cần phải tìm cách thỏa hiệp, Chủ tịch Tập có thể sẽ cam kết không tiến hành thêm các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông nhưngđổi lại, ông muốn Mỹ đồng ý không điều thêm tàu chiến và máy bay thực hiện các cuộc tuần tra bảo đảm tự do hàng hải tại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Động thái kiềm chế từ hai cường quốc như Mỹ và Trung Quốc sẽ phần nào có lợi cho tình hình Biển Đông lúc này.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn có quá ít triển vọng để có được một kết quả cụ thể nào đó cho cả hai bên bởi để tìm được sự đồng thuận nhằm xoa dịu căng thẳng ở vùng biển này không phải điều dễ dàng. Qua cuộc tiếp xúc, dù Mỹ đã kiên trì lặp lại thông điệp kêu gọi Trung Quốc tuân thủ cam kết không quân sự hóa trước đó, giải quyết các tranh chấp biển với các nước láng giềng một cách hòa bình, duy trì tự do hàng hải ở khu vực, song để “đáp lại”, ông Tập lại ngang ngược đưa ra lời cảnh báo với Mỹ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và phản đối mọi cố gắng nhằm sử dụng sai lệch luật pháp quốc tế và tự do hàng hải để vi phạm chủ quyền và làm giảm lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Mạng Tin tức tham khảo của Trung Quốc ngày 3/4 dẫn lời truyền thông nước ngoài cho biết tại cuộc gặp, trong vấn đề Biển Đông, hai bên vẫn tồn tại bất đồng trên vấn đề này, đồng thời nhận định Trung Quốc sẽ không có ý định nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền hay thỏa hiệp với Mỹ về vấn đề này, tuy nhiên, cũng hy vọng tránh việc xảy ra đối đầu mang tính quyết định với Mỹ.

Cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cương quyết với việc giải quyết tranh chấp hòa bình bằng con đường tham vấn trực tiếp và đàm phán, không những thế còn đòi hỏi Mỹ phải tuân thủ mọi cam kết không “bè phái” trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, theo Tân Hoa Xã ngày 1/4. Tuy nhiên ông Tập vẫn lưu ý khả năng “bù trừ” trong quan hệ song phương giữa hai nước và mở rộng “hợp tác thực chất để giữ vững hòa bình, ổn định tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Thời báo Hoàn cầu cũng đưa ra đánh giá rằng cả Bắc Kinh và Washington nên kiềm chế lại khi đưa ra phản ứng đối phó lẫn nhau để giữ quan hệ giữa hai nước ở mức bình thường, ổn định. Trong khi đó, tạp chí The Yomiuri Shimbun đăng tải bài viết “Trung Quốc cần có trách nhiệm đối với việc làm bùng phát căng thẳng ở Biển Đông” có nội dung lên án mạnh mẽ luận điệu “sống sượng” của Trung Quốc về việc sử dụng các biện pháp phòng vệ nhưng không quân sự hóa. Bài viết cảnh báo Trung Quốc sẽ không thể có được lòng tin từ cộng đồng quốc tế nếu cứ dùng các cuộc nói chuyện tay đôi để truyền bá cái Bắc Kinh gọi là “lợi ích cốt lõi” và khó để Trung Quốc có thể trở thành một cường quốc lớn khi nước này không chia sẻ với các quốc gia khác trách nhiệm bảo đảm ổn định khu vực.

Đáng lo ngại hơn, mạng Hoàn Cầu ngày 30/3 dẫn đánh giá trên Mạng Vệ tinh Nga ngày 29/3 cho rằng việc Trung Quốc bố trí lực lượng quân sự trên các đảo đá ở Biển Đông và việc Mỹ thiết lập các căn cứ quân sự không quân và hải quân lục chiến ở Philippines là những hành động diễn ra đồng thời và đang làm tình hình phức tạp ngày một leo thang. Không loại trừ khi các căn cứ quân sự của Mỹ tăng lên, phía Trung Quốc có thể sẽ bố trí tên lửa Đông Phong 21 hoặc Đông Phong 26. Một khi xung đột quân sự Trung – Mỹ diễn tiến thành chiến tranh hạt nhân (dù khả năng này rất ít), nhằm đảm bảo có thể phá hủy các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines, Trung Quốc cần thiết phải bố trí lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Về phía Mỹ, nước nàykhẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng vẫn duy trì quan điểm sẵn sàng hành động để đảm bảo tự do hàng hải ở đây thông qua tuyên bố tăng cường các hoạt động tự do hàng hải thông qua các đợt tuần tra của tàu Hải quân ở Biển Đông. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work ngày 30/3 cũng khẳng định, Mỹ sẽ không công nhận bất kỳ vùng hạn chế đi lại nào trên Biển Đông và nhiều khả năng nước này sẽ quyết tâm “phủ đầu” ý đồ của Trung Quốc trong việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).Liên quan vấn đề này,người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quânkhẳng định như đinh đóng cột rằng tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) nghiễm nhiên là quyền của một quốc gia có chủ quyền và lớn tiếng lên án và yêu cầu các quốc gia khác không “chĩa mũi dùi” vào vấn đề “phục vụ việc bảo vệ chủ quyền và an ninh hàng không” này của Trung Quốc.

Theo thông tin từ hãng thông tấn Reutersđược phát đi chỉ một ngày sau khi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Washington, Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông vào đầu tháng 4 này. Nếu tiến hành thì đây là lần thứ ba, phía Mỹ tiến hành các hành động theo Công ước Luật biển song luôn gặp phải các phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc. Các chuyên gia dự đoán rằng hoạt động tự do hàng hải sắp tới của Mỹ có thể diễn ra gần đá Vành Khăn, hiện là một trong ba đảo nhân tạo nơi Trung Quốc xây dựng đường băng có thể phục vụ mục đích quân sự trên khu vực quần đảo Trường Sa. Ngay sau đóNgười Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung QuốcHồng Lỗi đã lớn tiếng phản đối bất kỳ cuộc diễn tập nào như vậy và dám ngang nhiên nói rằng Trung Quốc luôn tôn trọng và khuyến khích tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc qua trên Biển Đông theo luật quốc tế nhưng “cương quyết phản đối” bất cứ nước nào sử dụng cái gọi là tự do hàng hải “như là cái cớ” để phá hoại quyền chủ quyền, an ninh và hàng hải.

Trong một diễn biến có liên quan, báo chí thế giới và báo chí Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã tổ chức lễ khánh thành, bắt đầu đưa vào vận hành ngọn hải đăng trên đá Xu-bi nhằm cung cấp các dịch vụ hàng hải cần thiết, tăng cường quản lý hàng hải và năng lực cứu hộ đối với các tàu thuyền đi qua vùng biển này. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 05/4 cho biết Bộ Giao thông Trung Quốc tổ chức một “lễ khánh thành” để đưa ngọn đèn biển cao 55m trên đá Xu-bi vào hoạt động. Công trình xây dựng hòn đảo này đã được bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái. Trung Quốc còn có các công trình xây dựng đèn biển trên hai đá khác trong khu vực quần đào Trường Sa là đá Châu Viên và đá Gạc Ma. Ngoài ngọn hải đăng nói trên, Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Xu-bi, với cái cớ là “phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị” cho tàu thuyền qua lại, theo thông tin được đưa trên Reuters. Đây rõ ràng là hành động mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời cũng là bước đi mới nhất trong một chuỗi các hành động quyết đoán của Trung Quốc, gây quan ngại cho các nước láng giềng.Để tạm đưa ra câu trả lời cho rất nhiều thắc mắc về động thái khiêu khích mới này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lấp liếm rằngTrung Quốc đang tiến hành cung cấp thêm nhiều các lợi ích và dịch vụ công phục vụ cho hoạt động hàng hải ở Biển Đông hơn nữa nhằm đảm bảo và thúc đẩy tự do an toàn hàng hải của khu vực.Tờ Nhân dân Nhật báo cũng chỉ trích lời đại diện Bộ Giao thông Trung Quốc trả lời rất chung chung rằng công trình hải đăng này không nhằm mục đích gì khác ngoài “nâng cao khả năng ứng phó khẩn cấp trên biển” của nước này.

Tiếp tục gây quan ngại hơn nữa cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, ngày 03/4 Trung Quốc lại một lần nữa đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, nơi hai nước đang tiến hành đàm phán phân định, mà động thái này đã được tạp chí The Diplomat đánh giá giống như là “một nghi thức hàng năm” của Trung Quốc. Việt Nam đã trao công hàm phản đối hành động này cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã ngay lập tức lên tiếng “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình”. Mặc cho công luận thả sức công kích, để đáp lại yêu cầu của phía Việt Nam, Người phát ngôn Bô Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã thản nhiên đưa ra một phát biểu rất mơ hồ: “Hoạt động này (của giàn khoan) nằm trong vùng biển thuộc quyền tài phán không bị tranh chấp của Trung Quốc. Đây chỉ là hoạt động khai thác kinh doanh bình thường. Chúng tôi hy vọng bên liên quan sẽ đánh giá khách quan và hợp lý về vấn đề này”.

Căng thẳng leo thang cùng với những hành động ngày một quyết đoán của Trung Quốc trên thực địa đã trở thành động lực chính trong một chuỗi các động thái gần đây của các nước. Cũng tại Washington hôm 1/4, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân,Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiến hành hội đàmbày tỏmối quan ngại chung về những căng thẳng ở các vùng biển trong khu vực, nơi Trung Quốcđưa ra các tuyên bố chủ quyền;nhất trí cho rằng Trung Quốc cần phải hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Đặc biệt quan ngại trước tình trạng quân sự hóa đang diễn ra, vào hôm 05/4 tờ The Japan Times của Nhật Bản tiết lộ Nhật Bản cam kết sẽ đưa căng thẳng Biển Đông và Biển Hoa Đông vào tuyên bố chung cuộc họp các nước G7 sẽ diễn ra tại Hiroshima, Nhật Bản, nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, cũng như cảnh cáo các hành động cải tạo quy mô lớn gây hại đến ổn định khu vực. Phía Trung Quốc ngay sau đó đã ngang ngược lớn tiếng đáp trả lại. Tân Hoa Xã ngày 09/4 vội đăng tải bài viết “Giới chuyên gia Trung Quốc cảnh cáo hội nghị G7 đơn phương về Biển Đông của Nhật Bản” nói rằng Nhật Bản đang cố làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, làm phức tạp và quốc tế hóa tranh chấp biển Đông bằng việc lợi dụng cuộc gặp Ngoại trưởng các nước G7 để lôi kéo các nước phương Tây chống lại Trung Quốc.

Bất chấp những chỉ trích thường xuyên từ Trung Quốc, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) ngày 6/4 thông báo sẽ điều tàu khu trục Ise tới tham gia cuộc tập trận quốc tế do Hải quân Indonesia tổ chức từ ngày 12-16/4. Theo Japan Times, tàu khu trục Ise sẽ đi qua Biển Đông để tới tham gia cuộc tập trận Komodo ở vùng biển gần với thành phố Padang của Indonesia. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Đô đốc Tomohisa Takei, Tư lệnh MSDF, cho biết ông hy vọng rằng sự góp mặt của Nhật Bản trong cuộc tập trận Komodo sẽ cải thiện các kỹ năng tác chiến và giúp thúc đẩy sự hiểu biết và lòng tin giữa các quốc gia tham dự. Dự kiến, tàu Ise sẽ cùng với nhiều tàu chiến khác tham gia cuộc tập trận Komodo, vốn có sự tham dự của nhiều quốc gia thành viên khối ASEAN và các nước khác. Nhật Bản cũng sẽ cùng Philippines đàm phán một thỏa thuận cho phép “Nhật Bản có thể tham gia thường xuyên” vào các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines.

Bên cạnh Nhật Bản là nước có những động thái rõ rệt gần đây, Indonesia cũng đang thu hút sự chú ý của dư luận. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết sẽ đưa máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đến quần đảo Natuna để chống “trộm”, chưa đầy hai tuần sau khi các tàu bảo vệ bờ biển củaTrung Quốc đụng độ với một tàu của Indonesia trong khu vực. Trong cuộc phỏng vấn ngày 31/3 với Bloomberg News ông nói đây là một phần của công việc xây dựng quân sự trên quần đảo nhìn ra Biển Đông. Việc lên kế hoạch trang bị 5 máy bay F-16 thể hiện một cấp độ lo ngại mới của Indonesia liên quan tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Indonesia không phải là một bên đòi chủ quyền, nhưng cuộc đụng độ với tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc hồi tháng trước cho thấy Indonesia có thể bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Trong thực tế, hành vi của Trung Quốc đã quyết đoán hơn, buộc Indonesia phải có phản ứng phù hợp. Do đó, trước khi vấn đề ra khỏi tầm kiểm soát, Indonesia và Trung Quốc cần tìm giải pháp thích hợp, trong đó có hợp tác với Trung Quốc để triển khai chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) và cam kết không vi phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm vùng EEZ và thềm lục địa của Indonesia. Việc gia tăng va chạm của các tàu đánh cá và tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc với tàu bè của các nước khác cũng đã gây khó chịu ở Malaysia. Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Huệ Khang tới Bộ Ngoại giao để bày tỏ lo ngại về cáo buộc xâm phạm lãnh thổ của các tàu mang cờ Trung Quốc trên Biển Đông. Liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp và đụng độ liên tục gần đây trong hoạt động đánh bắt các với các nước liên quan như Philippines, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam có dính dáng đến sự tham gia của lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc, thậm chí có cả lực lượng quân sự, phía Trung Quốc vẫn tỏ ra thiếu thiện chí khi lặp lại luận điệu khó chấp nhận rằng các nước sẽchỉ giải quyết thông qua tham vấn hữu nghịmà không đưa ra giải pháp cụ thể nào.Trước dư luận quốc tế lên án việc Trung Quốc sử dụng tàu cá làm bình phong để mở rộng hoạt động và củng cố củng cố thêm cho các yêu sách lãnh thổ phi lý trên biển, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã vội vàng lên tiếng kêu gọi hợp tác song phương trong vấn đề quản lý nghề cá.

Trong khi đó, Philippines khẳng định nước này sẽ cùng với Mỹ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn Balikatan (“vai kề vai”) kéo dài 11 ngày ở Biển Đông. Tuy cả hai bên đều nói cuộc tập trận này không nhằm vào Trung Quốc, nhưng các chuyên gia đều đánh giá hoạt động này giúp tăng cường khả năng phối hợp tổ chức giữa các quốc gia liên minh và là dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc nếu cần thiết. Philippines sắp tới cũng sẽ nhận hơn 120 triệu Đô la, một khoản hỗ trợ lớn nhất từ trước đến giờ từ Mỹ để phát triển quốc phòng và an ninh trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông đang leo thang và động thái quân sự hóa ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, theo Reuters ngày 08/4 đã đưa tin.

Tại cuộc hội thảo “Quân sự hóa Biển Đông và những hệ quả” do Hội Sinh viên và Giáo sư Việt Nam tại Mỹ tổ chức tại Đại học Harvard ngày 2/4, được phát trực tiếp trên Youtube. Các bài tham luận tập trung phân tích hiện trạng quân sự hóa ở Biển Đông qua các lăng kính pháp lý và chính trị, phản ứng của các quốc gia liên quan, những tác động của các động thái quân sự hóa đối với hòa bình và ổn định của khu vực nói riêng và quốc tế nói chung cũng như vai trò của các quốc gia và tổ chức liên quan trong tiến trình tìm giải pháp cho những tranh chấp đó. Trong khi đó, ngày 3/4, ở Hàn Quốc, Hiệp hội giao lưu Việt Nam tại Hàn Quốc và Hội Những người con đất Việt đã tập hợp rất đông người Việt Nam tại quảng trường trước cửa nhà ga Busan, gần Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Busan, để biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc gia tăng các hoạt động bất hợp pháp xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Cuộc biểu tình cũng đã thu hút sự tham gia của các gia đình đa văn hóa Việt-Hàn và những người Hàn Quốc yêu chuộng hòa bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới