Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Trung Quốc chọn đơn phương tuyên bố và hành động quyết liệt nhằm đòi chủ quyền ở Biển Đông, khu vực có tranh chấp với các nước láng giềng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/4 tham dự một sự kiện do Hội đồng Chính sách Quốc tế Thái Bình Dương tổ chức ở Los Angeles để thảo luận về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
“Chúng ta đều biết bây giờ là thời điểm quan trọng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực phải đối mặt với mối đe dọa thực sự từ Triều Tiên, có thể coi là láng giềng tồi tệ nhất”, website Bộ Ngoại giao Mỹ state.gov đăng lại phát biểu của Ngoại trưởng Kerry.
Ông cho rằng Trung Quốc dường như đã quyết định đơn phương tuyên bố và hành động quyết liệt nhằm đòi chủ quyền ở Biển Đông.
“Chúng ta không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng có lập trường yêu cầu họ phải giải quyết vấn đề mà không có hành động đơn phương, không quân sự hóa, thông qua qua ngoại giao và đàm phán”, ông Kerry cho biết.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines. Nước này gần đây còn xây phi pháp nhiều kiến trúc lớn, trong đó có hệ thống radar và đường băng, trên một số bãi đá ở Biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Ông Kerry trước đó tham dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) tổ chức tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Trong thông báo phát đi sau hội nghị ngày 11/4, G7 phản đối mạnh mẽ sự khiêu khích trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với nhiều quốc gia láng giềng.
G7 còn kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp hàng hải quốc tế, đồng thời thực hiện mọi phán quyết mang tính ràng buộc do tòa án và tòa trọng tài đưa ra với ý nhắc đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc trong cùng ngày thể hiện sự bực tức trước thông báo của G7, kêu gọi nhóm cần tập trung vào quản trị và hợp tác kinh tế toàn cầu thay vì “thổi phồng tranh chấp”.