Saturday, July 27, 2024
Trang chủBiển nóngToàn văn Tuyên bố Ngoại trưởng các nước G7 về An ninh...

Toàn văn Tuyên bố Ngoại trưởng các nước G7 về An ninh Hàng hải 11/4/2016 tại Hiroshima, Nhật Bản

Các vùng biển tự do, thông suốt và ổn định là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Ghi nhận tầm quan trọng của đại dương, chúng tôi, Ngoại trưởng các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Đại diện Ngoại giao cấp cao của Liên minh Châu Âu EU, tái khẳng định cam kết về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải.

Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi, kể cả các nguyên tắc được ghi nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Một trật tự pháp lý cho biển và đại dương sẽ góp phần đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thúc đẩy việc sử dụng hòa bình và bền vững biển và đại dương, cũng như các nguồn tài nguyên biển, và thúc đẩy trật tự an ninh kinh tế trong cộng đồng quốc tế.

Chúng tôi tái khẳng định cam kết đối với tự do hàng hải và tự do hàng không và việc sử dụng hợp pháp Biển cả và Vùng đặc quyền kinh tế cũng như các quyền và tự do có liên quan tại các vùng biển khác, bao gồm quyền qua lại vô hại, quá cảnh và đi qua vùng nước quần đảo phù hợp với luật quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia theo đuổi việc quản lý và giải quyết các tranh chấp biển một cách hòa bình, thiện chí và phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả việc thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp pháp lý đã được công nhận và sử dụng rộng rãi, trong đó có trọng tài, ghi nhận rằng việc sử dụng các cơ chế này là phù hợp với việc duy trì và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên các quy định của luật pháp, và kêu gọi thực hiện đầy đủ bất kể quyết định nào được đưa ra bởi các Tòa án hoặc Trọng tài mà họ chịu sự ràng buộc, kể cả các Tòa án và Trọng tài được quy định trong UNCLOS.

Chúng tôi quan ngại về tình hình trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, và nhấn mạnh vai trò cốt yếu của việc quản lý và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương mang tính khiêu khích, gây sức ép hay đe nẹt nào nhằm thay đổi hiện trạng và làm căng thẳng leo thang, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia kiềm chế không tiến hành các hoạt động như cải tạo đất bao gồm cải tạo trên quy mô lớn, xây dựng các khu tiền đồn, cũng như sử dụng các công trình này vào mục đích quân sự, thay vào đó là hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không. Tại các khu vực chờ giải pháp phân định cuối cùng, chúng tôi nhấn mạnh vai trò của các quốc gia ven biển trong việc kiềm chế không thực hiện các hành động đơn phương gây ra thay đổi vật lý về lâu dài cho môi trường biển cũng như các hành động đe dọa hoặc cản trở việc kí kết một thỏa thuận cuối cùng, cũng như vai trò của việc tập trung mọi nỗ lực nhằm thực hiện các dàn xếp tạm thời có tính thực tiễn ở những khu vực này. Chúng tôi khuyến khích việc tham gia nhiều hơn các biện pháp xây dựng lòng tin chẳng hạn như đối thoại nhằm xây dựng lòng tin và an ninh tại khu vực. Chúng tôi kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả.

Chúng tôi lên án mạnh mẽ nạn cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố trong lĩnh vực hàng hải, nạn buôn người, đưa người di cư trái phép, đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), và các hoạt động hàng hải đe dọa ổn định, an ninh và thịnh vượng của thế giới, đồng thời bày tỏ cam kết tiếp tục hợp tác quốc tế nhằm đối phó với những nguy cơ nói trên. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy những nỗ lực nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp và quy định ngăn chặn đánh cá IUU và hoan nghênh tất cả các khuyến nghị liên quan đến IUU được gửi đến thông qua cuộc họp cấp cao G7 về An ninh hàng hải do Đức đăng cai tổ chức vào tháng 12.

Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của quyền sở hữu khu vực và tranh nhiệm đấu tranh chống cướp biển và nạn cướp có vũ trang trên biển, và các hoạt động bất hợp pháp trên biển khác. Chúng tôi đề cao công tác phát triển và hỗ trợ khích năng lực an ninh hàng hải khu vực, tăng cường năng lực theo dõi các doanh nghiệp tội phạm có căn cứ đất liền có hành vi hỗ trợ các hoạt động phi pháp trên biển và khởi kiện các doanh nghiệp này thông qua các khuôn khổ như Nhóm Liên lạc về vấn đề Cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia (CGPCS), Các nước bạn bè G7++ khu vực Vịnh Guinea và Hiệp định hợp tác khu vực về chống nạn cướp biển và cướp có vũ trang các tàu thuyền ở Châu Á (ReCAAP). Chúng tôi đề cao vai trò của Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn của tổ chức này, các chiến dịch Lá chắn Đại dương và Nỗ lực tích cực của NATO, các phái đoàn CSDP của EU, nhất là các chiến dịch của lực lượng hải quân EU tại Atalanta và Sophia phối hợp với Lực lượng Liên hợp trên biển và cộng tác viên của các quốc gia. Chúng tôi hoan nghênh Chiến lược An ninh Hàng hải của EU bao gồm Môi trường Chia sẻ Thông tin chung (CISE) và chiến lược quốc gia của các nước G7.

Chúng tôi chia sẻ quyết tâm điều tra nguyên nhân của những hoạt động phi pháp trên biển và hợp tác thông qua hỗ trợ xây dựng năng lực cho an ninh và an toàn hàng hải trên các lĩnh vực như quản lý biển, bảo vệ bờ biển, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm và cứu nạn hàng hải, chia sẻ và kết nối thông tin trên biển, cũng như các hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ khởi tố và chế tài nhằm giúp các quốc gia ven biển khắc phục những khó khăn, hạn chế. Do đó, chúng tôi hoan nghênh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Phi về an ninh, an toàn hàng hải và phát triển ở Châu Phi sẽ được tổ chức ở Togo vào tháng 10.

Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, cung cấp hỗ trợ khoa học và công nghệ với mục đích thúc đẩy an ninh hàng hải. Chúng tôi tìm kiếm việc xây dựng hợp tác liên quan đến thúc đẩy việc hình thành một văn kiện pháp lý ràng buộc trong tương lai theo UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh thái biển ở những khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tăng cường chia sẻ và điều phối thông tin cần thiết vì Nhận thức Khu vực trên Biển (MDA) mang tính toàn cầu và hiệu quả, vốn có liên quan mật thiết đến hầu hết các thách thức trên biển.

Chúng tôi khuyến khích mọi nỗ lực thúc đẩy hiểu biết về luật quốc tế bao gồm luật biển, chẳng hạn như tổ chức các cuộc hội thảo và hội nghị về vấn đề này. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh việc tiếp tục tập trung vào an ninh hàng hải đã được nhắc tới trong Tuyên bố G7 về An ninh Hàng hải tại Lűbeck vào tháng 4 năm ngoái, Hội nghị Đại dương của Chúng tôi được Chile đăng cai vào tháng 10, cuộc họp cấp cao G7 về An ninh Hàng hải và Hội nghị chuyên đề quốc tế lần thứ hai về luật biển được Nhật Bản tổ chức vào tháng 2 năm nay, và các hội thảo từ trước đến nay cũng như sắp tới của Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) về luật và thực tiễn về phân định biên giới trên biển. Ghi nhận ý nghĩa của việc đảm bảo biển được quản lý bởi quy định của luật pháp, nhân tố không thể thiếu đối với hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, chúng tôi, khối G7, cam kết tiếp tục hành động vì an ninh hàng hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới