Đây là một trong số các chỉ số nội dung về quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015 vừa được công bố tại Hà Nội hôm 12/4.
Tham nhũng trở thành vấn nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Anh minh họa, Thời báo kinh tế.
Hiệu quả quản trị hành chính công giảm
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2015, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và các đối tác công bố tại Hà Nội ngày 12/4, cho thấy xu hướng suy giảm hiệu quả quản trị và hành chính công ở năm trong sáu chỉ số nội dung Chỉ số PAPI đo lường.
Trong số sáu chỉ số nội dung, chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” giảm mạnh nhất – đến 7% điểm so với kết quả năm 2014.
Kết quả khảo sát ở nội dung này cho thấy tỉ lệ người dân được biết đến danh sách hộ nghèo giảm đáng kể và trong số ít những người biết đến danh sách hộ nghèo, chỉ có một số nhỏ tin tưởng vào độ xác thực của danh sách này.
Chẳng hạn, có tới 46% số người được hỏi trên toàn quốc cho rằng có những hộ trên thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo.
Năm 2015, mức độ công khai, minh bạch về kế hoạch sử dụng đất và khung giá đất ở địa phương tiếp tục giảm sút; người dân ít có cơ hội đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương hơn trước.
Phát biểu tại hội nghị công bố, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nói:
“Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong toàn quốc sẽ được tổ chức vào tháng tới.
Báo cáo PAPI năm 2015 được công bố hôm nay cung cấp một nguồn dữ liệu, thông tin như một tấm gương phản chiếu để bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ mới nhìn lại hiệu quả cải cách quản trị và hành chính công của đất nước trong 5 năm qua, đồng thời làm cơ sở so sánh tiến bộ trong thời gian tới.”.
Chỉ số kiểm soát tham nhũng sụt giảm
PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), cho biết, chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cũng chứng kiến sự sụt giảm đến 3% điểm so với kết quả khảo sát năm 2014.
“Người dân bày tỏ quan ngại đối với tham nhũng trong khu vực công và trong cung ứng dịch vụ công.
Những người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cũng cho rằng tình trạng vị thân (thân quen) và tham nhũng trong chính quyền địa phương hiện còn rất phổ biến.
Bên cạnh đó, người dân không tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Trên toàn quốc, chỉ có 37% số người được hỏi cho rằng chính quyền cấp tỉnh đã thực sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở địa phương”, PGS. TS Đặng Ngọc Dinh cho biết.
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh. Ảnh: (Tá Lâm/Vietnamnet). |
Cũng theo ông Dinh, so với kết quả khảo sát năm 2014, có sự gia tăng đột biến ở tỉ lệ người dân cho biết phải chi ‘lót tay’ để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất.
“Ước tính có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy CNQSD đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục, tăng gần gấp đôi so với tỉ lệ ước tính 24% năm 2014”.
Ngoài ra, hai chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’ và ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ cũng giảm điểm.
Về chỉ số “Thủ tục hành chính công” cũng giảm nhẹ trong năm 2015. Trong bốn dịch vụ hành chính công PAPI đo lường, chất lượng dịch vụ hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất luôn ở mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Hơn 22% số người đã làm thủ tục quyền sử dụng đất cho biết họ phải chờ hơn 100 ngày mới nhận được kết quả, trong khi theo quy định của pháp luật chỉ là 30 ngày…
Năm 2015, khảo sát PAPI đưa thêm câu hỏi để người dân nêu lên ba vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường đáng quan ngại nhất ở Việt Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy, cho thấy đói nghèo là một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất, với 18% số người trả lời trên toàn quốc nhận định như vậy. Tiếp đến là các vấn đề việc làm, điều kiện đường xá, giao thông, tham nhũng và tình hình an ninh, trật tự.
Cuối cùng, Báo cáo PAPI 2015 nêu bật kết quả cấp tỉnh năm 2015 và so sánh qua 5 năm (2011-2015) ở cả sáu chỉ số nội dung. Điểm số tổng hợp PAPI của cả sáu nội dung cho thấy 7 tỉnh, thành phố cải thiện nhiều sau 5 năm.
Trong khi đó cũng có tới 13 tỉnh/ thành phố giảm điểm mạnh. Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An luôn có tên trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất trong suốt 5 năm.
“Chúng tôi hy vọng rằng những phát hiện nghiên cứu PAPI trong 5 năm qua sẽ là những chỉ báo làm nền tảng so sánh cho nhiệm kỳ chính quyền giai đoạn 2016-2021,” PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), chia sẻ.