Theo báo cáo từ chính phủ, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức 6,7%, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2009.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ suy thoái tài chính toàn cầu năm 2009 (ảnh: Getty)
Bản báo cáo cho thấy mức tăng trưởng thường nên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm xuống 0,1% so với quý trước đó
Sau ba thập niên tăng trưởng ở mức hai con số, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc và gây tác động mạnh tới phần còn lại của thế giới. Sự suy giảm này đã được dự báo từ nhiều năm trước. Các chuyên gia cho rằng, mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư của nước này không có tính bền vững và cần phải chuyển sang mô hình dựa trên tiêu thụ và dịch vụ nội địa, cho dù mức tăng GDP sẽ bị giảm trong trung và ngắn hạn.
Tuy nhiên những con số thống kê mới nhất này phù hợp với tính toán của hầu hết các nhà kinh tế. Trước đó, các chuyên gia đã dự đoán mục tiêu tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 rơi ở mức 6,5-7%.
Cũng trong bản báo cáo, nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, giá trị xuất khẩu tăng lần đầu tiên kể từ tháng Ba năm ngoái, trong khi doanh số kinh doanh ô tô đã tăng 10%.
Mặc dù đang phải “vật lộn” với suy thoái song Trung Quốc vẫn giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Vào ngày thứ Ba 12/4 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,4% xuống 3,2% chỉ trong vòng ba tháng. Mặt khác, IMF lại đánh giá Trung Quốc là một điểm sáng trong bức tranh ảm đạm của kinh tế toàn cầu nhờ sức mua mạnh cùng dịch vụ phát triển.