Mỹ tuyên bố dồn IS vào chân tường, chúc mừng Nga nhưng lộ ý đồ kéo dài cuộc chiến tại Syria với những khoản chi khổng lồ.
Sự hùng hồn của Washington
Ngày 13/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra nhận định tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đang bị lực lượng liên quân dồn vào thế cố thủ sau những thất bại liên tiếp trên thực địa tại Syria và Iraq.
Nhận định được ông Obama đưa ra sau buổi làm việc với với Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các quan chức an ninh ở trụ sở CIA tại Virginia nhằm thảo luận những diễn biến trong chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm tiêu diệt IS tại Syria và Iraq đã kéo dài 20 tháng qua.
Theo ông Obama, liên quân đang trên đà thắng và sẽ tiếp tục duy trì thế chủ động này. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria, coi đây là giải pháp then chốt cho việc tiêu diệt tận gốc rễ IS.
Tổng thống Obama khẳng định Washington sẽ tiếp tục theo đuổi các nỗ lực ngoại giao trên bàn đàm phán để chấm dứt cuộc xung đột.
Trước đó, cùng ngày, Đại tá Lục quân Mỹ Steve Warren, người phát ngôn liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS, cho biết chiến dịch chống IS của liên quân tại Iraq và Syria đã hoàn thành “giai đoạn” đầu tiên.
Trả lời báo giới, ông Warren nói: “Kẻ thù của chúng tôi đã bị suy yếu và giờ chúng tôi đang tiến tới xóa sổ chúng. Giai đoạn đầu tiên của chiến dịch quân sự đã hoàn tất”.
Máy bay Mỹ cất cánh từ tàu sân bay tham gia không kích IS |
Theo ông Warren, trong giai đoạn đầu tiên này, IS đã không thể mở rộng địa bàn và buộc phải cố thủ. Ông cho hay liên minh hiện đang ở giai đoạn 2 là “triệt phá” kẻ thù.
Người phát ngôn này nói thêm rằng trong giai đoạn cuối cùng, IS sẽ thất bại nặng nề và lực lượng địa phương có khả năng ngăn chặn sự hồi sinh của Hồi giáo thánh chiến.
Lời nói thật của ông Ban Ki-moon
Những tuyên bố mạnh mẽ của Mỹ được đưa ra sau khi không quân Nga hỗ trợ quân đội Syria giành những chiến thắng quan trọng trên chiến trường. Trong số đó, đáng kể nhất là việc các lực lượng Syria giành lại thành phố cổ Palmyra, vốn mang ý nghĩa biểu tượng rất cao về văn hóa, tôn giáo.
Giới phân tích phương Tây cũng phải thừa nhận đây là chiến thắng quan trọng mang dấu ấn đậm nét của Nga.
Lính công binh Nga tham gia rà phá bom mìn tại Palmyra |
Ngày 27/3 đã đánh một dấu mốc quan trọng trong chiến dịch chống IS đang hoành hành tại các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq. Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Chính phủ Syria đã giành lại được thành phố cổ 2.000 năm tuổi Palmyra sau 10 tháng bị IS chiếm đóng và phá hủy.
Đây không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn mang ý nghĩa chiến lược lớn, là bước đầu để Damascus mở rộng chiến dịch truy quét IS ra khỏi lãnh thổ Syria. Palmyra, vốn là nơi lưu giữ những tàn tích còn sót lại từ thời Đế chế La Mã, có thể trở thành “bàn đạp” cho các chiến dịch tiêu diệt các thành trì của IS ở Raqqa và Dei al-Zor, và trải rộng thêm ra khu vực phía Đông, dọc khu vực sa mạc rộng lớn.
Phát biểu tại Amman, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông vui mừng trước việc các lực lượng chính phủ Syria có thể đánh đuổi IS ra khỏi Palmyra.
Ông nói: “Chúng ta được khích lệ và may mắn vì các lực lượng Chính phủ Syria đã đánh bại IS tại Palmyra. Giờ đây, họ có thể gìn giữ và bảo vệ những tài sản chung, những tài sản văn hóa của nhân loại. Và tôi cũng được khích lệ bởi thông báo của Chính phủ Syria rằng họ sẽ cố gắng để không chỉ gìn giữ và bảo vệ mà còn ra sức phục hồi thành phố này. Tôi hy vọng Syria có thể làm được việc này”.
Những lời nói của ông Ban Ki-moon có thể coi như sự thừa nhận thắng lợi của Nga và quân đội Syria, trong khi đó khoét sâu vào nỗi đau của Mỹ và các đồng minh phương Tây vốn luôn hô hào rầm rộ chống IS.
Lộ ý đồ thật
Cùng ngày 13/4, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế ở Geneva, ông Alexei Borodavkin cho biết giới chức quân sự Mỹ đã chúc mừng các đồng nghiệp Nga với việc giải phóng thành phố cổ Palmyra và bày tỏ sẵn sàng sẵn sàng tiếp tục trao đổi với phía Nga thông tin về vị trí của các nhóm khủng bố, mà trước hết là IS và al-Nusra.
Quan chức Nga cho rằng sự hợp tác giữa quân đội Nga và Mỹ liên quan tới tình hình Syria đã đạt mức độ mới về chất. Theo đó, hai bên có các cuộc tiếp xúc hàng ngày ngay tại Geneva, nơi đặt các trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn ở Syria. Nga và Mỹ cũng thường xuyên liên lạc qua điện thoại giữa các trung tâm ở căn cứ Hmeimim-Geneva-Amman-Washington.
Binh sĩ Nga cùng xe bọc thép chở quân tại Palmyra |
Tuy nhiên, ông Borodavkin cho rằng phía Mỹ vẫn chưa cung cấp chính xác tọa độ của khủng bố để Nga tiến hành các cuộc tấn công.
Hiện Mỹ đặt một trung tâm điều phối ở Amman của Jordan, trong khi Nga đặt tại căn cứ Hmeimim nhằm giám sát lệnh ngừng bắn ở Syria. Ngoài ra, Nga và Mỹ cũng thiết lập nhóm công tác chung bao gồm các sĩ quan quân đội hai nước đặt trung tâm ngay tại Geneva (Thụy Sĩ), nơi diễn ra các cuộc hòa đàm giữa chính phủ Syria và lực lượng đối lập.
Về phía Mỹ, trong khi đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về thành tích chống IS cũng như tỏ thái độ ủng hộ hòa đàm Syria, chính quyền của ông Obama khẳng định tiếp tục rót tiền và vũ khí cho phe đối lập.
Giới chức Ngoại giao Mỹ ngày 13/4 thông báo có kế hoạch viện trợ 238,5 triệu USD cho lực lượng đối lập tại Syria mà Mỹ gọi là “ôn hòa” trong năm 2017. Lý lẽ được Mỹ đưa ra là số tiền này sẽ giúp đạt được giải pháp chính trị ở Syria cũng như hỗ trợ cuộc chiến chống nguy cơ từ chủ nghĩa cực đoan, trong đó có IS.
Phiến quân Syria và tên lửa vác vai TOW |
Bên cạnh đó, giới Ngoại giao Mỹ cũng công khai rằng số tiền để hỗ trợ cho lực lượng đối lập chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo kế hoạch trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ dự định chi tổng cộng 5,7 tỷ USD cho cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria trong năm 2017.
CIA cũng đang lên kế hoạch cùng các đồng minh của Mỹ tuồn vũ khí cho lực lượng đối lập Syria, trong đó có cả vũ khí phòng không. Rõ ràng, Mỹ muốn tiếp tục sử dụng lực lượng nổi dậy (không loại trừ những nhóm khủng bố nhưng được Washington gắn mác ôn hòa) để chống lại Nga và quân đội Syria. Lý do đơn giản là IS không có máy bay chiến đấu nên không cần đến vũ khí phòng không trong cuộc chiến chống lại nhóm này.
Những tuyên bố của Tổng thống Obama và những kế hoạch tiêu tiền của nước này cho thấy Mỹ đã tính toán cuộc chiến chống IS ở cả Iraq và Syria sẽ còn kéo dài. Dù vô tình hay hữu ý, Washington cũng đã bộc lộ ý đồ của mình khi không muốn “dứt điểm” IS và thực sự ủng hộ hòa đàm Syria.
Có lẽ, Mỹ vẫn cần một cuộc chiến kéo dài để tiếp tục “tiêu tiền” và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng cũng như phục vụ các toan tính của mình.