Tập Cận Bình đang “loay hoay” xử lý những hành vi tiêu cực của quan chức Trung Quốc do quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.
(Ảnh minh họa: Epochtimes)
Truyền thông Trung Quốc hôm 11/4 vừa tiết lộ, một huyện phía Tây Trung Quốc đã có liên tiếp 10 cục trưởng và phó cục trưởng xin đề xuất chuyển từ vị trí lãnh đạo sang làm.. nhân viên hành chính trong năm 2015.
Trong đó có thể kể đến Cục trưởng Cục Tư pháp, An ninh và Nông nghiệp. Đặc biệt hơn, những lãnh đạo này đều đề xuất xin từ chức bằng lời với hàm ý thăm dò thái độ của cấp trên.
Có bình luận cho rằng, chính trường Trung Quốc xảy ra sự việc trên do những quan chức này cảm thấy “hiện tại quá khó sống”. Dư luận nước này đã đưa ra ba lí do để giải thích cho hiện tượng này.
Thứ nhất, ngay sau đại hội XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) kết thúc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mạnh tay thực thi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi “, xóa bỏ hàng loạt lợi ích cá nhân của quan chức nước này.
Thứ hai, do những cán bộ này đã “quen tay” tiêu tiền ngân sách nên khi chính sách chống tham nhũng của ông Tập được thông qua, họ khó thích ứng với “môi trường liêm khiết”.
Thứ ba, để tránh việc bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc “sờ gáy” do công tác tắc trách nên họ chấp nhận xin từ chức để “bảo toàn tính mạng”.
Ông Tập Cận Bình trong buổi nói chuyện với các cán bộ đảng viên tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Xinhhua)
Chính thái độ tiêu cực của quan chức nước này đã ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của cả Trung Nam Hải.
Đơn cử như ngày 7/4 vừa qua, một nguồn tin cho biết, từ 21/8/2015, không một doanh nghiệp Trung Quốc nào được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với lý do “hết giấy” từ Cục thương hiệu Trung Quốc, thuộc Tổng cục Công thương Trung Quốc.
Cục này đã không cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp trong 7 tháng liên tiếp.
Vì chưa nhận được giấy chứng nhận nên các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt khó khăn như: Bị gỡ bỏ thương hiệu trên các trang bán hàng trực tuyến nổi tiếng, lùi thời hạn bán ra thị trường hay quyền bảo hộ thương hiệu bị xóa bỏ.
Sự việc này khiến dư luận Trung Quốc liên tưởng đến việc hơn 10 quan chức tham nhũng số tiền thuế cá nhân trong vòng 7 tháng khiến bộ máy chính phủ Trung Quốc gần như tê liệt.
Đây là minh chứng cho việc các quan chức nước này công khai chống đối chính sách của ông Tập.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã từng chỉ trích chính sách chống tham nhũng của ông Tập sẽ dẫn đến sự suy giảm của nền kinh tế nước này, bởi chính những cán bộ quản lý kinh tế do không còn được “kiếm chác” nên sẽ xảy ra tình trạng “làm việc biếng nhác”.
Dư luận Trung Quốc cho rằng, dù Tập Cận Bình vây bắt được vô số “hổ lớn” nhưng tư tưởng tham ô đã ăn vào máu của cán bộ nước này thì không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được.
Để đáp trả lại ảnh hưởng nặng nề từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi“, những quan chức này đã dùng “vũ khí hiệu quả nhất” của bản thân là “không làm việc”, khiến nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị sụt giảm, mục đích gây áp lực buộc trung ương ngừng “đả hổ”.
“Bầu không khí tiêu cực trong nội bộ Trung Quốc đang tạo thành ‘làn khói mù’ vây quanh Tập Cận Bình”, Đa chiều nhận xét.