Saturday, January 11, 2025
Trang chủQuân sựUy lực cặp tàu tên lửa tấn công mới của Việt Nam

Uy lực cặp tàu tên lửa tấn công mới của Việt Nam

M5 và M6 là tàu tên lửa tấn công nhanh đa năng, cơ động, hiện đại nhất thuộc lớp “Tia chớp” được trang bị cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Tàu tên lửa M5 chuẩn bị hạ thủy. Ảnh: QĐND

Ngày 14/4, Tổng công ty Ba Son hạ thủy thành công cặp tàu tên lửa M5 và M6 hiện đại sau 30 tháng thi công. Đây là các tàu tên lửa được đóng mới theo hợp đồng đã ký với Quân chủng Hải quân.

M5 và M6 là loại tàu tên lửa tấn công nhanh đa năng, cơ động, hiện đại nhất thuộc lớp “Tia chớp” (tàu lên tửa tấn công nhanh Molniya) do Nga chuyển giao công nghệ và được Việt Nam tự chủ đóng mới hoàn toàn.

Theo trang Global Security, tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya là một trong những tàu chiến uy lực được đánh giá là hoàn thiện về công nghệ và có tính ổn định cao nhất thế giới do Viện thiết kế Hải quân Trung ương Almaz của Nga thiết kế. Tàu gồm hai phiên bản: dự án 1241 cơ sở và 1241.8 dành cho xuất khẩu, cặp tàu của Việt Nam thuộc lớp 1241.8.

Thông thường các biến thể xuất khẩu sẽ được thay thế hệ thống vũ khí và tác chiến điện tử, tuy nhiên cặp tàu của Việt Nam được trang bị các hệ thống hoàn toàn nguyên bản của hải quân Nga.

Với lượng choán nước toàn tải 490 tấn và độ sâu mớn nước 2,56 m, tàu có tính năng đi biển rất cao, đảm bảo hiệu quả sử dụng vũ khí trên tàu khi sóng biển ở cấp 5-8.

Hệ thống động lực chính của tàu là động cơ tuabin khí gas M-15E.1 gồm hai động cơ tuabin có thể giúp tàu chạy với vận tốc 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới tại Biển Đông, tàu có thể chạy với tốc độ 65km/h.

Thủy thủ đoàn được biên chế đủ theo thiết kế dành cho hải quân Nga gồm 44 người trong đó có 8 sĩ quan.

Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ tuần tiễu là từ 3.000 đến 4.400 km.

uy-luc-cap-tau-ten-lua-tan-cong-moi-cua-viet-nam-1

Tàu tên lửa M6 trong lễ hạ thủy. Ảnh: QĐND

Tàu được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ độc lập tác chiến hoặc nằm trong đội hình như tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương, bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ, thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu.

Chính vì thế, tàu được trang bị hệ thống vũ khí mạnh gồm 4 giàn phóng tên lửa Uran-E, mỗi giàn mang 4 tên lửa đối hải vận tốc cận âm 3M-23E (SS-N-25 Switchblade). Tên lửa có khối lượng 600 kg, mang đầu đạn 145 kg, có thể bắn chính xác mục tiêu ở cự ly 130 km.

Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu còn được trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2 mm, được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước (kể cả thủy lôi thả nổi trên mặt biển) và mục tiêu trên đất liền. Pháo có tầm bắn 15 km, độ cao 11 km, đạn dự trữ 152 viên với tốc độ bắn 120-130 phát/phút, hai pháo 6 nòng tự động AK-630M có tầm bắn 4–5 km, đạn dự trữ 2000 viên và tốc độ bắn 4.000-5.000 phát/phút.

Để tự bảo vệ trước các đòn tấn công trên không và ngư lôi, tàu được trang bị hai ống phóng mồi bẫy kiểu PK-10, một giá phóng tên lửa đối không tầm thấp Igla (12 quả).

Hệ thống tác chiến điện tử của tàu bao gồm radar tìm kiếm mục tiêu Garpun-Bal (NATO định danh Plank Shave) dành cho hệ thống tên lửa Uran-E, được lắp đặt ở trên đỉnh cột buồm, có thể theo dõi 15 mục tiêu và khóa 6 mục tiêu cùng lúc từ khoảng cách 500 km. Ngoài ra, tàu còn có radar điều khiển hỏa lực MR-123 Vympel cho pháo hạm AK-176 và pháo bắn nhanh AK-630.

Với sức mạnh tác chiến và độ cơ động cao, cặp tàu M5 và M6 được trang bị cho Quân chủng Hải quân Việt Nam nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới