Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngTQ sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong tháng 5?

TQ sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông trong tháng 5?

Theo nhận định của tờ The National Interest, vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc xung quanh “đường lưỡi bò” phi pháp mà Bắc Kinh đang theo đuổi tại Biển Đông sẽ được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết trong tháng 5.

Và dự kiến kết quả sẽ không như ý của Bắc Kinh – PCA không công nhận tính hợp pháp của cái gọi là “đường lưỡi bò” và càng không ủng hộ việc Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Và nếu PCA đưa ra phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh, Trung Quốc rất có thể sẽ “báo thù” bằng cách đơn phương tuyên bố thiết lập cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Thời điểm tuyên bố có thể trước hoặc sau khi PCA đưa ra phán quyết. Giới truyền thông cho rằng, nếu việc này diễn ra thì đây sẽ là một “đột phá chiến lược quan trọng trên biển, trên không” của Trung Quốc, và đó là quyết định được lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đưa ra sau nhiều tính toán thiệt hơn.

Tờ The National Interest cũng nhận định, nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, phạm vi “phủ sóng” sẽ bao trùm lên quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ từng cho rằng, Trung Quốc có thể lần lượt thiết lập 2 vùng nhận dạng phòng không bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Sau khi tuyên bố bầu trời quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh là vùng nhận dạng phòng không, Trung Quốc mới lập vùng nhận dạng phòng không thứ hai bao trùm lên quần đảo Trường Sa.

Và theo hình ảnh chụp được từ vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho thấy, việc xây dựng bất hợp pháp trạm radar ở quần đảo Trường Sa giúp Trung Quốc có thể giám sát tàu thuyền và máy bay ở khu vực này.

Từ tháng 2-2016, Bắc Kinh đã triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 ở đảo Phú Lâm, tạo mối đe dọa lớn đối với máy bay hoạt động trong phạm vi 125 dặm Anh.

trung quoc se thiet lap adiz o bien dong trong thang 5
Tướng Phạm Trường Long

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Lý Kiệt đến từ Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất phòng thủ bất hợp pháp trên đảo nhân tạo, bao gồm tên lửa đất đối không, không đối không, biển đối không và các loại vũ khí cần thiết khác.

Còn nhà bình luận quân sự Nghê Lạc Hùng đến từ Thượng Hải cho rằng, liên minh Mỹ – Philippines và viện trợ quân sự của Washington cho các nước châu Á trong tương lai đã chứng minh Washington muốn kiềm chế tham vọng bành trướng ngông cuồng của Trung Quốc bằng cách thiết lập một liên minh quân sự từ biển Hoa Đông tới Biển Đông. Và Bắc Kinh đang đổ lỗi cho Washington quân sự hóa Biển Đông.

Theo tờ Philippine Daily Inquirer, Bắc Kinh đã chỉ trích “sự hiện diện của Mỹ làm gia tăng quân sự trong khu vực” và Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố, quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao tình hình, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc!

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định, chiến lược của Washington nhằm duy trì hòa bình và hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo luật, không nhằm khiêu khích xung đột với bên nào.

Ngày 15-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tàu sân bay USS John C.Stennis đang quá cảnh ở Biển Đông. Đi cùng ông Ashton Carter có Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Tư lệnh Lục quân Philippines Hernando Iriberri.

Quan chức Mỹ – Philippines còn đáp trực thăng khảo sát bãi Cỏ Rong, nằm trong vùng EEZ 200 hải lý của Philippines, nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Đây là lần thứ hai ông Ashton Carter lên một tàu sân bay khi đang hoạt động ở Biển Đông. Tháng 11-2015, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng lên tàu USS Theodore Roosevelt khi đang ở Tây Bắc đảo Borneo.

Mặc dù hối thúc Trung Quốc nên “ngừng xa rời mọi người” và ngừng tự “cô lập mình”, nhưng ông Ashton Carter vẫn khẳng định mời Bắc Kinh tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), bất chấp tình trạng căng thẳng song phương gia tăng.

Ngày 17-4, tờ South China Morning Post khuyến cáo, Trung Quốc có thể viện cớ Mỹ – Philippines tuần tra chung và tăng cường hợp tác ở Biển Đông, để tăng tốc quân sự hóa đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Và căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với Washington trên Biển Đông đã khiến nhiều quốc gia châu Á muốn trở thành đồng minh với Mỹ.

Theo giới truyền thông, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung Quốc vừa có chuyến thăm trái phép tại bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chuyến đi không công khai của ông Phạm Trường Long được Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 15-4 và mục đích nhằm “giám sát công trình xây dựng” ở đây.

Mặc dù không nói rõ chuyến thăm diễn ra khi nào và ở đâu, nhưng tuyên bố cho rằng, ông Phạm Trường Long đã gặp binh sĩ và thị sát việc xây dựng cơ sở tại bãi đá Chữ Thập. Bãi đá Chữ Thập là 1 trong 7 địa điểm Bắc Kinh chiếm đóng và bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm quân sự hóa Biển Đông.

Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên cho biết, họ tin rằng ông Phạm Trường Long đã đáp máy bay tới đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở bãi đá Chữ Thập.

Và trong 2 ngày 8 và 10-4, các loại máy bay như Airbus 319 và Bombardier CRJ đã được dùng để chở quan chức cấp cao Trung Quốc tới thị sát khu vực này và đây là chuyến thăm của một quan chức cấp cao đến Trường Sa.

Hiện không rõ ông Phạm Trường Long đã ở bao lâu và làm gì tại bãi đá Chữ Thập, nhưng chuyến thăm của Phó chủ tịch quân ủy Trung ương trùng hợp với chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. 

Theo giới quân sự, việc Trung Quốc điều 16 máy bay chiến đấu hiện đại nhất tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chứng tỏ mưu đồ muốn thiết lập bàn đạp quân sự tại Biển Đông của Bắc Kinh.

Ngày 13-4, tờ Stars and Stripes dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, Trung Quốc đã triển khai 16 chiến đấu cơ bất hợp pháp ra đảo Phú Lâm, và đây là hành động leo thang chưa từng có.

Và đó là hoạt động triển khai vũ khí, khí tài quân sự quy mô chưa từng có trên Biển Đông mà Bắc Kinh đã tiến hành từ trước đến nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới