Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóng'Di sản khó nuốt'

‘Di sản khó nuốt’

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vừa dẫn một phúc trình mới của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ, đệ trình lên Quốc hội Mỹ (12-4) cho biết, hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông có thể đã hủy hoại các rạn san hô, phá vỡ nguồn cá tại khu vực phụ thuộc rất nhiều vào thủy sản, đồng thời vi phạm luật quốc tế về bảo vệ môi trường.

Theo bản phúc trình kể trên, từ cuối năm 2013 tới tháng 10-2015, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 12km2 đất đai trên 7 thực thể địa lý mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chơi khó đối phương

Ngày 15-4, tờ Liên Hợp báo đưa tin, ngày 14-4, nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm của Đài Loan, ông Mã Anh Cửu đã tham dự hội thảo quốc tế “Tranh chấp Biển Đông và pháp lý quốc tế” tại Đài Bắc và mời các chuyên gia quốc tế bay tới đảo Ba Bình để giúp chứng thực cho cái gọi là “Ba Bình là một đảo theo Điều 121 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vì nó có nước ngọt”!

Và một lần nữa lên tiếng về cái gọi là yêu sách chủ quyền đối với đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời kêu gọi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) không ra phán quyết về vấn đề này theo định nghĩa trong Điều 121 của UNCLOS. Nhưng sự “gửi gắm” này không được người kế nhiệm Thái Anh Văn hoan nghênh bởi bà là người học luật, nghiên cứu luật, nên chỉ ghi nhận ý kiến của người tiền nhiệm.

Điều bà Thái Anh Văn quan tâm là sẽ mở kho tư liệu lưu trữ các tài liệu nhằm chứng minh “chủ quyền” của Đài Loan ở Biển Đông. Cũng trong ngày 15-4, chính quyền Malaysia lại quyết định trục xuất 20/52 người Đài Loan bị cáo buộc lừa đảo về Đài Loan, không về Trung Quốc mặc dù trước đó Bắc Kinh yêu cầu Kuala Lumpur trao trả những công dân kể trên cho họ. Malaysia sẽ tiếp tục đàm phán để trục xuất những người còn lại về Đài Loan.

Điều này cho thấy lập trường khác biệt giữa Bắc Kinh và Đài Bắc về vấn đề Đài Loan. Nhiều người cho rằng, việc người Đài Loan gần đây bị nhiều nước trục xuất về Trung Quốc, thay vì Đài Loan, là một phần trong cuộc tấn công ngoại giao của Bắc Kinh nhắm vào bà Thái Anh Văn, một người bị coi là “cứng đầu”.

Trong khi đó, chuyên gia Ernest Bower, đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Australia nhận định, tam giác an ninh Mỹ – Nhật – Australia đang hình thành trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang và có mục tiêu kiềm chế Trung Quốc bá quyền tại Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng, Manila và Tokyo là đồng minh của Washington, do đó sự xích lại gần nhau giữa hai nước là tín hiệu của một tam giác kết nối với tam giác Mỹ – Nhật – Australia. Theo giới truyền thông, hiệp ước hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Nhật Bản được ký bởi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Kazuhide Ishikawa hồi tháng 2-2016 cho thấy, Manila và Tokyo đang hướng tới thiết lập một khuôn khổ hợp tác an ninh mới.

Và thỏa thuận an ninh song phương kể trên được đưa ra khi các nước Đông Nam Á muốn có một sự cân bằng lực lượng để đối phó với tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và châu Á.

di san kho nuot
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc coi kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines, bao gồm kế hoạch tuần tra ở Biển Đông đã phản ánh “tâm lý chiến tranh lạnh”, không có ích cho hòa bình, cũng như ổn định ở Biển Đông. Đồng thời coi các cuộc tuần tra chung Mỹ – Philippines là động thái tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng cáo buộc Mỹ quân sự hóa Biển Đông và gây hiểu nhầm về vấn đề tự do hàng hải quân sự và dân sự! Tờ Wall Street Journal nhận định, quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines cho thấy một phản ứng mang tính phối hợp đối với sự quá khích của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cố đấm ăn xôi

Ngày 16-4, AFP cho rằng, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã thẳng thắn nêu những quan ngại về Biển Đông trong các cuộc hội đàm với ban lãnh đạo Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Malcolm Turnbull kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 9-2015 và cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tối 15-4 đã kéo dài 60 phút thay vì 30 phút như kế hoạch, khiến chuyến bay về nước của phái đoàn Australia bị hoãn 45 phút.

Vấn đề Biển Đông cũng được ông Malcolm Turnbull đề cập trong cuộc gặp trước đó với Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Malcolm Turnbull còn gặp Phó Thủ tướng Uông Dương và lãnh đạo các doanh nghiệp khi dự Hội nghị bàn tròn các chủ tịch tập đoàn Australia – Trung Quốc.

Theo tờ The Australian và tờ The Straits Times, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã bày tỏ mối quan ngại về vấn đề Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc giải quyết hòa bình mọi tranh chấp. Đồng thời cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng đến lợi ích ngoại giao và kinh tế nếu tình hình khu vực tiếp tục căng thẳng.

Ông Malcolm Turnbull cho rằng, việc quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông đang đe dọa gây tổn hại mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc.

di san kho nuot
Máy bay chiến đấu của Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc

Tuy nhiên, theo đánh giá của ABC News, Thủ tướng Malcolm Turnbull tuy có đề cập tới vấn đề Biển Đông, nhưng theo hình thức ngoại giao. Theo nhận định của cựu Đại sứ Australia ở Trung Quốc Geoff Raby, điều tồi tệ nhất mà ông Malcolm Turnbull đã làm là sử dụng lối ngoại giao hình thức – sử dụng cách thông cáo báo chí thay vì đối thoại trực tiếp để phản ánh vấn đề quan tâm.

Một trong những nguyên nhân khiến ông Malcolm Turnbull chỉ sử dụng lối ngoại giao hình thức bởi ông Tập Cận Bình cho rằng, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác với Canberra trong khuôn khổ Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Phó viện trưởng Viện Chiến lược quốc tế thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Hàn Phong cũng cho rằng (14-4), Australia nên đặt lợi ích kinh tế với Trung Quốc lên hàng đầu thay vì nói về Biển Đông bởi ông Malcolm Turnbull đưa theo hơn 1.000 doanh nhân tới Trung Quốc, tìm kiếm cơ hội làm ăn sau khi Hiệp định thương mại tự do song phương có hiệu lực.

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malcolm Turnbull diễn ra cùng thời điểm với chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại lớn nhất của Australia mang tên “Tuần lễ Australia ở Trung Quốc”. Trước đó, tờ Financial Review từng cho rằng, Trung Quốc đã lợi dụng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Malcolm Turnbull để cảnh báo, các lợi ích kinh tế của Australia sẽ bị tổn hại nếu Canberra không nhẹ giọng khi đề cập tới Biển Đông.

Cảnh báo kể trên xuất hiện sau khi Thủ tướng Malcolm Turnbull từng cho rằng (23-3), việc triển khai quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có lợi mà còn có tác dụng ngược. Và đó là những gì nước này không muốn bày tỏ quan điểm hay đưa ra tuyên bố”.

Ngang nhiên dựng chuyện

Ngày 15-4, tờ The Fiji Times cho biết, Chính phủ Fiji đã vạch mặt Bắc Kinh khi bịa đặt “Fiji ủng hộ Trung Quốc bành trướng Biển Đông”. Việc này diễn ra sau khi Trung Quốc công bố thông cáo báo chí sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Fiji Ratu Inoke Kubuabola và Ngoại trưởng Vương Nghị ở Bắc Kinh hôm 13-4. Theo đó, thông cáo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát hành đã thể hiện không chính xác lập trường của Fiji trong vấn đề Biển Đông.

Bởi trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bịa đặt trắng trợn rằng “Trung Quốc và Fiji kêu gọi các bên liên quan trực tiếp cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, hàng hải thông qua tham vấn thân thiện và đàm phán song phương, phù hợp theo tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông. Cơ quan tư pháp và trọng tài quốc tế nên tôn trọng đầy đủ việc Trung Quốc bảo lưu theo Điều 298 của UNCLOS”.

Giới truyền thông cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng đội tàu đánh cá quy mô lớn để bảo vệ những yêu sách lãnh thổ phi lý ngày càng gia tăng ở Biển Đông. Điều này không những đưa Bắc Kinh vào tình thế va chạm với các nước láng giềng châu Á, mà còn làm tăng nguy cơ khủng hoảng khôn lường.

Bởi nếu Bắc Kinh đứng sau giật dây lực lượng “dân quân biển” sẽ không một quốc gia nào trong khu vực là đối thủ của họ. Và ngư dân cùng đội tàu cá khủng dưới tên gọi lực lượng “dân quân biển” được đào tạo sử dụng vũ khí để giúp cái gọi là “bảo vệ yêu sách trên biển” của Trung Quốc. Ngày 14-4, tờ Defense World trích dẫn bài viết từ China Military Online cho rằng, Trung Quốc đang thiết lập một đội dân quân biển theo mô hình toàn diện ở Biển Đông.

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc, tiêu thụ cá bình quân đầu người của Trung Quốc trong năm 2010 gần 36kg, gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu và đang tăng khoảng 8%/năm. Và ngành công nghiệp cá Trung Quốc đang tạo việc làm cho gần 15 triệu người. Nhưng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông khiến các nước hữu quan không thể chấp nhận.

Trong khi đó, học giả Alan Dupont, Giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học New South Wales, Australia nhận định, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược nhằm thống trị Tây Thái Bình Dương và đẩy Mỹ ra khỏi vùng biển này. Nhiều người nói rằng, chính sách “kẻ cơ hội” của Bắc Kinh không những tạo tác dụng ngược, mà còn khiến các quốc gia trong khu vực đoàn kết để chống lại mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.

Trong bài “Huấn luyện của quân đội Trung Quốc: Cửa sổ của văn hóa quân đội”, đăng trên tờ The Diplomat hôm 13-4, tác giả Ben Lowsen đã chỉ rõ sự khác biệt trong huấn luyện quân đội giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi Trung Quốc coi trọng kỷ luật, bóp chết sáng tạo, thì Mỹ khuyến khích sáng tạo để giải quyết các vấn đề phát sinh…

RELATED ARTICLES

Tin mới