Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngMỹ cứng rắn, Anh khiến TQ sốc tại biển Đông?

Mỹ cứng rắn, Anh khiến TQ sốc tại biển Đông?

Những tuyên bố và hành động cứng rắn của Mỹ, Anh về biển Đông đang khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại.

“Anh tới, tôi đợi sẵn”

Ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tới thăm châu Á, đặt chân lên tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN 74) đang di chuyển trên Biển Đông.

Tại đây, ông Carter đã gặp binh sĩ Mỹ và thị sác các hoạt động phóng máy bay, bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng, tiết lộ Mỹ và Ấn Độ, Philippines vừa đạt được hiệp định quân sự mới.

Chiều cùng ngày, website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng phát đi thông tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long gần đây đã tới thị sát, thăm hỏi sĩ quan binh lính, công nhân xây dựng và tìm hiểu tình hình xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan ở một số đảo, bãi thuộc quần đảo Trường Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm giữ phi pháp).

Giới phân tích cho rằng, những động thái cứng rắn mới của Mỹ thể hiện trong chuyến thăm châu Á của ông Carter phát đi tín hiệu rằng Washington và các nước đồng minh sẽ cùng nhau ứng phó với việc Trung Quốc không ngừng mở rộng sự có mặt tại khu vực Biển Đông.

Và đương nhiên, hành động này sẽ càng khiến Bắc Kinh lo ngại về ý đồ ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ.

Nhìn nhận về vấn đề này, truyền thông Pháp cho rằng việc Trung Quốc chọn thời điểm ông Carter thăm tàu sân bay để phát đi thông tin tướng Phạm Trường Long thị sát Biển Đông là đòn trả đũa trực tiếp đối với cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Philippines ở Biển Đông đồng thời tỏ rõ thể hiện toan tính chính trị mới “anh tới, nhưng tôi đã đợi sẵn” của Bắc Kinh.

Anh khiến Trung Quốc sốc tại biển Đông

Tuy nhiên vào thời điểm này, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với mình Washington mà mới đây, Anh cũng đã tỏ thái độ cứng rắn với những hành động xâm phạm chủ quyền trái phép của nước này trên vùng biển Đông.

Ngày 18/4, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, ông Hugo Swire, Quốc vụ khanh phụ trách Đông Á của Bộ Ngoại giao Anh, cho hay London xem phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan là cơ hội để Trung Quốc và Philippines tái khởi động đối thoại về các tranh chấp lãnh thổ.

Theo ông Swire, mặc dù quan hệ giữa Anh với Trung Quốc đã ấm lên và London mong muốn thu hút thêm đầu tư của Bắc Kinh nhưng điều này không có nghĩa là “chúng tôi xem nhẹ các hiểu biết quan trọng về các vụ lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh hay sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông”.

“Chúng tôi phải làm rõ với Trung Quốc rằng chúng tôi chỉ có thể thực hiện những điều này theo cách thức công khai và minh bạch theo hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế. Theo hệ thống dựa trên luật pháp quốc tế mà thế giới tuân thủ, chúng tôi hi vọng phán quyết từ La Hay sẽ được tất cả các bên liên quan tuân thủ, và chúng tôi ủng hộ các nước khác, trong đó có Mỹ, dù phán quyết có thế nào”, ông Swire khẳng định.

My cung ran, Anh khien Trung Quoc soc tai bien Dong?
Anh khiến Trung Quốc sốc tại biển Đông khi đưa ra tuyên bố cứng rắn

Ngoài ra, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh cũng nhấn mạnh, London coi tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là “vấn đề hoàn toàn không thể thương lượng”.

Tuyên bố trên của  ông Swire được coi là hành động cứng rắn đầu tiên của Anh về biển Đông  bởi lâu nay nước này vẫn được cho là thường né thể hiện quan điểm rõ ràng, cứng rắn với Trung Quốc vì muốn mời gọi nguồn đầu tư của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trước đó, trong một chuyến thăm cấp nhà nước đến London của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 10 năm ngoái, hai nước đã ký các thoả thuận thương mại lên tới 30 tỉ bảng Anh (tương đương 46 tỉ USD), trong đó có việc Trung Quốc đầu tư vào một nhà máy điện hạt nhân ở phía tây nước Anh.

Giới phân tích cho rằng sự thay đổi đột ngột trong chiến lược của London với Trung Quốc vào thời điểm này đã khiến Bắc Kinh không khỏi ngỡ ngàng. Phản ứng gần như đồng dạng với Nhà Trắng, London đang cho thấy trách nhiệm của mình trong các vấn đề quốc tế, nhất là những tranh chấp trên khu vực biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới