Theo quy định mới về án phạt đối với tội danh tham nhũng của TQ, những người nhận hối lộ từ 3 triệu Nhân dân tệ trở lên sẽ bị tử hình.
Chính phủ Trung Quốc ngày 18/4 công bố quy định mới về án phạt đối với tội danh tham nhũng. Theo hướng dẫn mới của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm soát nhân dân tối cao Trung Quốc, những người bị kết án với tội danh biển thủ công quỹ, nhận hối lộ trị giá từ 3 triệu NDT (Nhân dân tệ) trở lên (tương đương 463.000 USD) sẽ bị tử hình.
Trong trường hợp có những tình tiết giảm nhẹ, án tử hình sẽ được treo trong 2 năm. Trên thực tế, những trường hợp này thường được tòa án cho hưởng khoan hồng xuống án chung thân khi bị cáo hợp tác trong quá trình điều tra. Trong trường hợp, người phạm tội không được giảm án nếu hành động của họ gây ra những tác động cực kỳ nghiêm trọng và tổn thất lớn cho Nhà nước và lợi ích của nhân dân.
Luật mới sửa đổi của Trung Quốc được cho là nhằm làm cho việc kết án và tuyên án đối với tội tham ô và hối lộ được linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, luật cũng cho ngành tư pháp nước này nhiều quyền để thiết lập các tiêu chuẩn chính xác hơn. Ngoài ra, luật mới cũng định nghĩa rõ hơn về tội hối lộ và tham nhũng.
Liên quan đến quy định mới về án phạt đối với tội danh tham nhũng ở Trung Quốc, cách đây không lâu, ngày 11/3, Trần Bách Hạo-cựu Chủ tịch công ty Bạch Vân, Quảng Châu đã bị đưa ra xét xử vì tội tham ô gần 60 triệu nhân dân tệ (NDT, hơn 20 tỉ đồng).
Theo Nhân dân Nhật báo cho biết, năm 2002, công ty Bạch Vân tiến hành cổ phần hóa để chuyển từ công ty quốc doanh sang công ty tư nhân nên phải nhờ đến một công ty đánh giá rủi ro.
Trần Bách Hạo với tư cách chủ tịch kiêm tổng giám đốc và cũng là đại diện pháp lý của công ty đã lợi dụng chức vụ, cố ý giấu diếm tài liệu của 133 căn hộ tại quận Bạch Vân (Quảng Châu) không báo cáo cho công ty đánh giá rủi ro. Vì số liệu không đầy đủ, 133 căn hộ này vốn có giá gần 45 triệu NDT lại bị định giá chỉ có 2,6 triệu NDT, làm thất thoát gần 42 triệu NDT tài sản nhà nước.
Sau khi công ty hoàn thành cổ phần hóa, Trần lại đem 133 căn hộ này bán ra, thu về đến gần 60 triệu NDT. Số tiền này không được Trần nộp lại mà lại bị bỏ vào tài khoản riêng, hoặc dùng để mua nhà, mua cổ phiếu.
Ngoài số tiền này, Trần còn một quỹ đen hơn 4 triệu NDT có được do bòn rút công quỹ trước khi công ty tiến hành cổ phần hóa.
Trước đó, ngày 29/12/2015, tòa án nhân dân ở thành phố Bảo Định thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc cho biết, ông Wei Pengyuan, cựu phó vụ trưởng phụ trách ngành than thuộc Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, đã thừa nhận nhận hối lộ 221 triệu nhân dân tệ (32,5 triệu USD) và không thể giải thích nguồn gốc của số tài sản khác trị giá 131 triệu nhân dân tệ (20,2 triệu USD).
Nếu tính bằng các đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ thì số tiền này có thể xếp cao tới 200 mét và nặng hơn 3 tấn, một quan chức trong cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cho biết. Số tiền này vượt xa số tiền 6 triệu USD mà cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Liu Tienan nhận hối lộ. Ông này đã bị kết án chung thân tháng 12 năm ngoái.
Tòa án cho biết, Wei tích trữ của cải bằng 4 loại tiền khác nhau, cùng với vài cân vàng, 3 ô tô và các tranh nghệ thuật. Hiện tòa án chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trên đây là những vụ án tham nhũng được phanh phui những năm gần đây ở Trung Quốc. Dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triển khai chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào quan chức các cấp hay còn gọi là chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”.