Washington Free Beacon vừa dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Dongfeng-41 (DF-41).
Washington Free Beacon vừa dẫn nguồn từ Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Dongfeng-41 (DF-41).
Theo đánh giá của giới quân sự Mỹ, tên lửa DF-41, với tầm bắn trên 10.000 km, có thể tấn công bất cứ điểm nào trên thế giới chỉ trong 30 phút, còn với điểm tấn công ở Nga thì thời gian sẽ ít hơn rất nhiều.
Trung Quốc thử nghiệm DF-41 chỉ một ngày sau khi Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roskosmos cho Bắc Kinh biết Nga không quan tâm đến việc “trao đổi công nghệ tên lửa” với nước này.
Sự trùng hợp thời điểm khiến người ta phải nghi ngờ dường như Trung Quốc muốn chứng tỏ với Moskva là họ có thể xoay xở được mọi thứ mà không cần đến “kinh nghiệm Nga”.
Chủ tịch Trung tâm Phân tích Nga-Trung Quốc Sergey Sanakoev bình luận, 2 thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển công nghệ tên lửa, bất chấp lệnh cấm mà Mỹ đã đưa ra từ năm 1989
Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần cầu cạnh, xin xỏ công nghệ tiên tiến của Liên Xô. Trong quãng thời gian ngắn ngủi của mối “quan hệ hữu nghị anh em” giữa 2 nước trong thập niên 50, Bắc Kinh đã từng ngỏ ý “nhờ” Liên Xô xây dựng giúp một hạm đội tàu ngầm hạt nhân.
Trò “vòi vĩnh” quá đáng này của Trung Quốc, theo chuyên gia Sanakoev, chẳng khác gì một đứa trẻ hư hỏng đòi bố mẹ mua cho một món đồ chơi đắt tiền.
Khi biết Moskva từ chối, Mao Trạch Đông ngay lập tức trở mặt, cáo buộc Liên Xô là “chủ nghĩa xã hội đế quốc” và lộ ý định sẽ bắt tay với Mỹ, kẻ trước đó vẫn được coi là “kẻ thù chung”.
Bây giờ thì Trung Quốc, theo Sanakoev, như một đứa trẻ đã lớn, đỡ quấy phá ăn vạ bố mẹ, nhưng vẫn chẳng vội gì nhảy từ vai bố mẹ xuống. Việc gì phải đi mua công nghệ, nếu như có thể nhận được bằng con đường “đối tác trao đổi”, hay “nói trắng” ra là nhận quà?
Báo Tin Tức (Izvestia) của Nga hôm qua 19/4 cho biết, Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roskosmos đã nhận được lời đề nghị từ phía Trung Quốc “trao đổi” công nghệ điện tử vũ trụ của họ để lấy công nghệ chế tạo động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng của Nga.
Phản ứng trước đề nghị này, một quan chức cấp cao của Roskosmos nói với tờ Tin Tức là việc “trao đổi” đó thật “không tương đương” và ông “không nhìn thấy lý do đầy đủ nào để tiến hành nó”.
Vị quan chức này có nói đến việc hiện Trung Quốc còn chưa là thành viên của tổ chức Chế độ kiểm soát động cơ tên lửa ( MCTR).
Chuyên gia Sergey Sanakoev bình luận sự kiện này với Hãng tin báo chí quốc nội Ridus của Nga:
“Các chuyên gia của chúng ta thật tỉnh táo. Họ đã tính đến thủ đoạn chiến lược của Trung Quốc và kiên quyết đảm bảo các lợi ích chiến lược của Nga, nên đã lịch sự, nhưng kiên quyết không nhượng bộ Bắc Kinh”.