Việc hàng loạt cá nuôi tự nhiên, cá dưới đáy biển chết trôi dạt vào bờ, nguyên nhân chính là do các hoạt động hủy hoại của con người.
Ông Vũ Đình Đáp – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) vô cùng bức xúc khi nêu quan điểm với Đất Việt, về sự việc rất nhiều loài cá tự nhiên chết trôi dạt vào bờ biển các tỉnh dọc miền Trung suốt tuần qua.
Không thể do thiên nhiên
PV:- Những ngày qua, hiện tượng cá tự nhiên ngoài biển chết dạt vô bờ biển dọc từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên Huế khiến người dân vô cùng hoang mang. Hầu hết các loại cá chết như cá đuối, cá mú gai, cá sơn, cá thia, cá doái…đều là những loài cá sinh sống và kiếm ăn ở tầng đáy biển dưới rạn san hô, rất khó đánh bắt. Đáng lưu ý, trong năm 2015, chúng ta cũng ghi nhận hiện tượng hải sâm chết hàng loạt, cá quý chết trôi dạt bờ…
Là một nhà nghiên cứu về sinh vật biển, ông có bất ngờ trước những hiện tượng nói trên hay không? Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu của mình, liệu ông có thể dự đoán, nguyên nhân của hiện tượng nói trên hay không?
Ông Vũ Đình Đáp: – Chuyện cá chết hàng loạt, nhất là cá sống ở vùng đáy biển xảy ra những ngày qua ở vùng biển một số tỉnh miền Trung chắc chắn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động trên biển của con người.
Có thể là do các nhà máy ở ven biển, xả chất thải ra không qua hệ thống xử lý; hoặc cũng có thể là do các hoạt động xây dựng các công trình trên vùng biển làm cho nguồn nước ô nhiễm.
Nhưng để nhận định được nguyên nhân chính xác thì phải có mẫu cá bị chết, để kiểm tra bao tử xem thức ăn của cá là chất gì, có phải do ăn phải chất ô nhiễm hay không?.
Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, hiện tượng cá đáy chết hàng loạt như vậy chắc chắn là ảnh hưởng bởi môi trường, mà môi trường cụ thể ở đây chính là chất thải rắn. Lượng chất thải này có thể xuất phát từ các nhà máy sản xuất luyện quặng, chất thải này có đặc điểm vừa lỏng, vừa bã, nhưng nó vẫn là loại tạp của vật thể rắn, dễ bị bào mòn, lẫn vào nước.
Chính vì thế, khi xả ra đáy biển, các chất trên sẽ lắng xuống dưới, khiến cho các loài cá sống ở đáy biển, không ăn phải những chất trên cũng chết. Bởi vì, bình thường các loài cá trên sống ẩn nấp trong hang, dưới các rạn san hô, khi có thêm lượng chất này phủ lên thì không đủ oxy để hô hấp, như chúng ta thấy bào ngư, hải sâm cũng đã từng chết.
Trong khi, đây là loài sống vùi dưới lớp đất có cỏ biển, san hô, nghĩa là các loài trên, ăn vào cũng chết mà không ăn vào cũng chết, nhưng tôi tin chắc chắn là có ăn.
Bình thường, lượng nước ở tầng nước nổi từ đáy biển lên mặt biển vô cùng lớn, chất thải ô nhiễm phải có thể tích, trọng lượng nhẹ tương đương tỷ trọng của nước, nên vô cùng khó. Trong khi, thể tích đáy biển không lớn, chỉ cần lớp chất thải phủ lên khoảng vài cm, thì có thể phủ cả vùng biển hàng chục km2.
Nói đơn giản hơn, ở đây, cũng giống như rửa bình thuốc sâu đổ xuống sông, ao, chất độc đó sẽ hòa tan vào trong nước, dĩ nhiên vùng nước bề mặt ở ao, sông đó sẽ bị ô nhiễm.
Còn khi chúng ta xả bùn, cống xuống ao, vùng nước ở đáy ao sẽ bị nhiễm, nếu như ao lớn, có độ sâu lớn, chưa chắc những con vật sống ở tầng lớp mặt bị nhiễm độc, chỉ có con cá sống ở lớp đáy mới bị ảnh hưởng.
PV:- Trước đó, cũng đã rất nhiều chuyên gia nhận định việc cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc chắc chắn có ảnh hưởng tới sinh vật biển. Giới nghiên cứu khoa học thế giới cũng đã từng có cảnh báo tương tự. Quan điểm của ông ra sao trước những ý kiến trên? Xin ông phân tích cụ thể.
Ông Vũ Đình Đáp: – Việc Trung Quốc cải tạo các đảo nhân tạo ngoài biển thì phải hút chất bùn, cát ở xung quanh để bơm vào đảo đá, hiệu suất bơm vào thấp hơn bơm vào vùng làm kè gần bờ.
Tôi được biết, lượng bơm vào đảo cỡ khoảng 1 tỷ khối và lượng chất cát, bùn thoát ra khỏi vùng định bồi đắp cũng phải tương đương hoặc nhiều hơn.
Chính vì thế, nên dòng hải triều di chuyển sẽ mang theo các chất lơ lửng, về nguyên lý cát thì sẽ lắng xuống nhưng các chất cặn bã, chất phù du nằm dưới sát biển sẽ trôi đi, khả năng lớn trôi vào vùng ven bờ nhiều.
Khi đó, những nước ở gần như Việt Nam thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Câu chuyện trên cũng giống như cháy rừng ở Malaysia, dù chỉ cháy ở nước này, nhưng nó cũng làm cho các nước Đông Nam Á ở gần như Việt Nam bị ảnh hưởng, thậm chí có thể đi xa hàng nghìn km.
Qua đây, tôi khẳng định, các sinh vật biển chết thời gian qua, chủ yếu là do tác động bàn tay con người vào thiên nhiên, còn các yếu tố như bão, động đất, sóng thần cũng ảnh hưởng, nhưng nó không thể dẫn đến chuyện cá chết hàng loạt.
Cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế
PV:- Có ý kiến cho rằng, là một nước phụ thuộc nhiều vào nguồn thủy hải sản ở biển Đông, Việt Nam nên có những hành động cụ thể để ngăn chặn việc tàn phá môi trường này. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không?
Từ trước tới nay, tiếng nói của Việt nam về vấn đề này đã đủ mạnh mẽ chưa? Những bước đi cụ thể của Việt Nam nên là gì, thưa ông?
Ông Vũ Đình Đáp: – Chúng ta là nước có đường bờ biển dài hơn 3000km, nên ngoài vấn đề an ninh quốc phòng, vấn đề kinh tế liên quan đến nguồn thủy hải sản rất cần được quan tâm, bởi đó là nguồn lợi chúng ta được hưởng.
Nếu như không bảo vệ được thì bản thân chúng ta sẽ làm ô nhiễm vùng đặc quyền kinh tế của chính mình. Mà thiệt hại không chỉ là nhãn tiền mà còn cho cả các thế hệ đi sau, nên việc bảo vệ, lên án các hành động khai thác đảo trái phép làm ô nhiễm môi trưởng biển là việc tất yếu phải làm.
Từ trước đến nay, chúng ta thường xuyên đề cập đến vấn đề an ninh quốc phòng, giao thông biển, hàng hải, còn chưa nói nhiều đến vấn đề an ninh kinh tế, ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, việc ô nhiễm ảnh hưởng tới môi trường sống của thủy hải sản ra sao, kể cả môi trường sống của con người sống ở vùng gần biển.
Việt Nam đã từng lên tiếng nhưng dừng ở mức độ cảnh báo, chứ chưa có hoạt động đánh giá những ảnh hưởng cụ thể của việc khai thác đảo đến vùng đặc quyền kinh tế, cũng như nguồn lợi thủy hải sản dưới mặt nước.
Rất nhiều loài cá sống dưới đáy biển cũng bị chết |
Hiện nay, chúng ta đã có một Viện hải dương học, chuyên nghiên cứu cơ bản về nguồn lợi từ thiên nhiên, biến đổi hàng hải, những hoạt động dưới biển. Nhưng chưa có sự đầu tư xứng đáng, nên rất cần sự hợp tác của cơ quan nghiên cứu quốc tế, các nhà nghiên cứu của thế giới.
Từ đó, đủ điều kiện để khởi động các nghiên cứu về những tác động ảnh hưởng của việc cải tạo đảo trái phép tới nguồn lợi thủy hải sản.
Thời gian qua, Viện hải dương học đã từng viết rất nhiều bài báo nói về việc khai thác đảo trái phép của Trung Quốc tác động đến môi trường biển ra sao, nhưng số lượng vẫn ít, chưa đủ tầm để các nước trên thế giới quan tâm.
Nghĩa là tiếng nói và hành động của chúng ta chưa mạnh mẽ, quyết liệt, cũng chưa đủ sức thuyết phục các nhà hải dương học thế giới để họ quan tâm. Vì thế, thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của nhà nước, chính phủ cũng như các ban, ngành liên quan.
Cụ thể, cần có các bằng chứng, dẫn chứng để thuyết phục các nhà khoa học quốc tế, từ đó họ sẽ hướng dẫn cho chúng ta những biện pháp ngoại giao phù hợp.
PV:- Theo ông, Việt Nam có thể tận dụng sự ủng hộ và đồng tình của giới khoa học quốc tế trong vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Đình Đáp: – Để tận dụng được sự quan tâm của các nhà khoa học quốc tế thì Việt Nam cần phải tham gia vào các diễn đàn đa phương, liên quan tới các hoạt động khai thác đảo.
Bên cạnh đó, phải tham gia vào các diễn đàn về khoa học, về kinh tế, bởi vì nếu có tham gia thì thế giới mới biết chúng ta đang quan tâm đến vấn đề gì, khi đó mới lưu tâm, có hướng nghiên cứu cùng.
Trước thực trạng hàng loạt cá sống dưới đáy biển chết trôi dạt vào bờ biển miền Trung những ngày qua, đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà khoa học quốc tế lên tiếng cảnh báo về các hành động sai trái của con người, khi tàn phá thiên nhiên, cụ thể là môi trường nước biển.
Nếu kéo dài các hành động trên thì tính đa dạng sinh học của các vùng biển sẽ mất đi, thậm chí gây ra hiện tượng, các con vật bị nhiễm phóng xạ, biến đổi gen, chứ không chỉ đơn thuần nhiễm độc mà chết.
– Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!