Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngTQ tuyên bố chính thức phóng DF-41 gần Biển Đông

TQ tuyên bố chính thức phóng DF-41 gần Biển Đông

Theo The Washington Free Beacon ngày 21/4, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng xác nhận vừa thử nghiệm thành công tên lửa DF-41 hôm 12/4.

Nguồn tin cho biết, vụ phóng thử mới nhất này, tên lửa DF-41 mang theo 2 phương tiện chứa nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập (MIRV). Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, trong lần thử nghiệm hôm 12/4, tên lửa tầm xa đã được phóng “gần Biển Đông”.

Một nguồn tin quân sự tiết lộ với The Washington Free Beacon, quả tên lửa DF-41 được bắn thử đã mang 2 đầu đạn giả bắn vào 2 mục tiêu độc lập trong một lần phóng.

Trong khi theo thiết kế, DF-41 cs thể mang từ 6 đến 10 đầu đạn, với tầm bắn ước tính khoảng 12 đến 15.000 km. Hiện tại ước tính Trung Quốc đang có khoảng 250 đến 300 đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Đáng chú ý là thời điểm Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo DF-41 ở Biển Đông cũng là lúc Phạm Trường Long – Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương đang đổ bộ bất hợp pháp xuống đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cùng thời gian này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên kiểm tra tàu sân bay USS Stennis đang hoạt động trên Biển Đông cùng với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin.

Theo tuyên bố từng được Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra cuối năm 2015, tên lửa DF-41 sẽ được đưa vào hoạt động chính thức ngay trong năm 2016. Cùng với DF-31, DF-5, tên lửa DF-41 sẽ giúp Trung Quốc cân bằng hạt nhân với Mỹ.

Tuy nhiên, các quan sát viên quân sự nói rằng, mặc dù DF-41 đã đánh dấu việc hiện đại hóa hệ thống tên lửa và nâng cao tổng thể khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, nhưng vẫn không đủ để thay đổi thế cân bằng hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo giới truyền thông Mỹ, hồi tháng 8/2014, một báo cáo trên website Chính phủ nước này đã thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Báo cáo này đã tiết lộ nội dung đảm bảo việc nghiên cứu, chế tạo tên lửa DF-41. Phương Tây từ lâu đã phỏng đoán được việc Trung Quốc đang phát triển loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này, đến nay những quan ngại của họ đã được chứng thực bởi quan chức Trung Quốc.

Tin tức cho biết, tầm bắn lớn nhất của tên lửa đạn đạo DF-41 có thể đạt tới 15.000 km, có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ, đồng thời, loại tên lửa đạn đạo liên lục địa này có thể mang được 10 đầu đạn hạt nhân đa phân hướng, đa phương thức dẫn đường.

Ông Walzer, cựu quan chức tình báo Mỹ, nguyên ủy viên Ủy ban thẩm tra An ninh – kinh tế Mỹ – Trung trực thuộc Quốc hội Hoa Kỳ cho rằng, vì có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, nên DF-41 sẽ giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể khả năng thâm nhập vào hệ thống phòng ngự tên lửa còn hạn chế của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể sử dụng phương tiện phóng cơ động hoặc các tên lửa siêu thanh có khả năng tái nhập tầng khí quyển, để tăng lực xuyên phá của đầu đạn. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vừa qua, Bắc Kinh đã thử nghiệm thành công phương tiện bay siêu thanh WU-14.

Ông Walzer nói, do DF-41 có tính cơ động, có thể phóng trên các phương tiện chuyên chở đường bộ, đường sắt và sử dụng nhiên liệu rắn, nên rất khó bị vệ tinh phát hiện. Đồng thời, thời gian chuẩn bị phóng của DF-41 nhanh hơn rất nhiều so với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.

Mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ nhiều hơn Trung Quốc, nhưng DF-41 thực sự đã nâng cấp năng lực răn đe hạt nhân của Bắc Kinh với Washington, vì không có một quốc gia nào muốn thấy vũ khí hạt nhân rơi vào lãnh thổ của mình, nên việc nâng cấp năng lực xuyên phá qua hệ các thống phòng thủ thực sự sẽ tăng cường năng lực răn đe hạt nhân.

Trợ lý giáo sư Robert Farley của Viện Ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson trực thuộc Đại học Kentucky – Hoa Kỳ cho biết, việc phát triển DF-41 cho thấy Trung Quốc đang chuyển hướng từ răn đe tối thiểu sang khả năng tấn công mạnh mẽ hơn, khả năng sinh tồn lớn hơn.

Nhưng, các chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù việc phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã có bước tiến triển lớn, nhưng Trung Quốc muốn phá vỡ thế cân bằng hạt nhân với Mỹ thì còn phải đi một chặng đường rất xa.

Nhà nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc trong thời gian dài Lâm Trường Thịnh cho biết, tuy Trung Quốc đã có bom nguyên tử, bom hydro và tên lửa hạt nhân từ trước đây rất lâu, nhưng lại chưa thực sự xây dựng khả năng răn đe hạt nhân đối với Mỹ. Ông cho biết:

“Trung Quốc hiện có vài loại tên lửa, nhưng thực sự có thể tân công được Mỹ cũng chỉ có DF-31A và DF-5 nhưng DF-31A chỉ có thể chạm được đến phía Tây của Hoa Kỳ, còn DF-5 có thể tấn công được toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng tính sinh tồn chiến lược của nó lại rất thấp.”

Ông giải thích rằng, DF-5 lưu trữ trong silo phóng cố định, sử dụng động cơ tên lửa, gồm 2 tầng đẩy dùng nhiên liệu lỏng, kích thước rất lớn, đường kính đạn 3,35m, chiều cao 40 đến 50m, thời gian cần thiết để nạp nhiên liệu trước khi bắn rất lâu.

Hơn nữa, Trung Quốc luôn tuyên bố tuân thủ cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên. Vậy thì, sau khi bị tấn công phủ đầu, DF-5 còn bao nhiêu lực chiến đấu là điều khó nói. Tin tức cho biết, lần thứ tư Trung Quốc bắn thử tên lửa DF-31A và DF-5 là vào cuối năm 2014.

Ông Lâm Trường Thịnh nói: “Răn đe hạt nhân chiến lược hiện nay của Hoa Kỳ là bộ 3 tấn công hạt nhân từ trên không, dưới mặt đất và trên biển. Trên mặt đất, thì dựa vào tên lửa giếng phóng ngầm; còn trên không thì dựa vào máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, đây là tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân.

Nhưng lực lượng then chốt nhất trong tấn công hạt nhân chiến lược của Mỹ là trên biển, tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa “Trident – II D5”. Khả năng răn đe hạt nhạn của Mỹ chủ yếu là dựa vào lực lượng này, chứ không phải lực lượng trên bộ.

Về phương diện tàu ngầm hạt nhân trên biển, Trung Quốc vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục. Tầm bắn của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm liên lục địa Cự Lang-2 (JL-2) của Trung Quốc chỉ có hơn 8000 km, khả năng thực sự của nó vẫn chưa được kiểm chứng.

Theo ông, Trung Quốc muốn tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ thì cần phải thông qua tàu ngầm hạt nhân, buộc phải đưa tàu ngầm hạt nhân đến Hawaii. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc mới chỉ có khoảng 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn – Type 094 có độ ồn lớn nên không thể thoát khỏi các phương tiện săn ngầm của Mỹ và đồng minh.

Robert Farley cũng cho rằng, do Hoa Kỳ có ưu thế dưới nước, nên tên lửa hạt nhân phóng từ tàu ngầm Trung Quốc phải mất thời gian dài nữa mới có thể trở thành mối đe dọa lớn với Hoa Kỳ. Hơn nữa máy bay ném bom của Trung Quốc hiện nay vẫn chưa đủ khả năng để thoát khỏi sự truy đuổi của Mỹ.

Máy bay ném bom H-6 Trung Quốc có bán kính tác chiến hơn 3000km, cùng với tầm phóng hơn 1000km của tên lửa hành trình CJ-10, nó không thể tấn công vượt qua khoảng cách 5000km, với cự ly tấn công này, H-6 chưa đủ khả năng uy hiếp lãnh thổ Hoa Kỳ.

Lực lượng máy bay tiếp dầu trên không của Trung Quốc vẫn còn rất yếu kém nên không thể nối dài phạm vi tác chiến của các máy bay ném bom chiến lược và tiêm kích hộ tống của họ. Đồng thời, biên đội bay này cũng không thể thoát khỏi sự truy quét của các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ như F-35 và F-22.

Vì vậy,có thể nhận định, lực lượng răn đe hạt nhân bộ ba kia của Trung Quốc còn xa mới uy hiếp được Mỹ, sự xuất hiện của tên lửa đạn đạo thế hệ mới nhất là DF-41 cũng không thể cải thiện được điều này. Chỉ khi nào Trung Quốc chế tạo được một loại máy bay ném bom tàng hình và có vài chục tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thì mới có khả năng làm khó được Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới