Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTại sao Indonesia không hề nhân nhượng với tàu cá của TQ?

Tại sao Indonesia không hề nhân nhượng với tàu cá của TQ?

Những vụ việc tàu Trung Quốc liên tục bị bắt và đánh chìm vì đánh bắt cá trái phép trên vùng lãnh hải của Indonesia thời gian gần đây khiến dư luận thế giới hết sức quan tâm. Không chỉ ở Biển Đông, tàu cá Trung Quốc còn vi phạm ở nhiều vùng biển khác

Các tàu đánh bắt cá Trung Quốc liên tục vi phạm lãnh hải của các quốc gia khác. Hình minh họa: The Economist

Việc đánh chìm các tàu cá vi phạm là một hành động khá lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và gây kích động. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia kiên quyết cho rằng biện pháp này lại hết sức hiệu quả. Ngày 5/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia, Susi Pudjiastuti đã trực tiếp xem 23 tàu cá Việt Nam và Malaysia bị đánh chìm vì đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của nước này.

Kể từ khi ông Joko Widodo nhậm chức Tổng thống năm 2014 và cam kết sẽ thúc đẩy cộng đồng nghề cá địa phương, Indonesia đã phá hủy hơn 170 tàu đánh bắt cá nước ngoài. Chính phủ nước này cho biết số lượng tàu nước ngoài vi phạm đã giảm đáng kể trong khi các tàu cá nội địa lại đánh bắt được nhiều hơn.

Bà Susi hy vọng rằng Tòa án tối cao Indonesia sẽ cho phép bà đánh chìm thêm 10 tàu cá nữa, bị bắt vì vi phạm năm 2014 và thuộc về quốc gia có số tàu thuyền vi phạm nhiều hơn bất kỳ nước châu Á nào, đó là Trung Quốc.

Tháng trước, Indonesia đã vô cùng tức giận trước phản ứng của Trung Quốc khi tàu bảo vệ bờ biển của nước này giải cứu cho một tàu đánh cá Trung Quốc đang bị lực lượng chức năng Indonesia dẫn độ về cảng vì đã vi phạm vào vùng biển thuộc đảo Natuna. Tám thuyền viên đã bị giam giữ. Thuyền viên thứ 9 đã thoát được và đưa thuyền quay trở lại bến cảng phía Nam Beihai nhờ sự giúp đỡ của một ca nô thuộc đội tàu chiến Trung Quốc.

Người này đã nói với New York Times rằng “có thể” anh ta cùng các thuyền viên khác đã đánh cá trên vùng biển của Indonesia. Trên thực tế, việc vi phạm này gần như là chắc chắn đúng. Việc Indonesia sở hữu đảo Natuna là không thể chối cãi và theo luật pháp quốc tế những người Trung Quốc này đã tiến vào “vùng đặc quyền kinh tế” của Indonesia.

Thế nhưng Bắc Kinh bảo vệ các thuyền viên của mình bằng cách cho rằng họ ở trong khu vực “đánh bắt cá truyền thống của Trung Quốc”. Vùng biển này nằm trong “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tự ý vẽ trên bản đồ của mình, thậm chí còn cung cấp cả hộ chiếu cho người dân, và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông.

Không chỉ ở Indonesia, tàu cá Trung Quốc còn bị bắt ở Nhật Bản, Philippines, Đài Loan và Việt Nam, tất cả các nước có tranh chấp hàng hải với Bắc Kinh. Nhưng đó không phải là tất cả các vùng lãnh hải mà ngư dân Trung Quốc gặp rắc rối. Các thuyền viên nước này còn bị giam giữ ở vùng biển phía Đông nước Nga, Triều Tiên và Sri Lanka trong những năm gần đây.

Năm 2011, một ngư dân Trung Quốc đã đâm một binh sỹ thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho tới chết. Năm sau đó, một ngư dân Trung Quốc khác bị bắn chết bởi cảnh sát ở Palau, một nước cộng hòa nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương. Tháng 12 năm ngoái, có tới 24 nước châu Phi kêu gọi Trung Quốc ngừng đánh bắt cá trái phép ở vùng biển phía Tây Phi. Và cũng trong thời gian đó, bốn ngư dân Trung Quốc đã được trả tự do sau khi bị giam giữ một thời gian ở Argentina.

Trên cả vấn đề chủ quyền quốc gia, điều khiến các tàu đánh cá Trung Quốc mạo hiểm như vậy một phần là do nước này là nhà tiêu thụ và xuất khẩu cá lớn nhất thế giới. Một người dân Trung Quốc tiêu thụ cá gấp đôi mức trung bình của thế giới. Ngành thủy hải sản buộc phải gồng mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

Tuy nhiên, những vụ việc đánh bắt cá “điên cuồng và phi pháp” này của Trung Quốc đã làm thu hẹp môi trường và số lượng của các quốc gia khác (ví dụ năm 2012, Trung Quốc đạt 13,9 triệu tấn so với 5,4 triệu tấn của Indonesia, 5,1 triệu tấn của Mỹ, 3,6 triệu tấn của Nhật Bản và 3,3 triệu tấn của Ấn Độ).

Việc đánh bắt cá quá đà và ô nhiễm môi trường cũng đã tàn phá ngành đánh bắt cá trong nội địa Trung Quốc. Không chỉ vậy, nó còn khiến nguồn tài nguyên thủy hải sản cạn kiệt một cách trầm trọng: ở khu vực Biển Đông, với tổng số lượng đánh bắt cá chiếm tới 1/10 toàn thế giới, số nguồn hải sản cho việc đánh bắt cá gần bờ chỉ còn lại 5-30% so với những năm 1950. Ngư dân Trung Quốc vì vậy phải đẩy mạnh đánh bắt xa bờ và tiến tới những vùng nước xa hơn.

Chính phủ Trung Quốc khuyến khích hành động đó và cho rằng an ninh lương thực là một vấn đề ưu tiên và đánh bắt cá là một nguồn tạo việc làm tốt. Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Tanmen, một cảng đánh bắt ở phía Nam đảo Hải Nam, và chỉ thị các ngư dân ở đó phải “đóng các con tàu to hơn và đi tới những vùng biển xa hơn, đánh bắt những con cá lớn hơn”. Chính phủ tuyên bố hỗ trợ cho việc đóng mới thuyền, trợ giá nhiên liệu và cung cấp những trợ giúp cần thiết cho ngành thủy hải sản.

Điều này không nhất thiết phải biến các ngư dân thành công cụ thực hiện chính sách bành trướng của chính phủ. Thực tế, chính quyền Trung Quốc cũng thỉnh thoảng cố kiểm soát các ngư dân nước mình, một số trường hợp cũng khá xấu hổ. Trong một bài báo trên tờ Marine Policy có tiêu đề “Ngư dân Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp”, Zhang Hongzhou, một học giả của RSIS Singapore, đã viết về chuyến đi tới các cảng biển đánh cá ở Trung Quốc, bao gồm cảng Tanmen. Ở đó, ông đã nhận thấy rằng, thay vì chỉ đơn thuần làm theo lời hô hào của ông Tập, nhiều ngư dân không những vi phạm pháp luật mà còn tham gia vào các thương vụ sinh lời bất hợp pháp như đánh bắt và buôn bán các loài rùa và trai lớn trong danh sách bảo tồn của thế giới.

Tuy nhiên, đánh bắt cá có thể mang những mục đích chiến lược. Giống như việc Trung Quốc phô trương xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông, sự xuất hiện thường xuyên của một số lượng lớn tàu thuyền Trung Quốc tại những vùng biển tranh chấp lại khiến tình hình biến thành “thật giả lẫn lộn”. Nó có thể tạo nên một khái niệm “truyền thống” như Bắc Kinh sử dụng để cãi tội. Và đó là cách thức mà Trung Quốc sử dụng để biến “của người thành của mình” tại các khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, phải nói rằng việc khuyến khích đánh bắt cá ở những vùng biển nước ngoài như trên là một hành động hết sức nguy hiểm. Có thể thấy rõ điều đó trong mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề hòn đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông từ tháng 9/2010 khi một tàu cá Trung Quốc vi phạm đã đâm một tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản.

Khi các vùng biển ngày càng quân sự hóa thì nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ càng cao. Cho đến nay, hải quân Trung Quốc hiếm khi liên quan đến các vụ việc tàu cá vi phạm. Tuy nhiên, một số cảng đánh bắt cá Trung Quốc đã tăng cường lực lượng “quân sự hàng hải” của mình, cụ thể là tăng số lượng tàu thuyền dân sự có trang bị vũ khí, cũng như các lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và các quốc gia khác ngày càng được vũ trang hiện đại hơn.

Quay trở lại vụ việc ở Indonesia, sau khi quân đội Trung Quốc can thiệp vào Natuna, Indonesia cho biết sẽ cử hải quân, các lực lượng đặc biệt, một tiểu đoàn quân sự, ba tàu khu trục, một hệ thống radar mới, máy bay không người lái và 5 chiến đấu cơ F-16. Tuy nhiên, hành động này có thể sẽ không ngăn cản được Trung Quốc và các ngư dân của nước này quăng lưới ngày càng xa hơn.

Nội dung được tham khảo từ nguồn tin của The Economist, đây là một ấn bản tin tức và các vấn đề quốc tế bằng tiếng Anh được phát hành hàng tuần, The Economist được sở hữu bởi The Economist Newspaper Ltd, thành lập năm 1843. Ấn bản này dành sự ủng hộ cho thương mại tự do, toàn cầu hóa, sức mạnh của chính phủ và chi tiêu cho giáo dục.

RELATED ARTICLES

Tin mới