Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga thân với Tàu là sai đấy!

Nga thân với Tàu là sai đấy!

Chiến lược của Nga đã không xoay sang châu Á, mà lại xoay qua để trở thành một đối tác chiếu dưới của Trung Quốc.

The Diplomat ngày 24/5 bình luận về nguyên nhân thất bại của chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga, bởi vì Putin đã quá tập trung vào Trung Quốc. Moscow cần Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc lại có quá nhiều lựa chọn thay thế.

Tạp chí dẫn bình luận của học giả Alexander Gabuev từ Trung tâm Carnegie ở Moscow nhận xét: “Hai năm sau sự rạn nứt giữa Điện Kremlin với phương Tây, những hy vọng của Moscow rằng mối quan hệ hợp tác mới với châu Á có thể giúp Nga bù đắp tổn thất đã không thể trở thành hiện thực. Trục châu Á của Nga có kết quả là con số không”.

Còn hai nhà nghiên cứu Thomas S. Eder và Mikko Huotari từ Viện Mercator ở Berlin, Đức bình luận trên tạp chí Foreign Affairs ngày 17/4: Kể từ khi châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt Nga vì ‘xâm lược’ Ukraine, Moscow đã hy vọng chống lại chúng bằng cách tăng cường liên minh với Trung Quốc về năng lượng, quốc phòng, thương mại, nông nghiệp và đầu tư. Tuy nhiên đối sách này đã thất bại.

Nguyên nhân cốt lõi của sự thất bại này được cho là do thiếu động lực cho tăng cường hợp tác từ cả hai phía, Moscow và Bắc Kinh. Quan hệ thương mại Nga – phương Tây xấu đi buộc Nga phải tìm kiếm đối tác khác. Vì lý do này, Nga và Trung Quốc ký thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 400 tỉ USD vào tháng 5/2014 khiến dư luận chú ý.

Nhưng cho đến nay, bất đồng về giá cả vẫn là rào cản của siêu hợp đồng này. Trung Quốc trả cho mỗi mét khối khí đốt mua của Nga rẻ hơn so với giá Nga bán cho Tây Âu. Điều đó khiến cho 2 năm nay việc triển khai dự án mua bán khí đốt này ngày càng bị đẩy xa hơn về phía tương lai.

Các lệnh trừng phạt buộc Nga phải quay sang tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tài chính châu Á. Nhưng cho đến nay hợp đồng vay vốn thành công duy nhất của Nga từ Trung Quốc thuộc về tập đoàn Gazprom với khoản vay 2 tỉ USD. 

Theo Gabuev, ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc cũng tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, mặc dù Bắc Kinh vẫn chính thức lên án các biện pháp trừng phạt này.

Trong khi đó rủi ro đầu tư vào thị trường Nga ngày càng lớn, GDP của Nga đang suy giảm liên tục trong khi tiềm năng và vị thế của các ngân hàng Trung Quốc ở Hoa Kỳ, EU đang được tăng cường.

Chính những điều này đã khiến cho Trung Quốc có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn, dù là “đối tác chiến lược toàn diện” của Bắc Kinh, Moscow cũng không thể khiến giới ngân hàng Trung Quốc bớt thận trọng về đầu tư, tài chính.

Còn trong lĩnh vực năng lượng, Eder và Huotari cho biết, thực tế Nga chỉ là một trong nhiều nhà cung cấp năng lượng hóa thạch cho Trung Quốc. Angola, Equatorial Guinea, Iraq, Turkmenistan và có lẽ mới nhất là Iran đang giúp Bắc Kinh đa dạng hóa nguồn cung.

Trong số này đáng chú ý có Turkmesintan. Trong vài năm qua Nga đã cắt giảm định mức và tiến tới dừng mua khí đốt của Turkmenistan để bán lại cho châu Âu. Turmenistan liền chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong 3 tháng đầu năm 2016, Turkmenistan đã bán cho Trung Quốc 10,6 tỉ mét khối khí đốt, tăng 33% so với cùng kỳ 2015.

Các đường ống dẫn khí đốt nối Trung Á với Trung Quốc đã có 3 hệ thống hoạt động, hệ thống thứ 4 đang được xây dựng dự kiến tăng công suất lên 85 tỉ mét khối / năm. Eder và Huotari nhận định, về bản chất không phải Nga “chơi lại” châu Âu bằng cách bắt tay với Trung Quốc, mà Nga đang trở thành “con cờ” trong tay Trung Quốc.

Chiến lược trục châu Á của Nga đã tập trung chủ yếu vào Trung Quốc mà bỏ qua các quốc gia khác. Gabuev bình luận rằng, quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin bỏ qua Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm ngoái là một sai lầm.

Nhà nghiên cứu này cho rằng, Putin vốn không ưa các sự kiện đa phương mà chỉ thích tham gia các cuộc họp song phương. Nhưng chiến lược của Nga đã không xoay sang châu Á, mà lại xoay qua để trở thành một đối tác chiếu dưới của Trung Quốc.

Sự đồng cảm chính trị giữa Bắc Kinh với Moscow sẽ không giúp được gì Nga về mặt kinh tế trong khi khó khăn vẫn chồng lên khó khăn, còn quan hệ giữa Moscow với phương Tây vẫn tiếp tục căng thẳng.

RELATED ARTICLES

Tin mới