Ông Ong Keng Yong ngạc nhiên khi Lào và Campuchia đạt thỏa thuận riêng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong khi họ không phải là các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Trung Quốc cuối tuần vừa qua thông báo rằng nước này đã đạt được thỏa thuận với ba nước Brunei, Campuchia và Lào, cho rằng tranh chấp trên Biển Đông “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc – ASEAN”.
Cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong hôm qua phát biểu tại diễn đàn Cộng đồng ASEAN tại Jakarta, cho biết động thái của Trung Quốc là điều đáng ngạc nhiên vì Campuchia và Lào là quốc gia không tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Chỉ có 4 quốc gia ASEAN là Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông.
Ông Ong, hiện là phó chủ tịch điều hành của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam tại Singapore, cho rằng vấn đề này luôn nằm trong phạm vi của Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
“Vì vậy, việc thông báo rằng hai trong số các quốc gia ASEAN không tuyên bố chủ quyền chồng lấn nói một số điều nhất định về lập trường của ASEAN, tôi nghĩ rằng điều đó rất đáng ngạc nhiên”, ông Ong cho biết.
Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi đã thống nhất trong nội bộ ASEAN với nhau rằng các tranh chấp nên được giải quyết song phương, chẳng hạn như Trung Quốc – Brunei, Trung Quốc – Philippines. Nhưng về lập trường chung của ASEAN, Lào là chủ tịch năm nay của khối, có thể với tư cách chủ tịch, nước này đã quyết định nói điều gì đó thay mặt cho hiệp hội”.
Trong khi ASEAN đồng ý rằng các tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn, khối giữ lập trường rằng ASEAN và Trung Quốc cần phải quản lý nó để ngăn chặn xung đột.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết các nước ASEAN phải duy trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông, dựa trên thỏa thuận được thông qua vào năm 2012.
Phát biểu với các phóng viên bên lề diễn đàn, ông Lê Lương Minh khẳng định rằng nguyên tắc 6 điểm của ASEAN phải được duy trì, trong đó bao gồm việc thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), và tiếp tục tự kiềm chế. Tổng thư ký ASEAN cho biết Trung Quốc vốn thường sử dụng chiến thuật thu hút ủng hộ từ các quốc gia thông qua đàm phán song phương.
Ông Lê Lương Minh nói thêm rằng “một nước ASEAN không thể đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp cũng liên quan đến các nước khác trong khối ASEAN”.