HQ Online)- “Việc thực hiện lập dự báo thu ngân sách Nhà nước (NSNN) Việt Nam thời gian qua cho thấy nhiều bất cập, độ tin cậy thấp. Đặc biệt nhiều địa phương cố tình dự báo thấp các nguồn thu ngân sách để tránh áp lực về dự báo cáo trong tương lai”- nhóm nghiên cứu của GIZ chỉ ra.
Tại Hội thảo dự báo thu NSNN và những khuyến nghị cho Việt Nam do Tổng cục Thuế phối hợp với Tổ chức Hợp tác GIZ (Đức) tổ chức sáng nay, 26-4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình cải cách, chuyển đổi và tái cơ cấu nền kinh tế đồng thời đang hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới.
Ngoài những cơ hội, thuận lợi thì cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế. Vì vậy, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước nâng cao năng lực phân tích, dự báo nói chung và dự báo thu ngân sách nhằm giúp Chính phủ chủ động trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, ứng phó kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý.
Luật NSNN sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 nhằm cải thiện hiệu quả quản lý NSNN và minh bạch trong quản lý tài chính công. Theo đó, Việt Nam phải lập kế hoạch tài chính trung hạn gồm xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm và lập kế hoạch tài chính- ngân sách 3 năm ngoài việc lập dự toán thu hàng năm như hiện nay.
“Kế hoạch tài chính trung hạn sẽ là cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cân đối, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công và NSNN trung hạn, xem xét đầu tư công trung hạn và định hướng cho công tác lập dự toán NSNN hàng năm”- ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Trong khi đó, thông tin tại Hội thảo, Chuyên gia quốc tế về dự báo thu đến từ Đức, ông Breuer cho rằng, việc thực hiện lập dự báo thu NSNN Việt Nam thời gian qua cho thấy nhiều bất cập, độ tin cậy thấp, nhiều lỗi lớn, các dự báo trung hạn không đủ và phương pháp định lượng yếu; Thiếu các dự báo cho nhiều năm và thiếu số liệu đáng tin cậy cho khoảng thời gian dài hơn; Cũng thiếu số liệu theo tháng hoặc quý. Đặc biệt nhiều địa phương cố tình dự báo thấp các nguồn thu ngân sách của mình để tránh áp lực về dự báo cao trong tương lai. Một lý do nữa dẫn đến các lỗi dự báo lớn có thể do chính sách thường xuyên dẫn đến khó khăn trong việc xác định xu hướng thực tế của các nguồn thu…
Vì vậy, theo ông Đặng Ngọc Minh công tác dự báo thu cần được nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ, ứng dụng các phương pháp dự báo hiện đại trong dự báo và lập dự toán thu NSNN nhằm đảm bảo sát với thực tế phát sinh, giúp Chính phủ và các địa phương chủ động trong quản lý, điều hành NSNN. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN trong giai đoạn 2016-2020 trong điều kiện một số nguồn thu lớn có xu hướng giảm như thu thuế xuất nhập khẩu, thuế đất, dầu thô… thì việc nghiên cứu các giải pháp, chính sách để trình các cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh mức điều tiết đối với các sắc thuế là cần thiết.
Tại hội thảo, các chuyên gia GIZ (Đức) cho rằng, cơ cấu thuế ở Việt Nam hoàn toàn giống với cơ cấu thuế ở các nước thành viên OECD, nơi mà hầu hết các khoản thu đến từ thuế thu nhập (cá nhân và DN) và thuế GTGT. Đặc biệt tầm quan trọng ngày càng lớn của thuế GTGT và các khoản thuế trực tiếp có liên quan đến thu nhập vì vậy cần phải tính đến một dự báo kinh tế vĩ mô nhất quán nhằm đưa ra các dự báo chi tiết cho các đại diện của các cơ sở tính thuế tiềm năng, chẳng hạn như tiêu dùng cá nhân trong trường hợp thuế GTGT.
Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị và đề xuất mô hình áp dụng tại Việt Nam. Theo ông Breuer, hiện hầu hết các nước thành viên OECD đều sử dụng các dự báo thu ngân sách chính phủ để lập dự toán hàng năm và đây là lý do tại sao các quy định thể chế thường do Chính phủ chi phối. Theo đó, trong gần một nửa các nước thành viên OECD, các dự báo thu ngân sách do Bộ Tài chính thực hiện và chỉ có một số ít quốc gia như: Đức, Hà Lan có sự tham gia của một số cơ quan độc lập vào quá trình lập dự báo.
Tuy nhiên theo ông Breuer, vấn đề đặt ra để có dự báo lý tưởng và hợp lý và để đảm bảo dự báo không thiên vị bởi các động cơ chính trị thì các kết quả dự báo phải được công khai cho công chúng và cho các nhà lập dự báo cạnh tranh nhau. Hầu hết các nước hàng năm đưa ra dự báo trung hạn và dự báo cho nhiều năm. Chẳng hạn như trường hợp ở Đức đưa ra dự báo trung hạn vào mùa xuân và dự báo ngắn hạn được sử dụng cho lập ngân sách ngay trước khi bắt đầu năm ngân sách vào mùa thu. Ngoài ra cần tính đến dự báo kinh tế vĩ mô bao gồm GDP, tiêu dung cá nhân, thu nhập tổng và lạm phát…
Trả lời phỏng vấn Báo Hải quan mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc xây dựng kế hoạch tài chính – NSNN 5 năm là vấn đề mới; lâu nay Bộ Tài chính đã chuẩn bị một số chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch tài chính- NSNN để tổng hợp chung vào Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm.
Với việc Luật NSNN năm 2015 quy định kế hoạch tài chính 5 năm được lập cùng với kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, trình Quốc hội quyết định vào cùng thời điểm trình dự toán ngân sách năm đầu kỳ kế hoạch, kế hoạch tài chính 5 năm đã chính thức trở thành một bộ phận quan trọng trong quy trình lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát NSNN. Kế hoạch này sẽ giúp chúng ta xác định được mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính- NSNN và các định hướng lớn về tài chính- NSNN, đặc biệt là những định hướng về huy động và phân bổ nguồn lực Nhà nước trong trung hạn nhằm hướng tới mục tiêu tổng thể về phát triển KT-XH nói chung.