Monday, January 13, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiDựng tượng Vua Hùng: Mơ hồ, mạo hiểm, không nên làm

Dựng tượng Vua Hùng: Mơ hồ, mạo hiểm, không nên làm

Theo tôi, Vua Hùng, tóc không thẳng mà xoăn, da không trắng, không vàng mà đen hơn, môi sẽ dày hơn. Nhưng không nên dựng tượng.

Chuyên gia văn hóa Ngô Đức Thịnh nêu ý kiến về đề xuất dựng tượng Vua Hùng đang được đưa ra bàn luận.

Theo ông Thịnh, cả 3 mẫu phác thảo tượng đài Hùng Vương đang được trưng bày tại khu vực trung tâm Khu di tích lịch sử Đền Hùng để lấy ý kiến góp ý của chuyên gia và dư luận, tất cả, chỉ được phác thảo lại dựa trên trí tưởng tượng của chính tác giả, các nhà điêu khắc nghệ thuật.

Giải thích cho lập luận của mình, ông cho hay, việc tạo hình về một nhân vật lịch sử đặc biệt – vị Vua Tổ của người Việt cách ngày nay cả 4.000 năm là một thách thức rất lớn. Thậm chí, chưa ai trong chúng ta được nhìn, gặp, biết tới chân dung các vị Vua Hùng như thế nào.

Vì thế, dựng lên một hình tượng mà tất cả đều không có cơ sở, đều quá mơ hồ là rất mạo hiểm và không nên làm.

Đồng tình với quan điểm cho rằng, người Việt đã tôn vinh vua Hùng là Quốc tổ và có nhu cầu thờ bái, hướng về tổ tiên, tuy nhiên, theo ông, không phải dựng một bức tượng Quốc tổ dựa trên những căn cứ mơ hồ như hiện nay. Ông khẳng định, đấy không phải là cách thể hiện sự tôn kính với tổ tiên.

“Vua Hùng chỉ là trí trong truyền thuyết, trong tưởng tượng của con dân Việt Nam vì vậy, rất khó để đưa ra một hình mẫu chuẩn xác để xây tượng đài Vua Hùng.

Hơn nữa, Việt Nam có 18 vị Vua Hùng, chúng ta cũng rất khó xác định tượng đài trên là tượng đài biểu tượng cho Vua Hùng thứ bao nhiêu. Ngay trong ngày Giỗ tổ cũng đã có người hỏi tôi, ngày giỗ tổ này là giỗ của vị Vua Hùng đời thứ 17 hay 18 hay là thứ 1, thứ 2…. Rất khó có câu trả lời”, ông Thịnh nói.

Vị chuyên gia đặt vấn đề: Dựng tượng đài vua Hùng sẽ làm tăng ý nghĩa tri ân tổ tiên hay sẽ góp phần tăng trào lưu dựng tượng tốn kém của nhiều địa phương? Tượng hóa một nhân vật chỉ tồn tại trong truyền thuyết mới là thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên hay cứ để các cụ bay bổng trong trí tưởng tượng của mỗi người sẽ tốt hơn?

Lấy ví dụ từ thực tế làm câu trả lời, ông Thịnh cho biết: “Cả 3 mẫu phác thảo tượng Vua Hùng cũng giống với câu chuyện dựng tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc vậy.

Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương là một trong tứ bất tử, là biểu tượng của trí tuệ, dũng khí trường tồn của dân tộc Việt, là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Sự thật, Đức Thánh Gióng đã đi vào huyền sử của dân tộc Việt. Nhưng không phải cứ đúc tượng mới thể hiện sự tôn kính người anh hùng của dân tộc và chỉ đúc tượng Đức Thánh Gióng mới mãi mãi sống trong lòng người dân đất Việt, sự sống ấy biểu hiện ở trái tim của Ngài chứ không chỉ là biểu tượng. Vua Hùng cũng vậy.

Tôi không cho rằng, cần phải tượng hóa những nhân vật như Vua Hùng hay Thánh Gióng. Đã là nhân vật huyền thoại thì cứ để mỗi người dân tự tưởng tượng và hình dung về vị Vua Hùng của riêng mình. Suốt mấy nghìn năm nay không cần tượng Vua Hùng thì người dân vẫn tưởng nhớ, vẫn ghi nhớ về một vị Vua Tổ lịch sử”.

Vị chuyên gia nói thêm, đã có quá nhiều những bài học về việc dựng tượng đài, điển hình là tượng đài Trần Hưng Đạo, ở mỗi nơi một khuôn mặt dáng vẻ. Tượng đài Trần Hưng Đạo nhang nhác tượng đài Quang Trung, Nguyễn Trãi hao hao Nguyễn Du… hay như tượng đài Lý Thái Tổ lại nhang nhác một người nước ngoài. Rồi nhiều hình tượng khác, bức thì rụt đầu, rụt cổ không giống với hình mẫu nào. Tất nhiên, với một nhân vật mà không ai biết thì tượng cũng chỉ cần có đủ chân, tay, mặt mũi là xong, không ai kiểm chứng đúng, sai. Ông đặt câu hỏi: Như vậy, có nên tạc tượng không?

Cá nhân ông rất hài lòng với cách làm của lãnh đạo BQL khu du lịch Suối Tiên (Đồng Nai). Ông cho biết, trong khu vui chơi, BQL có dựng một tượng đài Vua Hùng bằng đá, to như quả núi. Ở dưới chân tượng đá là cặp bánh chưng, bánh dày.

“Khi tôi hỏi trẻ con vào khu vui chơi về hình tượng trên và tôi nhận được câu giải thích đó là Vua Hùng. Tức là, không phải tạc lên một bức tượng có đủ mắt, đủ tay thì người dân Việt Nam mới biết đó là Vua Hùng. Vua Hùng đã có trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, từ người già cho tới người trẻ họ đều biết nói tới Vua Hùng là gắn với hình ảnh bánh chưng, bánh dày”, ông Thịnh kể.

Vị chuyên gia cho biết, cứ để người dân tưởng tượng như vậy hình tượng Vua Hùng sẽ đẹp đẽ và hoàn hảo hơn nhiều.

Về hình mẫu vua Hùng, theo vị chuyên gia, có lần được hỏi ý kiến, ông cũng góp ý thẳng với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về việc này. Khi đó, ông cho biết, nếu muốn xây dựng tượng đài Hùng Vương thì nên lấy theo hình mẫu một thanh niên Ê-Đê. Theo ông, Vua Hùng, tóc không thẳng mà xoăn, da không trắng, không vàng mà đen hơn, môi sẽ dày hơn.

“Đây là thực tế dựa trên những chứng tích khảo cổ học từ thời xa xưa. Khi nghiên cứu và phát hiện ra cốt sọ Hùng Vương thì yếu tố “đen” rất rõ. Từ bấy tới nay đã trải qua hàng nghìn năm, con người Việt Nam đã hòa huyết, lai tạo nhiều rồi. Nếu nói tạc tượng như con dân Việt Nam bây giờ sẽ rất khó có hình tưởng phù hợp”, ông Thịnh thẳng thắn.

Vì thế, ông Thịnh cho rằng, không nên tạc tượng Vua Hùng và Thánh Gióng. Ông cũng hơi băn khoăn, không hiểu vì sao với một quốc gia yếu kém nhất thế giới về điêu khắc thì bây giờ lại thấy ở đâu cũng có tượng. Quan điểm của ông là nên giữ một huyền thoại sẽ đẹp đẽ, thiêng liêng hơn việc để cho các họa sĩ, nhà điêu khắc ngồi lại với nhau vẽ lên hình tượng

RELATED ARTICLES

Tin mới