Ngày 27/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp Phiên thứ 10. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Từ sau Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, các nội dung Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã và đang được các cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện: Ban Tuyên giáo Trung ương đang hoàn thiện dự thảo Quy định “về cơ chế cung cấp và chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng” để trình Ban Bí thư ký ban hành. Chính phủ đang khẩn trương hoàn thành việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để đề xuất sửa đổi cơ bản Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo đang tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Đặc biệt là việc các cơ quan chức năng đã khẩn trương phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 08 vụ án trọng điểm trước Đại hội XII của Đảng, đồng thời đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để xử lý dứt điểm các vụ án này theo quy định của pháp luật, đã tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cũng tại phiên họp đã công bố các Quyết định của Bộ Chính trị về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo và cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Quyết định phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo. Về kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2016, Ban Chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất tiếp tục triển khai 07 Đoàn công tác do 07 Thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng Đoàn, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 14 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh, Tây Ninh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang.
Đồng thời tiến hành kiểm tra chuyên đề về công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan. Ban Chỉ đạo cũng đã cho ý kiến về Kế hoạch triển khai Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”; Thống nhất bổ sung vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Che giấu tội phạm” xảy ra tại Công ty Vinashinline vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối, xã hội chưa yên tâm. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, chống tham nhũng, quan liêu. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và từng thành viên phải nỗ lực, quyết liệt, làm hết chức trách để thực hiện cho được nhiệm vụ này, đáp ứng sự trông đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Ban Chỉ đạo phải có kế hoạch, kiên trì, kiên quyết, làm bền bỉ, bài bản, đúng luật pháp, đúng quy định của Đảng, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng vai của mình. Từng thành viên Ban Chỉ đạo phải gương mẫu, giữ gìn phẩm chất cho trong sáng…phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân… Ngoài trách nhiệm được giao có gì sáng kiến chủ động đề xuất… Ban Chỉ đạo cũng kiểm tra lẫn nhau xem ai làm tốt, ai không làm tốt; phối hợp thật tốt, đoàn kết, thống nhất với nhau, thật tâm huyết, làm hết trách nhiệm của mình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tiếp tục rà soát lại, bổ sung, điều chỉnh phân công trong Ban Chỉ đạo phù hợp với chức danh, chức trách, thẩm quyền, trách nhiệm của các thành viên. Về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Tổng Bí thư lưu ý bám sát phạm vi, nội dung của Chỉ thị; chọn vấn đề thế nào cho phù hợp, không quá nhiều; rà soát lại các công việc, các đề án; đối chiếu với các đề án đã có trong chương trình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để không trùng lắp, những việc gần giống nhau thì nên gom lại; tập trung ưu tiên cho những việc cấp bách thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Tổng Bí thư yêu cầu trong từng đề án, công việc phải xác định rõ cơ quan nào là chủ trì, cá nhân ai là phụ trách chính để từ đó thấy được rõ ràng trách nhiệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị khi triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng năm 2016 cần tính toán đảm bảo thiết thực, hiệu quả, hợp lý; cân nhắc thời điểm, thời gian kiểm tra sao cho phù hợp vì năm nay còn rất nhiều công việc ở cả Trung ương và địa phương./.