Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngADIZ trên Biển Đông: Một mấu chốt trong quan hệ Mỹ -...

ADIZ trên Biển Đông: Một mấu chốt trong quan hệ Mỹ – Trung

Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể thiết lập khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Mỹ và Trung Quốc có quan điểm khác nhau về “tự do hàng hải” và tháng 11/2013 Trung Quốc đã tuyên bố về khu vực nhận diện phòng không ở Biển Hoa Đông.

Vào ngày 30/3/2016, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work đã công khai tuyên bố rằng Mỹ đã bày tỏ với Trung Quốc về việc nước này sẽ không công nhận một “vùng cấm trên Biển Đông” và sẽ coi một động thái như vậy là nhằm “gây bất ổn”.Asia Timescho biết Lầu Năm Góc đã “cố gắng để ngăn chặn Trung Quốc” không tuyên bố ADIZ trong vùng biển tranh chấp.

Đáp lại, Yang Yujun, người phát ngôn cho Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết rằng Mỹ không cần phải “khoa tay múa chân” như vậy.

Mỹ cực lực phản đối

Việc thành lập và thực hiện các vùng nhận diện phòng không luôn là tuyên bố đơn phương và gây nhiều tranh cãi. Không có cơ sở pháp lý quốc tế cho những khái niệm hay “quy tắc” này – ngoại trừ những nguyên tắc chung về quyền tự vệ và tự do hàng không, điều trước đây luôn luôn được ưu tiên, đối với bất cứ nước nào.

Trước các thông tin dự đoán về ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ luôn bày tỏ sự phản đối. Nếu khu vực này được thiết lập theo mô hình trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc tuyên bố trước đó, ADIZ này sẽ bao gồm việc cấm bay đối với cả máy bay dân sự và quân sự. Các quy tắc của nó cũng sẽ áp dụng đối với các máy bay di chuyển qua khu vực này. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, “Hoa Kỳ không ủng hộ nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào để áp dụng các nội dung của một vùng nhận diện phòng không đối với các máy bay nước ngoài không có ý định tiến vào không phận nước đó. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc không thực hiện lời đe dọa chống lại những máy bay không lên tiếng tự xác định hoặc không chấp hành mệnh lệnh từ Bắc Kinh”.

Để khẳng định lập trường này, 2 pháo đài bay B – 52 không mang vũ khí hạt nhân đã tiến vào Biển Đông mà không tự xác định danh tính trong một động thái rõ ràng là để “thử nghiệm” phản ứng từ Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố rằng ADIZ của nước này trên Biển Hoa Đông không ảnh hưởng đến giao thông thương mại bình thường hay can thiệp vào quyền tự do hàng không. Tuyên bố này chắc chắn yêu cầu sự làm rõ và phải cam đoan. Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết các hãng hàng không của 2 nước này không công nhận vùng cấm bay này.

Một khu vực nhận diện phòng không ở Biển Đông có thể giúp Trung Quốc đối phó lại các hoạt động trinh sát trên không của Mỹ và Nhật Bản trong bối cảnh một sự bất đồng vẫn dai dẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã thường xuyên gửi máy bay trinh sát EP3 – E và gần đây hơn là Poseidon P – 8A đến Biển Đông để ngăn cản hoạt động liên lạc và giám sát các hoạt động quân sự và hàng hải ven biển, bao gồm cả hoạt động của tàu ngầm của nước này. Trung Quốc cũng cáo buộc các hoạt động này đã lợi dụng nguyên tắc tự do hàng không.

Nhiều khả năng xảy ra

Đầu tiên, Trung Quốc có thể không tuyên bố một khu vực như vậy. Và điều này có thể sẽ phụ thuộc vào các hành động của Mỹ. Nếu Mỹ tiếp tục các hành động tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông bằng các máy bay giám sát và trinh sát, Bắc Kinh có thể cảm nhận được một “mối đe dọa trên không” đủ để tuyên bố một vùng cấm bay.

Khả năng thứ 2 là Trung Quốc có thể tuyên bố một ADIZ trên Biển Đông bao gồm Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và Đông Sa (hiện do Đài Loan tuyên bố chủ quyền và kiểm soát).

Và khả năng nguy hiểm nhất, nếu ADIZ của Trung Quốc bao gồm một số đảo thuộc Trường Sa và vùng biển khu vực này – đây sẽ là một vấn đề chính trị khiến tất cả các bên quan ngại. Điều này sẽ minh chứng rõ ràng cho sự lo ngại của Mỹ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông, bao gồm cả hành lang trên không và đường biển. Điều này sẽ là một mối đe dọa đối với tự do hàng hải và thậm chí có thể vượt quá “sự chấp nhận” của Mỹ. Washington và các quốc gia khác sẽ phản đối điều này. Do đó, có thể thấy Trung Quốc sẽ khó có thể làm như vậy.

Trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền và tuyên bố lãnh hải đang diễn ra giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng cạnh tranh để tìm kiếm sự thống trị trong khu vực.

Trung Quốc hiện muốn Mỹ phải chấm dứt hoặc ít nhất là cắt giảm các hoạt động thăm dò trên không trong khu vực. Còn Mỹ không muốn Trung Quốc tuyên bố một vùng nhận diện phòng không trên quần đảo Trường Sa hay gia tăng các hoạt động quân sự hóa khu vực. Do đó, một cuộc đàm phán là có thể xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới