Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngTQ "sốc" vì bị nhà ngoại giao Singapore lên án chia rẽ...

TQ “sốc” vì bị nhà ngoại giao Singapore lên án chia rẽ ASEAN

Ông Dân phân bua, Trung Quốc đã bị “hiểu lầm” và nước ông đang “chờ đợi một lời giải thích từ chính phủ Singapore về các ý kiến này”.

The Straits Times ngày 28/4 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đang có mặt tại Singapore nói với báo giới, Bắc Kinh đang “sốc” vì các ý kiến của hai nhà ngoại giao cấp cao Singapore tại Jakarta hôm Thứ Hai nói rằng, Trung Quốc đã chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Ông Dân phân bua, Trung Quốc đã bị “hiểu lầm” và nước ông đang “chờ đợi một lời giải thích từ chính phủ Singapore về các ý kiến này”. Các nhà ngoại giao Singapore đã phản ứng khi nghe tin ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc công bố cái gọi là “đồng thuận 4 điểm” về Biển Đông sau khi ông thăm Brunei, Campuchia và Lào.

Trong 4 điểm này, Bắc Kinh nói “tranh chấp một bộ phận quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với toàn bộ ASEAN”. Cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong của Singapore lên án hành động này của Bắc Kinh là đã can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN.

Ông Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore cho rằng, cái gọi là “đồng thuận 4 điểm” có thể xem là phương tiện để Bắc Kinh chia rẽ ASEAN trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với báo giới, mỗi quốc gia ASEAN có chủ quyền của mình và Trung Quốc không bao giờ muốn chia tay với ASEAN. Tuy nhiên Lưu Chấn Dân cho rằng, quan niệm của hai nhà ngoại giao Singapore là “sai lầm và không có lợi cho hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN”.

Người viết cho rằng phản ứng của ông Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân thái quá và mang tính trịch thượng, đại Hán trong hành xử bang giao quốc tế. Bởi lẽ nếu ông không đồng ý với lập luận của hai nhà ngoại giao Singapore, ông hoàn toàn có thể đăng đàn tranh luận công khai với họ trên truyền thông để bảo vệ lập trường, quan điểm của mình và chính phủ mình.

Đằng này ỷ thế nước lớn, ông đòi chính phủ Singapore phải đi giải thích cho ông về phát biểu của hai nhà ngoại giao nước này là một hành động thiếu cân nhắc. Quay trở lại nội dung phát biểu của cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong và Cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan, người viết hoàn toàn đồng tình với bình luận của hai ông.

Bởi lẽ, điểm đầu tiên trong cái gọi là “4 điểm đồng thuận” mà ông Nghị tuyên bố đã đạt được với Brunei, Campuchia và Lào nói rằng “tranh chấp một bộ phận quần đảo Trường Sa không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN” nhằm gạt ASEAN khỏi vấn đề Biển Đông để Trung Quốc rảnh tay “làm việc” với từng nước.

Có điều, “vấn đề” Biển Đông không chỉ có “tranh chấp chủ quyền” toàn bộ quần đảo Trường Sa (và cả Hoàng Sa – Đà Nẵng, Việt Nam) chứ không phải “một phần” như ông Nghị nói, mà còn là việc bóp méo, chà đạp Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 với đường lưỡi bò bành trướng phi lý.

Các hành động phá vỡ hiện trạng qua việc bồi lấp đảo nhân tạo, kéo vũ khí leo thang quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang làm đã đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực, tự do hàng hải hàng không, an ninh quốc gia của các nước ven Biển Đông, trong đó có Singapore.

Biển Đông mà xung đột, bất ổn thì không chỉ 4 quốc gia thành viên ASEAN có yêu sách bị ảnh hưởng, mà toàn bộ Đông Nam Á có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn, chạy đua vũ trang, quan trọng hơn nữa là sự ngóc đầu trỗi dậy của các thế lực thực dân kiểu mới muốn phá vỡ luật pháp quốc tế để tạo lập vị thế ông trùm, đại ca giang hồ trong khu vực và biến các nước khác thành chư hầu.

Trong bối cảnh phán quyết của PCA đã cận kề, Trung Quốc vội vã tìm mọi cách vận động hành lang, bất chấp thủ đoạn hòng lôi kéo một số quốc gia mà họ cho rằng có thể lung lạc được đứng về phe mình chống lại phán quyết của Tòa, đó cũng là một hành vi quốc tế hóa vấn đề Biển Đông nhưng theo hướng tiêu cực, bịt miệng dư luận, đạp lên dư luận quốc tế.

Bản thân việc Trung Quốc vận động hành lang 3 nước thành viên ASEAN để tách ASEAN khỏi vấn đề Biển Đông, nhằm ngăn cản ASEAN ra một tuyên bố chung sau phán quyết của PCA mà rất có thể bất lợi với Trung Quốc, rõ ràng là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của ASEAN, chia rẽ khối.

Tuy nhiên, Campuchia thì đã chính thức phản bác, rằng chẳng có cái “đồng thuận 4 điểm nào” giữa Bắc Kinh với Phnom Penh khi ông Nghị sang vận động Campuchia. Brunei và Lào vẫn im lặng. Còn nhớ trước đó không lâu, Chính phủ Fiji đã phải lập tức họp báo bác bỏ những tuyên bố “mớm lời” gian dối của Bắc Kinh về cái gọi là Fiji ủng hộ lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bởi vậy người viết đánh giá rất cao những phát biểu thẳng thắn, kịp thời, hợp tình, hợp lý và hợp pháp của 2 nhà ngoại giao Singapore, cũng như Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh quốc Hugo Swire hôm 18/4 rằng, phán quyết của PCA phải được các bên tôn trọng và thực thi, luật lệ quốc tế cần được bảo vệ.

Những tiếng nói công tâm, khách quan, thẳng thắn và kịp thời ấy đang góp phần bảo vệ Công lý và Lẽ phải, bảo vệ sự trong sáng của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, mặc dù quan hệ chính trị, kinh tế giữa Anh với Trung Quốc hay Singapore và Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp.

Nhưng rõ ràng cả Anh và Singapore, hai trung tâm pháp lý phát triển của thế giới hiện nay nhận thức rất rõ, muốn hợp tác lâu dài, cần phải ứng xử theo luật lệ quốc tế, tôn trọng và bảo vệ luật pháp quốc tế chứ không phải lập trường, áp đặt, đe dọa hay đổi chác.

Thái độ có trách nhiệm đó khác hẳn lập trường “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, bởi trong một thế giới phẳng như hiện nay, những vùng biển quốc tế có tầm quan trọng với thế giới và khu vực như Biển Đông một khi nổ ra xung đột, khủng hoảng, không có chuyện chỉ các nước có yêu sách mới bị ảnh hưởng.

Do đó, cuộc khủng hoảng trên Biển Đông hiện nay là vấn đề chung của ASEAN, của khu vực và quốc tế cần chung tay góp sức giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế, nhất là các giải pháp pháp lý. Bởi vậy, ủng hộ và bảo vệ phán quyết của PCA cũng như ngăn chặn các tác động chính trị hòng mưu đồ làm lệch lạc phán quyết của cơ quan tài phán là việc làm rất cần kíp, quan trọng và ý nghĩa.

Cái gọi là “thỏa thuận 4 điểm” hay “4 điểm đồng thuận” mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố đã đạt được với Brunei, Campuchia, Lào trong chuyến công du của ông Nghị gồm:

Một là, tranh chấp “một bộ phận quần đảo Trường Sa” không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN.

Hai là, nên tôn trọng quyền của các quốc gia được tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp căn cứ theo luật pháp quốc tế, không tán thành các hành động đơn phương gây sức ép đến nước khác.

Ba là theo quy định trong Điều 4 Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC, cần kiên trì thông qua đối thoại đàm phán giữa các bên tranh chấp trực tiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải.

Bốn là Trung Quốc và ASEAN đều có năng lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, các nước ngoài khu vực nên phát huy vai trò xây dựng chứ không phải ngược lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới