Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không cầm được nước mắt khi nói về phiên điều trần chống chiến tranh Việt Nam.
Ngày 27/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu đầy xúc động tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam đang diễn ra tại Austin, thủ phủ bang Texas.
Trước gần 1.000 cử tọa ngồi chật kín khán phòng Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson, Ngoại trưởng Kerry mở đầu bài phát biểu bằng lời nhắc nhở về những hệ lụy của chiến tranh, đồng thời điểm lại những nỗ lực vượt qua đau thương và chia rẽ để khởi đầu quá trình hàn gắn trong nội bộ nước Mỹ cũng như trong quan hệ Việt-Mỹ.
Theo ông Kerry, Mỹ và Việt Nam đã vượt qua rất nhiều trở ngại để tiến tới hòa giải và một trong những nhân tố thiết yếu là thiện ý và sự hợp tác chân thành của Việt Nam trong tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Ông Kerry nói: “Đây là câu chuyện đặc biệt về sự cởi mở phi thường của Việt Nam. Họ giúp chúng ta tìm kiếm hài cốt binh sỹ Mỹ cho dù hài cốt của cả triệu quân nhân Việt Nam cho đến nay vẫn còn chưa tìm được. Họ đào cả đồng lúa, cho phép chúng tôi vào nhà, đưa chúng tôi qua những nơi từng là bãi mìn…Họ làm như vậy vì bản thân họ cũng muốn gác lại quá khứ chiến tranh”.
Ngoại trưởng Kerry kể lại trải nghiệm trên các chuyến bay trực thăng trên khắp Việt Nam, chui xuống những hố khai quật đầy bùn sâu đến 6 mét để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ.
Ông Kerry nhấn mạnh, với ông cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác, quá trình hàn gắn và bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh không phải để lãng quên quá khứ vì điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự mình tước đi những kinh nghiệm quý báu.
Ông Kerry nhấn mạnh: “Bi kịch tại Việt Nam cần trở thành lời nhắc nhở thường xuyên đối với chúng ta về khả năng mắc sai lầm, về nhìn nhận sự việc bằng lăng kính thiếu chuẩn xác, về việc bỏ qua lời cảnh tỉnh về những đau thương mà chiến tranh gây ra”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. |
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Kerry bị gián đoạn khi ông không cầm được nước mắt khi nói về phiên điều trần chống chiến tranh Việt Nam trước Thượng viện Mỹ vào năm 1971.
Từng tham chiến tại Việt Nam vào cuối những năm 1960, ông Kerry hiểu rõ hơn ai hết về hậu quả thảm khốc của chiến tranh và giá trị của hòa bình. Ngoại trưởng Kerry nhớ lại, trong chiến tranh, ông đã từng có thời khắc ngồi trên nóc khách sạn Rex chứng kiến những quầng lửa bùng lên trong tiếng súng vang vọng khắp nơi.
Trở lại Việt Nam vào thời bình, ông tìm đến đúng chỗ cũ để được chứng kiến một thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn đổi khác, với những con đường tấp nập người qua lại, thương mại sầm uất, đời sống hiện đại, hầu như không ai còn nhắc đến chiến tranh.
“Đây là một kỷ nguyên khác và do vậy quan hệ giữa hai nước cũng cần hoàn toàn khác. Vào năm 1968, không ai có thể tưởng tượng rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ vào năm ngoái, Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam vào tháng sau, quan hệ hợp tác song phương liên tục được mở rộng, từ biến đổi khí hậu, công nghệ cao cho đến y tế và quân sự..”, ông nhấn mạnh.
Sau 20 năm bình thường hóa, quan hệ Việt-Mỹ đã thay đổi nhanh chóng với số lượng du khách Mỹ tới Việt Nam tăng từ 60.000 lên nửa triệu người, thương mại song phương tăng từ 400 triệu USD lên 45 tỷ USD, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng từ 800 lên gần 19.000 người.
Theo Ngoại trưởng John Kerry, Mỹ và Việt Nam vẫn còn một số bất đồng nhưng quan trọng là hai bên đã trao đổi về những vấn đề này một cách thẳng thắn, thường xuyên và hiệu quả.
Ông khẳng định: “Rất nhiều người ở cả Việt Nam và Mỹ sẽ không để quá khứ định hình tương lai của chúng ta. Từ một cựu thù, Việt Nam đã trở thành đối tác của chúng ta với những mối quan hệ cá nhân và quốc gia giữa hai bên ngày càng gắn kết và nồng ấm. Đó là di sản chung của chúng ta và cũng là những gì mà tôi hy vọng sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong những năm tới”.
Ngoại trưởng John Kerry cho rằng một trong những bài học lớn nhất mà Mỹ cần rút ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam là Mỹ không thể nhìn nước khác qua lăng kính của chính mình mà cần đứng ở vị trí của nước đó để nhìn nhận sự việc.
Hội thảo chiến tranh Việt Nam do Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson và trường Đại học Texas đồng tổ chức nhằm phân tích về cuộc chiến tranh từ nhiều góc độ với sự tham gia của các chính khách, cựu binh và học giả Mỹ, qua đó đưa ra những bài học kinh nghiệm cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai./.