Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuốc hội Mỹ ra luật tuyên chiến với bộ máy truyền thông...

Quốc hội Mỹ ra luật tuyên chiến với bộ máy truyền thông TQ

Mới đây, Quốc hội Mỹ đã chính thức ban hành đạo luật nhằm chống lại cuộc chiến thông tin của Trung Quốc gây tổn hại cho các giá trị và lợi ích của Washington.

Đạo luật chống chiến tranh thông tin 2016 được đưa lên Thượng viện từ ngày 16/3, đã được đọc hai lần và chuyển cho Ủy ban đối ngoại. Đạo luật này do Thượng nghị sĩ Rob Portman và Christopher Murphy đề xuất, nhận được sự đồng thuận cao của hai đảng, nhằm chống lại các hoạt động ngăn chặn thông tin và truyền thông của nước ngoài.

Theo đó, đạo luật này xác nhận các chính phủ nước ngoài, bao gồm Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ lâu đã tiến hành các biện pháp lâu dài, phức tạp và toàn diện để ngăn chặn và kiểm soát thông tin nhằm đạt được những mục tiêu quốc gia nhưng gây tổn hại cho các giá trị, lợi ích và đồng minh của Mỹ.

Trước đó, Hoa Kỳ đã ban hành luật về việc chống lại truyền thông Nga nhưng đây là lần đầu tiên Quốc hội Mỹ đưa ra các biện pháp chính sách nêu rõ mối đe dọa từ học thuyết hoạt động thông tin toàn diện và hiếu chiến của Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc đã kết hợp chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và những tranh cãi pháp lý với các khía cạnh kỹ thuật của hoạt động thông tin. Điều này không chỉ phá vỡ năng lực kiểm soát thông tin của nước đối địch mà còn làm ảnh hưởng tới những khán giả trong nước và quốc tế muốn thể hiện sự ủng hộ dành cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Phạm vi của các hoạt động thông tin này được sử dụng để ngầm phá hoại các đối thủ công nghệ, ví dụ như Mỹ, bằng cách làm quá lên các cuộc xung đột bình thường. Theo truyền thống chiến lược của Trung Quốc, đây là cách để họ không sử dụng bạo lực nhưng vẫn làm kẻ thù “điêu đứng”.

Do chính phủ Mỹ dựa nhiều vào hệ thống thông tin, cơ sở hạ tầng dữ liệu và phụ thuộc vào năng lực thông tin để tiến hành các cuộc tấn công chính xác, theo quy ước nên Washington ngày càng lo ngại về các tác động tới an ninh quốc gia mà các hoạt động thông tin của Trung Quốc đang nhắm tới nước này.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng Atlantic, Thượng nghị sĩ Portman giải thích: “Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD mỗi năm cho những nỗ lực truyền thông quốc tế. Những tuyên bố của nước này về chủ quyền trên Biển Đông là một ví dụ điển hình về việc các hoạt động “thêu dệt” thông tin hiệu quả được sử dụng nhằm “ăn cắp” sáng kiến, “bắt thóp” Mỹ và các đồng minh khiến chúng ta choáng váng và không kịp trở tay như thế nào”.

Lầu Năm Góc đã nhận thức được năng lực chiến tranh thông tin ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua, tuy nhiên hiện chưa có một tổ chức chính phủ nào của Mỹ đứng ra đảm nhiệm việc phát triển một chiến lược toàn diện nhằm tuyên chiến với các mối đe dọa từ Bắc Kinh. Tóm lại, Washington vẫn đang loay hoay tìm kiếm sự hợp tác quốc tế và hỗ trợ từ chế độ để có những biện pháp thích hợp chống các mối đe dọa từ chiến tranh thông tin.

Ngược lại, Bắc Kinh đã tạo ra một cơ chế chính thức, hợp tác với Bộ Tổng tham mưu, không chỉ tiến hành ở các cơ quan dân sự mà còn cả trong lực lượng không quân, hải quân, pháo binh và sở chỉ huy quân sự các vùng miền. Với sức mạnh của quân đội và các tổ chức nhà nước, hệ thống kiểm soát này đã tác động trực tiếp thông qua các phương tiện kinh doanh và dân sự.

Trước tình hình đó, Đạo luật chống chiến tranh thông tin của Quốc hội Mỹ cam kết sẽ thiết lập một Trung tâm phân tích và hồi đáp thông tin nhằm lên kế hoạch, hợp nhất và đồng bộ hóa chiến lược quốc gia với mục đích ngăn chặn các hoạt động thông tin nước ngoài chống lại Mỹ. Trung tâm này sẽ thuộc sự quản lý của Bộ Ngoại giao và chủ động hợp tác với các bộ khác bao gồm Bộ Quốc phòng và Hội đồng quản trị truyền thông. Một Ủy ban điều phối bổ sung cũng sẽ được thành lập để đưa ra lời khuyên với các thành viên đại diện cho nhiều cơ quan khác nhau bao gồm Bộ tham mưu liên quân và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ.

Để hỗ trợ các nhà phân tích Mỹ trong cuộc chiến thông tin với Trung Quốc, Quốc hội nước này sẽ phê chuẩn khoản tiền trị giá 20 triệu USD dành cho Bộ Ngoại giao trong năm tài khóa 2017 và 2018. Qũy hỗ trợ này sẽ giúp trung tâm nói trên cũng như thúc đẩy các tổ chức xã hội dân sự, các viện học thuật, các trung tâm phát triển và nghiên cứu, cùng các tổ chức khác tiến hành điều tra nhằm bảo vệ lợi ích và các mục tiêu quốc gia của Hoa Kỳ.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới