Những mơ hồ trong chính sách đối ngoại khiến Indonesia không đưa ra được cách phản ứng phù hợp với hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mới đây, Indonesia đã thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng biển chủ quyền của mình khi tuyên bố sẽ cho nổ bất cứ tàu cá nước ngoài nào xâm phạm và đánh bắt trái phép trên biển của nước này. Tuy nhiên, khi bắt được một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở ngoài khơi quần đảo Natuna hồi tháng ba, cảnh sát biển Indonesia đã phải thả phương tiện vì có sự can thiệp và đâm va của tàu hải cảnh Trung Quốc, theo Washington Post.
Evan A. Laksmana, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng đây không phải là lần đầu tiên cảnh sát biển Indonesia chịu nhún trước tàu cá Trung Quốc vi phạm, và nó phản ánh những hạn chế về chính sách đối ngoại của Jakarta trong vấn đề Biển Đông và Trung Quốc.
Dù không có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia vẫn có lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Jakarta ngày càng thể hiện rõ thái độ bất bình hơn với Bắc Kinh, khi “đường 9 đoạn” do Trung Quốc ngang nhiên công bố trên Biển Đông có chồng lấn với Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của quần đảo Natuna.
Sau khi nhậm chức năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã ưu tiên phát triển các nguồn lực trên biển và bảo vệ lãnh hải, vùng biển của nước này trước các hoạt động xâm phạm, đánh bắt trái phép. Thế nhưng đối với các hoạt động của Trung Quốc, dường như Indonesia vẫn có sự dè chừng nhất định, ông Laksmana nhận xét.
Theo lẽ thường, các quốc gia cần phải phản ứng mạnh mẽ bằng cách xây dựng lực lượng quân sự mạnh hoặc tham gia các liên minh để bảo vệ những lợi ích an ninh dài hạn của mình, hay còn gọi là chiến lược “cân bằng”, để chống lại mối đe dọa từ quốc gia khác. Tuy nhiên, có vẻ như những vấn đề chính trị nội bộ đang khiến Jakarta gặp khó khi thực hiện điều này.
Laksmana cho rằng chính quyền của Tổng thống Widodo đang rơi vào tình trạng “thiếu cân bằng” trước Trung Quốc. Tình trạng này xảy ra khi quốc gia bị đe dọa không nhận thức đúng đắn mối đe dọa từ nước khác, hoặc đơn giản là không có những phản ứng thích đáng với mối đe dọa đó.
Chuyên gia này chỉ ra rằng có nhiều lý do chính khiến giới chức chính trị ở Jakarta không muốn đáp trả một cách quyết liệt cả về quân sự lẫn ngoại giao đối với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ngay trước cửa ngõ của mình ở Biển Đông.
Nhiều chính trị gia Indonesia vẫn cho rằng Trung Quốc không thực sự là một mối đe dọa đối với nước này. Một số nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Jakarta vẫn tin vào lời đảm bảo riêng của Bắc Kinh vào thập niên 1990 rằng không có tranh chấp nào về quyền sở hữu quần đảo Natuna. Ngoại trưởng Indonesia trong thực tế đã đề cập đến cam kết này sau sự cố hồi tháng ba.
Tuy nhiên, chuyên gia Laksmana nhận định việc tàu Trung Quốc liên tục tiến vào vùng biển Indonesia trong khi vẫn tuyên bố không “tranh chấp” quần đảo Natuna là một chiêu trong chiến thuật “cải bắp”, đó là thực hiện một loạt các hành động nhỏ, lấn từ từ, không gây ra phản ứng quá mạnh từ đối phương, và dần dần sẽ tạo ra sự thay đổi chiến lược tại hiện trường. Trên Biển Đông, Trung Quốc đã áp dụng rất thuần thục chiến thuật “cải bắp” để kiểm soát nhiều bãi cạn và hòn đảo khác nhau, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán song phương để phục vụ tham vọng độc chiếm vùng biển quan trọng này.
Sự nguy hiểm của chiến thuật này là chúng phát đi những thông điệp không rõ ràng, khiến các quốc gia khó có thể nhận ra rằng lợi ích của mình đang bị đe dọa. Hậu quả là các lãnh đạo quốc gia sẽ theo đuổi những giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề, tùy thuộc vào lợi ích riêng của họ.
Vị trí quần đảo Natuna trên Biển Đông. Đồ họa: Advisor |
Trong sự việc hồi tháng ba, ba bộ quốc phòng, ngoại giao và ngư nghiệp Indonesia có những cách phản ứng trái ngược nhau đối với hành vi của tàu hải cảnh Trung Quốc, trong khi các cố vấn và quan chức ngoại giao của ông Widodo lại bất đồng về mối đe dọa thực sự mà Trung Quốc đang gây ra. Quân đội Indonesia hoàn toàn bị động và không biết nên phản ứng thế nào cho phù hợp với những sự cố tương tự.
Xung đột trong chính sách đối ngoại
Theo ông Laksmana, ngay cả khi nhận ra mối đe dọa rõ ràng từ Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Indonesia cũng khó có thể thực hiện nỗ lực cân bằng hiệu quả, bởi những chia rẽ và bất đồng của họ.
Các chuyên gia phân tích đều cho rằng sự đồng thuận và đoàn kết là hai yếu tố rất quan trọng đối với hành vi cân bằng của một quốc gia. Thế nhưng, chính quyền của ông Widodo hiện nay đều thiếu hai điều kiện tiên quyết này.
Laksmana cho rằng bản thân Tổng thống Widodo không mấy hứng thú với vấn đề đối ngoại. Các quan sát viên nhận thấy ông ít phát biểu hơn tại các hội nghị của ASEAN, nơi Indonesia được coi như một người “anh cả”. Trong khi mải quan tâm đến các kế hoạch phát triển kinh tế và hài hòa lợi ích giữa các đảng phái chính trị, dường như ông Widodo đã coi nhẹ vấn đề an ninh trên Biển Đông.
Kết quả là Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngư nghiệp Indonesia đều có những cách hiểu khác nhau về chính sách đối ngoại của nước này, khiến các cơ quan này có cách đối phó riêng với hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông.
Với việc dư luận và các chính trị gia Indonesia từ lâu đã tranh cãi nhau về vai trò kinh tế và chính trị của Trung Quốc đối với nước này, những mâu thuẫn lợi ích giữa các cơ quan công quyền khiến chiến lược đối phó của Jakarta đối với hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông càng thêm phức tạp.
Khi giới tinh hoa chính trị không tìm được tiếng nói thống nhất về mối đe dọa từ Trung Quốc, ông Widodo nhiều khả năng sẽ không thể tập trung vào một nỗ lực tăng cường sức mạnh quân đội để đối phó với Bắc Kinh.
Gần đây, báo chí Indonesia liên tục đưa tin về việc quân đội nước này điều động lực lượng, vũ khí hiện đại đến Natuna, nhưng nỗ lực này đã có từ trước thời của ông Widodo, và các động thái đó cũng không hoàn toàn nhắm vào mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong thực tế, đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội Indonesia được đưa ra từ giữa thập niên 2000.
Chuyên gia Laksmana cho rằng chính sách đối ngoại “kiểu Indonesia” này bắt nguồn từ phương pháp phối hợp “cân bằng qua tổ chức” (sử dụng nhiều cơ quan khác nhau để cùng đối phó với mối đe dọa) với “phòng vệ rủi ro” (tích cực liên kết với các nước lớn nhưng vẫn đề phòng trường hợp khẩn cấp) đã từng được nước này áp dụng. Chính quyền tiền nhiệm của ông Widodo đã nỗ lực để ASEAN có vai trò lớn hơn trong quản lý tranh chấp ở Biển Đông và đối phó với Bắc Kinh, đồng thời tăng cường quan hệ chiến lược với nhiều cường quốc khu vực và tăng gấp ba ngân sách quốc phòng.
Kết quả là đến nay chính sách đối ngoại của Jakarta không có một trọng tâm rõ ràng nào trong việc đối phó với mối đe dọa của Bắc Kinh trên Biển Đông, và đó chính là lý do khiến Indonesia không có những phản ứng quyết liệt, gay gắt trước những hành động xâm phạm của tàu cá Trung Quốc.
Cảnh sát biển Indonesia đã phải thả tàu cá Trung Quốc vi phạm khi có sự xuất hiện của hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: AP |
“Những xung đột trong chính sách đối ngoại Indonesia nhiều khả năng sẽ tiếp diễn do các yếu tố dư luận và quan liêu. Ông Widodo khó có thể thay đổi được điều đó trong một sớm một chiều, đồng nghĩa với việc Jakarta sẽ không thể hiện được lập trường mạnh mẽ trước những hành vi xâm phạm của Trung Quốc đối với vùng biển nước này hay các nước láng giềng ở Biển Đông”, Laksmana nhấn mạnh.