Friday, March 29, 2024
Trang chủThâm cung bí sửBí mật vụ tàu ngầm TQ cùng 100 người chìm ở Biển...

Bí mật vụ tàu ngầm TQ cùng 100 người chìm ở Biển Đông

Người ta chắc chắn gần như 100% rằng tàu ngầm Trung Quốc đã hy sinh trong vụ va chạm với “K-10”. Nếu tàu ngầm “K-10” xuất hiện tại điểm va chạm năm giây sớm hơn, có lẽ bây giờ nó sẽ nằm lại ở độ sâu 4.500 mét cùng với phần còn lại của thủy thủ đoàn hào hiệp của mình. 

Thủy thủ đoàn trên con tàu bị chìm trên Biển Đông là khoảng 100 người và còn có một nhóm các chuyên gia dân sự, người ta có thể đoán số nạn nhân, mà hoàn toàn có thể cao hơn so với trên tàu ngầm Thresher của Mỹ năm 1963, nhưng phía Trung Quốc kiên quyết giữ im lặng. 

Năm 1977, đại tá hải quân Liên Xô Medvedev Valery Nikolaevitch được bổ nhiệm thuyền trưởng tàu ngầm nguyên tử “K-10”.  Ông đã giữ cương vị này suốt thời gian 8,5 năm và nổi tiếng là một thuyền trưởng xuất sắc.

Thủy thủ đoàn tàu ngầm “K-10” của ông đã được đào tạo thành thục đến mức tự động hóa. Đã có nhiều trường hợp tàu ngầm nguyên tử đột ngột ra khơi trong một chuyến hải trình lâu dài và độc lập tác chiến. Đầu tiên “K-10” bơi độc hành trong thời gian 55-60 ngày đêm. Tiếp theo đó, thời gian độc hành đã được tăng lên đáng kể và lên đến 6-8 tháng.

Đại tá Medvedev kể: Ngày 22/1/1983 “K-10” đang có mặt ở Biển Đông. Công việc diễn ra tuần tự như thường lệ, và không có gì báo hiệu sẽ có sự cố. Chúng tôi đang ở trong không gian hoạt động rộng rãi, dưới chúng tôi là độ sâu 4.500 mét (năm phút đi xe buýt). Đó là một ngày thứ Bảy. Sau khi tắm các quân nhân đang xem phim truyện trong khoang thứ nhất. Chúng tôi đã đến biên giới của khu vực quy định sớm tám giờ. Khu vực này yêu cầu ra vào phải theo một thời gian quy định rất nghiêm ngặt. Tôi quyết định kiểm tra sự theo dõi của các lực lượng chống ngầm của Mỹ và Nhật Bản. Khi quay về hướng ngược lại, tôi nhận được báo cáo tương ứng từ đội thủy âm. Tất cả các hướng đều sạch! Chiều sâu lặn -54 mét.

Ba phút sau, tàu ngầm va chạm với một chướng ngại nào đó. Cú va chạm tưởng êm mà khá mạnh! Toàn thân con tàu ngầm nguyên tử rung chuyển từ cú va chạm này. “K -10” dường như bị gắn chặt với một đối tượng chưa được biết một vài giây, chúng cùng nhau di chuyển. Sau đó, chúng tự tách ra. Ngay lập tức trên tàu tuyên bố báo động khẩn cấp. Ba khoang mũi đầu tiên được đóng kín cùng với những người đang ở trong đó. Qua hệ thống liên lạc Kashtan tôi điện hỏi khoang đầu tiên, trả lời tôi là sự im lặng váng óc. Tàu đang đi đúng hướng và đúng độ sâu, có giảm tốc độ một chút. Độ chênh mớn mũi hơi tăng.

Tôi liên tục điện hỏi khoang đầu tiên. Do cú va chạm, các thủy thủ đã bị choáng và chỉ sau một thời gian mới hoàn hồn. Sau này hồi tưởng lại, đại tá Medvedev thừa nhận, trong sự kiện kịch tính đó các chiến sĩ tàu ngầm cảm thấy một nỗi kinh hoàng mạnh mẽ  mang tính bản năng của sinh vật. Đây là nỗi sợ hãi mãnh liệt nhất, gây ra bởi hoàn cảnh khó khăn và cực kỳ nguy hiểm, làm tê liệt một thời gian khả năng hành động tự do. Một điều nữa là để khắc phục sự sợ hãi bản năng của động vật, các chiến sĩ tàu ngầm khoang đầu tiên trên “K-10” chỉ mất một vài phút. Thực tế này cho thấy sự ổn định tâm lý to lớn của các thủy thủ tàu ngầm. Và đây cũng là công lao lớn của người chỉ huy của họ, đại tá Medvedev.

Cảm thấy sợ hãi kinh hoàng, các chiến sĩ tàu ngầm hoặc cứng đờ hoặc không thể nhúc nhích, hoặc chạy, nhiều khi lại bổ vào hướng nguồn nguy hiểm. Được biết, người tâm thần bình thường không tồn tại tâm lý “không sợ”. Tất cả mọi việc diễn ra chỉ trong những khoảnh khắc, cần phải khắc phục sự hoảng hốt lúng túng, đòi hỏi ra được quyết định hợp lý về những hành động thích hợp. Phản ứng sợ phụ thuộc vào các đặc tính của hệ thần kinh, và mức độ huấn luyện tâm lý của các thủy thủ tàu ngầm.

Ngay cả một “sói biển” có nhiều kinh nghiệm như thuyền trưởng “K-10” trong thời điểm xảy ra thảm kịch trên biển, cũng cảm thấy trạng thái căng thẳng. Ông nói: “Tại thời điểm va chạm với tàu ngầm Trung Quốc, lần đầu tiên tôi cầu xin Chúa! Tôi cầu xin Chúa hãy cứu sống các quân nhân tàu ngầm nguyên tử “K-10”. May mắn thay, Chúa đã nghe tiếng cầu khẩn của linh hồn của mình. Thật đáng thương, thủy thủ đoàn bị chấn thương đến chết trên tàu ngầm Trung Quốc đã không cứu được. Nếu họ có, ít nhất một cơ hội để được cứu thoát, đại tá Medvedev sẽ không do dự cứu các thủy thủ từ con tàu chìm. Sau thảm kịch, tâm lý của tất cả các thành viên của tàu ngầm nguyên tử “K-10” đã ở trong trạng thái “khẩn cấp”. Thủy thủ đoàn tàu ngầm nguyên tử cần được chăm sóc khẩn cấp về tâm lý và tinh thần.

Đại tá Medvedev thuật lại: Hai phút sau mà đối với tôi dường như vô tận, báo cáo đầu tiên về tình hình trong khoang đã truyền đến tôi. Khoang vẫn kín! Lúc 21 giờ 31 phút chúng tôi nổi lên mặt biển. Trên đó một cơn bão biển đang hoành hành. Sức mạnh kinh khủng của gió và những đợt sóng khổng lồ đã ném con tàu qua lại như ném một mảnh ván nhỏ. Đêm ở những vĩ độ này rất tối, và quan sát mặt biển qua kính tiềm vọng quang học, tôi không thấy có gì. Tôi cho lệnh trở về điểm va chạm. Về đến nơi va chạm mới thấy thật là bi kịch. Tôi cùng với hoa tiêu và người đánh tín hiệu đã nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy màu cam của một chiếc tàu ngầm. Sau khoảng 30-40 giây, ngọn lửa biến mất. Lần đầu tiên tôi nói về ánh đèn nhấp nháy nhìn thấy của một chiếc tàu ngầm.

Được biết, theo quyết định của chính phủ Liên Xô ngày 1/9/1959, từ tháng 3 đến tháng 12/1959  Phòng thiết kế TSKB-16 của Liên Xô đã chuẩn bị bản vẽ thi công và tài liệu kỹ thuật của đề án 629 với tổ hợp D-1 và tên lửa R-11FM để chuyển giao cho CHND Trung Hoa. Vào mùa thu năm 1960, tại nhà máy đóng tàu Đại Liên (Trung Quốc ) đã đặt ky cho tàu ngầm Trung Quốc đầu tiên đề án 629.  Để tăng tốc độ đóng tàu đã sử dụng rộng rãi các kết cấu, chế tạo tại nhà máy đóng tàu số 202, cũng như thiết bị máy móc trong chiếc tàu ngầm K-139 hạ thủy tháng 5/1960. Việc đóng tàu ngầm đã hoàn thành vào cuối năm 1961 và tàu nhận số boong là 200.

Đồng thời, tại Komsomolsk-na-Amur người ta đặt ky tàu ngầm với số xuất xưởng là 138. Sau khi đóng xong, con tàu được vận chuyển từng phần sang CHND Trung Hoa, và cuối năm 1962 đưa vào biên chế hoạt động dưới số 208. Năm 1983, con tàu ấy hy sinh cùng toàn bộ thủy thủ đoàn và một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư trong quá trình thử nghiệm các tên lửa đạn đạo JL-1 của Trung Quốc, rất có thể là trong vụ va chạm với tàu ngầm đề án 675 “K -10” tại khu vực Biển Đông. Khi tính đến thủy thủ đoàn trên con tàu đề án này là khoảng 100 người và còn có một nhóm các chuyên gia dân sự, người ta có thể đoán số nạn nhân, mà hoàn toàn có thể cao hơn so với trên tàu ngầm Thresher của Mỹ năm 1963, nhưng phía Trung Quốc kiên quyết giữ im lặng.

Sau đó, người ta chắc chắn gần như 100% rằng tàu ngầm Trung Quốc đã hy sinh trong vụ va chạm với “K-10”. Nếu tàu ngầm “K-10” xuất hiện tại điểm va chạm năm giây sớm hơn, có lẽ bây giờ nó sẽ nằm lại ở độ sâu 4.500 mét cùng với phần còn lại của thủy thủ đoàn hào hiệp của mình. Lần này họ đã cực kỳ may mắn. Sau khi một báo cáo tương ứng được gửi đến các cơ quan cấp cao của hạm đội, họ được lệnh tiếp tục ở trong tư thế nổi quay về căn cứ Cam Ranh, nằm ở phía Nam Việt Nam. Hộ tống cho họ là tàu săn ngầm cỡ lớn BPK Petropavlovsk.

 Khi xem xét con tàu với độ chênh mớn rõ rệt đằng lái, có thể thấy phần mũi của con tàu bị hư hỏng khá nặng. Giữa phần mũi bị xoắn của “K-10” người ta đã tìm thấy một mảnh kim loại không thuộc về nó. Đường sống tàu bằng thép của “K-10” đã bị cắt một dải rộng 30 mm, dài khoảng 32 m trong vụ va chạm, cứ như người ta dùng dao cạo râu vậy. Sau khi kiểm tra tàu ngầm Bộ tư lệnh hạm đội đã quyết định rằng trong tình trạng khẩn cấp con tàu sẽ không đủ sức vượt qua 4.500 km đến căn cứ trong tư thế bơi ngầm, nó sẽ buộc phải vượt qua eo Bashi, eo biển Okinawa và eo biển Triều Tiên trong tư thế nổi.

Sau khi nhận lệnh, đại tá hải quân Valery Medvedev đã không hề nao núng. Ông đã quen với sự nguy hiểm chết chóc. Thật đáng ngạc nhiên, con tàu ngầm đã vượt qua 4.500 km đó, mà không hề có đài thủy âm, gần như đi mò. Thủy thủ đoàn “K-10” đã hoàn thành trong một chuyến đi biển vô tiền khoáng hậu, còn ông Medvedev cũng không được sự quan tâm của Tổng tư lệnh Hải quân S.G.Gorshkov và đảng ủy sư đoàn tàu ngầm số 29. Thay vì xứng đáng nhận được giải thưởng cao của nhà nước, người chỉ huy con tàu chỉ nhận được những hình phạt nghiêm khắc.

Sau đó, đại tá Medvedev tham gia giảng dạy tại Trung tâm Đào tạo Hải quân mang tên L.G.Osipenko từ 1986-1994. Sau khi xuất ngũ, trong suốt 7 năm ông tiếp tục làm việc ở đó, rồi tiếp tục công việc tại một trường đại học ở thành phố Obninsk.

RELATED ARTICLES

Tin mới