Nếu Nga tiếp tục hành xử như hiện nay, thì thật đáng tiếc bởi Nga sẽ bị gạt ra ngoài lề khu vực.
Thời gian gần đây Nga đang ngày càng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ muốn nhảy vào khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là quan điếm chính thức của Nga về biện pháp giải quyết tranh chấp hàng hải tại Biển Đông đã khiến dư luận bất ngờ với nhiều bình luận, nhận định khác nhau.
Can thiệp sâu hơn vào Đông Nam Á
Sau khi Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Sunnylands với lãnh đạo 10 nước ASEAN đầu năm nay, ngày 19, 20/5 tới đây Nga cũng sẽ làm điều tương tự với ASEAN tại Sochi. Thậm chí Moscow còn tập trung hơn cả Washington khi tổ chức cả hội nghị Ngoại trưởng Nga – ASEAN cũng như hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay, Nga sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với ASEAN, bao gồm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, lập trường của hai bên trong việc giải quyết các xung đột quốc tế rất giống nhau, Đa Chiều ngày 3/5 tường thuật.
Đài VOA tiếng Trung Quốc ngày 2/5 bình luận, trong bối cảnh đang chịu lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây và bị cô lập vì phản ứng của Moscow trong khủng hoảng Ukraine, Nga tổ chức hội nghị thượng đỉnh với ASEAN có thể xem là một sự kiện ngoại giao lớn của nước này trong năm 2016.
Suslov, một học giả nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế nói với VOA, để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, Nga cần tham gia sâu hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương và vấn đề Biển Đông. Đồng thời với việc tránh làm mất lòng Bắc Kinh, Moscow cần phát triển quan hệ với các quốc gia mà Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ, hàng hải như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.
“Nếu Nga tiếp tục hành xử như hiện nay, thì thật đáng tiếc bởi Nga sẽ bị gạt ra ngoài lề khu vực. Nếu Nga tiếp tục không có hành động nào trong các sự vụ ở châu Á – Thái Bình Dương và quá phụ thuộc vào Trung Quốc, trở thành nước cung cấp nguyên vật liệu thô cho Trung Quốc, thậm chí trở thành đối tác đàn em của Bắc Kinh, thì vai trò của Nga trong phạm vi toàn cầu sẽ ngày càng nhạt nhòa, bị gạt ra bên lề đời sống chính trị, ngoại giao, kinh tế quốc tế”, Suslov nhận định.
Trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN ở Sochi, Tổng thống Vladimir Putin sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 6/5 tại Sochi, trong tháng 6 ông sẽ sang thăm Trung Quốc.
Biển Đông căng thẳng là cơ hội cho Nga bán vũ khí
VOA tiếng Trung Quốc ngày 2/5 cho rằng, ngoài việc thúc đẩy bán vũ khí cho cả Trung Quốc và Việt Nam, Nga còn đang tích cực chào hàng vũ khí, khí tài quân sự đến các nước khác trong khu vực.
Indonesia nhiều khả năng trở thành nước thứ 2 sau Trung Quốc mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga. Khoảng 10 chiếc xe tăng loại mới do Nga chế tạo cũng đã được Indonesia mua và trang bị cho thủy quân lục chiến.
Ngoài ra, Nga đang chào hàng chiến đấu cơ Su-30MKM với Malaysia. Những quốc gia này còn là khách hàng tiềm năng đối với mặt hàng tàu ngầm tiên tiến lớp Amur / Lada của Nga.
Theo báo Quân Đội Nhân Dân ngày 28/4, hôm 27/4 tại nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk của Nga đã diễn ra lễ hạ thủy tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, đóng cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Còn đài VOA tường thuật, trong buổi lễ hạ thủy, quan chức cấp cao Liên bang Nga nói với quan chức Việt Nam rằng hai nước là anh em, tình hữu nghị truyền thống đã được xây dựng mấy hục năm qua và Nga sẽ tiếp tục giúp Việt Nam bảo vệ vùng biển của mình.
Đây là chiếc chiến hạm lớp Gepard 3.9 thứ 3 mà Nga đóng cho Việt Nam, dự kiến sẽ được bàn giao cho Việt Nam đưa vào biên chế năm tới. Chiếc thứ 4 sắp sửa hạ thủy và dự kiến sẽ được bàn giao năm 2018.
Việt Nam và Nga cũng đang thương thảo về hợp đồng đóng mới 2 hộ vệ hạm loại này. Chiếc thứ 5 và thứ 6 dự kiến sẽ được trang bị tên lửa hành trình. Vài tháng trước Nga đã chủ động tuyên truyền về thương vụ này.
Nên hiểu thế nào về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông?
VOA dẫn lời hai nhà bình luận quân sự Nga cho rằng, trong vấn đề tranh chấp Biển Đông thì Nga sẽ rất thận trọng, tuyệt đối tránh ủng hộ nước này và phản đối nước kia. Chính vì vậy mà Nga có thể sẽ tổ chức tập trận cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản.
Tuy nhiên truyền thông nhà nước Trung Quốc đang ra sức ca ngợi thành quả mấy chuyến công du của ông Vương Nghị gần đây hòng du thuyết một số nước ủng hộ lập trường của Bắc Kinh chống quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, trong đó Nga lên tiếng mạnh nhất.
Đọc kỹ phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về vấn đề Biển Đông gần đây có thể thấy nổi lên 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông thì đúng là Nga duy trì lập trường trung lập và không đứng về bên nào.
Thứ hai, về tranh chấp hàng hải, đặc biệt là việc vận dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc ở Biển Đông với điển hình là đường lưỡi bò thì Nga đang đứng về phía Trung Quốc khi cho rằng, những tranh chấp này chỉ có đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp là khả thi nhất.
Với phát biểu đó, vô hình chung Nga đang phủ nhận vai trò của cơ quan tài phán quốc tế, cụ thể là Tòa Trọng tài Thường trực PCA và phán quyết của Tòa trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, mặc dù Nga thừa nhận vai trò nền tảng của Công ước trong xử lý tranh chấp Biển Đông.
Trung Quốc đang lợi dụng điều này để ra sức tuyên truyền chống phá PCA và phán quyết của Tòa, chống can thiệp từ bên ngoài như Mỹ, Nhật, Úc, EU. Người viết thiết nghĩ, chắc chắn Nga không thể không biết điều này nhưng vẫn làm, bất chấp những tổn hại về uy tín và địa vị quốc tế.
Có lẽ có 2 động lực khiến Nga lựa chọn ủng hộ lập trường của Trung Quốc bành trướng hàng hải, chà đạp UNCLOS và cơ quan tài phán quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Thứ nhất, tranh chấp trên Biển Đông càng cò cưa kéo dài, xu hướng chạy đua vũ trang trong khu vực càng gia tăng thì vũ khí Nga càng có cơ hội tiêu thụ tại khu vực này. Đây là nguồn thu không nhỏ của Moscow trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Hai là giá dầu thế giới hoàn toàn chưa có dấu hiệu phục hồi, trong khi lệnh cấm vận của phương Tây chưa có dấu hiệu được nới lỏng. Nga đã từng kỳ vọng vào sự giúp đỡ từ Trung Quốc, nhưng như chính các học giả Nga thừa nhận, Bắc Kinh có giúp thì cũng ép Moscow phải ngồi chiếu dưới.
Do đó, việc tham gia sâu hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà cụ thể nhất là Biển Đông sẽ tạo thêm cho Nga đòn bẩy trong quan hệ với Trung Quốc, có thêm con bài để đàm phán, đổi chác với Bắc Kinh.
Chỉ vài lời cửa miệng của ông Ngoại trưởng Nga đã tạo cho Bắc Kinh một cái cớ ngoại giao để tuyên truyền cho lập trường bành trướng của mình. Trung Quốc đang xem nó như bảo bối, người viết thiết nghĩ, chắc chắn lợi ích mà Nga nhận được là không hề nhỏ.
Nhưng có điều người viết cho rằng, Nga không nên phiêu lưu và đi quá đà trong vấn đề Biển Đông. Tốt nhất là Nga nên im lặng trước phán quyết tới đây của PCA, nếu không Moscow sẽ đẩy các nước ven Biển Đông vào chỗ phải lựa chọn mà chắc chắn Moscow và Bắc Kinh đều không phải là phương án ưu tiên, bởi lợi ích và an ninh quốc gia, hòa bình ổn định của khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Sự can thiệp của Nga vào Biển Đông sẽ là một ẩn số tăng thêm tính phức tạp khó lường của tình hình. Biển Đông đã chiếm vai trò và vị trí ngày một quan trọng hơn trong các tính toán chiến lược của Điện Kremlin.
Chỉ mong sao Moscow không vì lợi ích trước mắt mà tự biến mình thành con bài cho Bắc Kinh lấy làm lá chắn trước áp lực dư luận và công pháp quốc tế, khuấy đục thêm Biển Đông.