Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiQuan hệ Nga-ASEAN “thui chột” do Moscow thiên lệch về TQ

Quan hệ Nga-ASEAN “thui chột” do Moscow thiên lệch về TQ

Dùng từ “thui chột” khi nói về quan hệ Nga-ASEAN là chính xác, bởi 20 năm qua, quan hệ 2 bên giống như “một đứa trẻ tập mãi không biết đi”.

Quan điểm lệch lạc của giới chức Nga về vai trò của Trung Quốc

Trong kỳ trước chúng ta đã bàn luận về vấn đề trong bối cảnh Nga-ASEAN đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ và năm 2016 là “Năm Văn hóa Nga tại các nước ASEAN” và “Năm Văn hóa ASEAN tại Nga”, quan hệ giữa 2 bên vẫn khó có hy vọng đột phá trong tương lai gần bởi yếu tố cản đường là Trung Quốc.

Tất cả hy vọng đang dồn vào Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Sochi vào ngày 19 và 20 tháng 5 tới đây và cuộc gặp lần đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu với người đồng cấp các nước Đông Nam Á, có thể sẽ diễn ra sau đó khoảng 1 tuần.

Tuy nhiên, cuộc thảo luận bàn tròn với chủ đề tại Trung tâm báo chí truyền thông quốc tế “Rossiya Segodnya” hôm 28-1 với chủ đề “Đối tác đối thoại Nga và ASEAN: Triển vọng hợp tác” đã kết luận rằng, để phát triển sự hợp tác giữa Nga và ASEAN, trước hết, cần có ý chí chính trị rõ ràng ở cấp độ nhà nước và một cơ sở kinh tế vững chắc.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Nga vẫn chưa có điều đó và chưa thể hiện được một chiến lược có định hướng về phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á. Trải qua 20 năm phát triển, quan hệ giữa hai bên vẫn đang ở bước khởi đầu, như một “đứa trẻ con mãi tập mà chưa biết đi”.

Đơn cử một ví dụ là, trong 3 nhiệm kỳ Tổng thống của mình, nhà lãnh đạo Nga Putin chưa lần nào gặp gỡ 10 nguyên thủ quốc gia ASEAN, trong khi đó Tổng thống Mỹ Obama đã gặp đủ mặt các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tới 7 lần, chỉ trong 2 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ.

Trong khi ông Putin không quan tâm tới các hoạt động của ASEAN và EAS (Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á), ông Obama chỉ bỏ lỡ EAS ở Brunei vào năm 2013 do khi đó Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, đồng thời cũng đã tới khu vực Đông Nam Á 7 lần.

Do đó, nếu Nga muốn phát triển quan hệ thực chất với ASEAN, Tổng thống Putin cần gần gũi hơn với các nhà lãnh đạo 10 nước trong Hiệp hội, và đề ra chiến lược ngoại giao rõ ràng, nếu không, Hội nghị thượng đỉnh Sochi sẽ đơn thuần chỉ là sự kiện mang tính biểu trưng.

Bàn về vấn đề này, Giáo sư Mosyakov – lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Đông phương học – Viện hàn lâm khoa học Nga cho rằng, một trong những yếu tố cản trở việc thực hiện các kế hoach lớn lao đó là chính sách định hướng lệch lạc của Nga với Trung Quốc.

Giáo sư Mosyakov lí giải, trong bối cảnh Moscow đang ở trong tình thế khó khăn do các biện pháp trừng phạt và những xung đột mà Nga tham gia, vấn đề quan hệ với Bắc Kinh, sự tiếp cận với các khoản tín dụng và các dự án của Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Điện Kremlin.

Đáng tiếc là tình trạng này ngày càng đi theo xu hướng lệch lạc là, dường như ở châu Á chỉ có Bắc Kinh là đủ sức mạnh và tiềm lực tài chính để giảm nhẹ đáng kể tình hình khủng hoảng ở Nga và cho phép nước này tồn tại mà không sa vào khủng hoảng trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, chính sách của Nga tại châu Á tập trung vào các mối quan hệ với Bắc Kinh và lợi ích thu được từ Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt với Nga và điều đó đã gây ra thiệt hại cho các nước châu Á khác, trong đó thiệt thòi nhất chính là ASEAN, bởi những mâu thuẫn lớn với Bắc Kinh.

Quan he Nga-ASEAN “thui chot” do Moscow thien lech ve Trung Quoc

Hội thảo bàn tròn chủ đề “Đối tác đối thoại Nga và ASEAN: Triển vọng hợp tác”

Tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố quan trọng nhất ngăn cản Nga và ASEAN đi tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện, mà điều quan trọng nhất là Moscow đã thực hiện chính sách “cào bằng quan hệ” trên Biển Đông, thậm chí là bênh vực, bao biện cho các hành động của Bắc Kinh.

Cào bằng quan hệ”, Moscow đã gây bế tắc cho quan hệ Nga-ASEAN

Thực tế cho thấy, Moscow chưa bao giờ bày tỏ thái độ phản đối những hành động sai trái của Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đối với các nước trong khối Asean – điều mà một cường quốc có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh thế giới nên làm.

Các quan chức và chuyên gia Nga trong thời gian quan đã đưa ra luận điểm là “tất cả các nước đó đều là đối tác của Nga”, do đó, Moscow cần phải có quan hệ bình đẳng, thái độ không thiên lệch đối với tất cả các nước, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các nước châu Á,

Nga cương quyết không tham gia vào những cuộc xung đột của họ và không thiên về hỗ trợ bất kỳ bên nào, không để mình sa vào tình huống cần thực hiện lựa chọn duy nhất, thí dụ, giữa Trung Quốc – Nhật Bản, giữa Trung Quốc và Việt Nam, hay là giữa Trung Quốc với Ấn Độ.

Về bề ngoài chính sách này của Nga giống như thái độ của một kẻ không có lập trường, “dĩ hòa vi quý”, không muốn làm mất lòng ai, nhưng về bản chất đó là chính sách “cào bằng quan hệ”, không phân biệt đúng-sai, không có chính kiến ngay cả đối với những điều phi lý nhất.

Khi đã thực thi chính sách này, Nga không có khái niệm về một quốc gia yêu chuộng hòa bình, mà cũng không cần biết quốc gia khác có gây nguy hại cho hòa bình và an ninh thế giới hay không, mà đơn giản: Tất cả mọi nước đều là những đối tác có thể quan hệ để kiếm lợi cho Moscow.

Vẫn biết là Nga đang bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận nên phải ngoảnh sang châu Á, mà trong đó Trung Quốc là một đối tác lớn, nhưng điều đó khó có thể biện bạch cho việc Moscow phớt lờ những hành động sai trái và vô cảm trước những hậu quả mà Bắc Kinh gây ra đối với các nước láng giềng.

Các học giả Nga cho rằng, giải pháp hòa bình của Moscow có lợi cho tất cả các bên xung đột, đơn giản vì Moscow duy trì liên hệ thương mại-kinh tế và chính trị với tất cả các nước, để làm lợi cho mình và giúp đỡ các nước cùng phát triển. Tuy nhiên, chính sách này về lâu dài sẽ có hại cho Moscow.

Thứ nhất là việc Moscow không có chính kiến về việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền vô lý trên Biển Đông sẽ khiến người ta hiểu rằng, Nga “có tật” ở Crimea nên tránh “giật mình” trên Biển Đông.

Nga luôn lấy lí do nước này sáp nhập Crime vào lãnh thổ của mình do yếu tố “lòng dân” nhưng tại sao Moscow lại im lặng khi Trung Quốc mưu đồ cướp đoạt toàn bộ Biển Đông, do đó bị tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới phản đối?

 

Việc Moscow thiên về Trung Quốc về lâu dài sẽ không có lợi cho Nga

Thứ 2 là, Moscow luôn tránh không đả kích Trung Quốc về vấn đề chạy đua vũ trang, cậy lớn ức hiếp các nước nhỏ trên Biển Đông, thậm chí ngoại trưởng Nga Lavrov đã nhiều lần tỏ thái độ ủng hộ Trung Quốc, khiến các nước Đông Nam Á không hài lòng.

Điều này khiến không ai lên tiếng bênh vực Nga khi xuất hiện thông tin Moscow ức hiếp các nước nhỏ ở Baltic và Ukraine, Gruzia… Người ta hiểu rằng, Nga có thể làm ngơ việc Trung Quốc chèn ép các nước ASEAN thì hoàn toàn có thể hành động tương tự với các nước láng giềng.

Vấn đề thứ 3 là việc Moscow thắt chặt quan hệ ngoại giao, kinh tế và bán nhiều vũ khí, trang bị cho Trung Quốc, trong khi lạnh nhạt với các nước Đông Nam Á sẽ khiến các nước này hiểu rằng, Moscow ngầm hậu thuẫn cho Bắc Kinh, do đó, quan hệ giữa ASEAN và Nga không thể tiến triển được là điều đương nhiên.

Hiện nay, một số học giả Nga đã lên tiếng đề nghị chính quyền Putin thay đổi quan điểm trong mối quan hệ phức tạp giữa Nga với ASEAN và Trung Quốc. Họ cho rằng, việc nghiêng về quan hệ với Trung Quốc có thể mang lại lợi ích trước mắt nhưng về lâu dài sẽ có hại cho uy tín và địa vị của Nga.

Tuy nhiên, rất khó có những thay đổi lớn trong quan hệ Nga-Trung, ở thời điểm hiện nay, nếu có, nó sẽ diễn ra trong thời gian dài.

Theo chiều ngược lại, các nước Đông Nam Á cũng cần có sự thay đổi tư duy trong quan hệ với Nga, để tăng cường quan hệ giữa hai bên, thúc đẩy sự chuyển biến của Nga về quan điểm “lợi ích tối thượng là Trung Quốc”, nhằm ngăn chặn bàn tay bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.

RELATED ARTICLES

Tin mới