Do các tuyên bố về đối ngoại gây tranh cãi nên việc ông trùm Donald Trump chắc chắn trở thành ứng viên chính thức của phe Cộng hòa khiến một số nước không yên, bao gồm Trung Quốc.
Tỷ phú Trump từng lên án Trung Quốc “cưỡng hiếp” nước Mỹ. Ảnh: UPI
Quốc gia đông dân nhất thế giới không thể hào hứng trước một kịch bản Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ, sau khi ông đã loại bỏ hoàn toàn các đối thủ để giành đề cử chính thức từ đảng Cộng hòa.
Dù Bắc Kinh đã quen thuộc với hàng loạt công kích, chỉ trích từ các ứng viên trong mỗi mùa bầu cử tại Mỹ, mối đe dọa mang tên Donald Trump dường như khiến Trung Quốc lo lắng nhất từ trước đến nay.
Hồi tuần qua, khi tranh cử tại bang Indiana, Trump khiến dư luận Trung Quốc sôi sục khi cáo buộc nước này “cưỡng bức” Mỹ do Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về thương mại đối với Washington, chỉ trích chính sách phá giá tiền tệ nhằm tăng cạnh tranh xuất khẩu của Bắc Kinh.
Vị ứng viên cũng đe dọa áp thuế đến 45% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trump khẳng định ông sẽ ngăn chặn mọi hành vi cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc lo ngại
Trước đây, phần lớn dư luận Trung Quốc không để tâm đến các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Trump, cho rằng đây chỉ là chuyện tiêu khiển. Tuy nhiên, họ buộc phải thay đổi thái độ sau khi 2 ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa là Ted Cruz và John Kasich đều tuyên bố bỏ cuộc.
“Dựa vào những phát ngôn của Trump đến nay, nếu ông ấy có cơ hội trở thành tổng thống, tôi lo sợ mối quan hệ Trung – Mỹ sẽ đối mặt với nhiều biến động lớn”, giáo sư Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân bắc Kinh, trả lời Wall Street Journal.
Khi tranh cử tại bang Indiana ngày 1/5, Donald Trump gọi Trung Quốc là “kẻ cướp khét tiếng nhất trong lịch sử”. Ảnh: Reuters |
Tại cuộc họp báo ngày 4/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối bình luận về khả năng Trump gần như chắc chắn trở thành ứng viên tổng thống chính thức của đảng Cộng hòa, cho rằng đây là vấn đề nội bộ của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng thúc giục “người Mỹ cần đánh giá lý trí và khách quan về mối quan hệ Trung – Mỹ”.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei không thể làm ngơ trước đe dọa của Trump. Sau khi bị đe dọa đánh thuế đến 45%, ông từng lên tiếng hồi tháng 4 rằng “Mỹ không xứng đáng với vai trò lãnh đạo trên thế giới” nếu điều này được thực hiện.
Ông Victor Gao, người từng phiên dịch cho cựu chủ tịch Đặng Tiểu Bình, nói một nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ khiến sự ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới suy giảm đáng kể. “Tôi đã theo dõi nhiều mùa bầu cử trong các thập niên, nhưng tôi vô cùng bàng hoàng trước sự khiếm nhã của ông Trump”, Gao nói với NBC News.
Trung Quốc có thể được hưởng lợi?
Tuy lo ngại, giáo sư Shi Yinhong cũng tỏ ra lạc quan khi nhận định Trung Quốc có thể đạt được một số lợi ích nếu Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Một học giả Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh có thể dễ đối phó với Trump hơn bà Clinton. Ảnh: CNN |
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại, ông Trump đã yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải gánh vác nhiều hơn trong việc bảo vệ an ninh toàn cầu.
So với tình hình hiện nay, vị tỷ phú thẳng thừng chỉ trích các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc là “chểnh mảng” và không làm tròn trách nhiệm mà đẩy phần lớn cho Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 27/3 trên New York Times, ông Trump cho biết sẽ không dồn quá nhiều nguồn lực của Mỹ vào châu Á so với đối thủ Hillary Clinton, người vạch ra chính sách chuyển trục sang châu Á của Mỹ trong thập niên qua.
Vị tỷ phú đã thể hiện rõ ràng rằng ông sẽ không bảo vệ an ninh miễn phí cho Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí đề xuất “rút quân Mỹ” khỏi châu Á.
Đồng thời, Trump tỏ ra không yêu thích Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, so với Trung Quốc.
Giáo sư Shi cho rằng, việc Trump gây sức ép cho Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chính là giúp gia tăng áp lực đối với 2 nước đối thủ lớn của Trung Quốc trong khu vực Đông Á.
Điều quan trọng hơn là Bắc Kinh có thể dễ dàng thương lượng với Trump về một số vấn đề, như tranh chấp ở Biển Đông, hơn là so với một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm như bà Hillary Clinton.
“Hillary có nền tảng là một luật sư. Bà ấy muốn mọi chuyện phải được giải quyết dựa trên luật. Trong khi Trump vốn là doanh nhân thành công, cho nên ông ấy có thể sẵn sàng chấp nhận thương lượng với Trung Quốc ở một số vấn đề nhất định”, giáo sư Shi nói.
Nhận định của giáo sư Shi có thể dựa trên cuộc phỏng vấn ngày 27/3 của Trump, khi ông tỏ ra ít quan tâm đến tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ để thách thức tuyên bố chủ quyền sai trái của Bắc Kinh. Thay vào đó, ứng viên này muốn cạnh tranh và gây áp lực với Trung Quốc chủ yếu về thương mại.