Một khi Trung Quốc bẻ gẫy UNCLOS ở Biển Đông mà chính nước này đã phê chuẩn, thế giới chớ mong đợi Bắc Kinh có thể hành động hòa bình.
Bành trướng và độc chiếm Biển Đông bằng con đường ngoại giao cũng là một thủ đoạn thâm hiểm không khác gì quân sự hóa của Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: EPA.
Tờ Sputnik News của Nga ngày 4/5 bình luận xung quanh việc làm thế nào Nga giúp Trung Quốc “chiến thắng” phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines khởi kiện nước này áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.
Sputnik News cho rằng, ủng hộ của Moscow với Bắc Kinh có thể dẫn đến nguy cơ buộc Mỹ phải nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong khi quyết định của Ấn Độ “đứng về phía Trung Quốc trong vụ này” đã khiến giới quan sát phương Tây bất ngờ.
Thông cáo chung của hội nghị lần thứ 14 Ngoại trưởng Nga – Trung – Ấn ký ngày 18/4 tại Moscow nói rằng: “Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cam kết duy trì một trật tự pháp lý cho các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS.
Tất cả các tranh chấp liên quan cần phải được giải quyết thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Về vấn đề này, các Ngoại trưởng kêu gọi tôn trọng đầy đủ tất cả các quy định của UNCLOS cũng như tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng dẫn thực thi DOC”.
Tranh cãi về lập trường của Nga và Ấn Độ
Truyền thông Trung Quốc ra sức tuyên truyền và ca ngợi tuyên bố chung này, giải thích nó theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nhưng căn cứ vào “giấy trắng mực đen” thì có thể thấy, vụ kiện của Philippines hay hoạt động của Hoa Kỳ ở Biển Đông hoàn toàn không đi ngược tinh thần trong thông cáo chung này.
Việc Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS.
Phiên tòa Philippines khởi kiện Trung Quốc ra PCA cũng tuân thủ hoàn toàn quy định, trình tự, thủ tục, nội dung được ghi rõ trong Phụ lục VII của UNCLOS mà Trung Quốc là một thành viên đã phê chuẩn Công ước.
Bởi vậy, đây là một giải pháp hòa bình, hợp pháp, có căn cứ pháp lý rất rõ ràng. Người viết cho rằng, trong khi Nga – Trung – Ấn thừa nhận UNCLOS thì không thể phủ nhận vai trò của PCA và phán quyết của PCA theo đúng quy định của Phụ lục VII UNCLOS.
Do đó, việc thông cáo chung của Ngoại trưởng 3 nước rằng các tranh chấp liên quan “cần phải được giải quyết thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên liên quan” tự nó mâu thuẫn với chính các nội dung liên quan còn lại trong thông cáo chung này.
Đó chính là vai trò nền tảng của UNCLOS cũng như cái cả 3 nước cam kết: “Duy trì một trật tự pháp lý cho các vùng biển và đại dương.”
Alexander Shpunt, một học giả Nga bình luận trên tờ Regnum ngày 2/5, Bắc Kinh có lý do để tin rằng Moscow có thể giúp mình trong vụ này, và cái ông Lavrov Ngoại trưởng Nga nói rằng, các thế lực “bên ngoài” không nên can thiệp vào Biển Đông không phải ám chỉ Mỹ, mà là ám chỉ PCA.
Sở dĩ Bắc Kinh nhờ vả Moscow là vì Nga vừa kiện ngược phán quyết của PCA tháng 7/2014 về việc Nga phải bồi thường 50 tỉ USD cho chủ sở hữu công ty Yukos tại Tòa án Hạt của The Hague và đã thắng.
Trong tuần lễ Tòa án Hạt của The Hague ra phán quyết bác phán quyết của PCA về vụ Yukos, Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc yêu cầu Nga giúp đỡ “ngăn chặn quốc tế hóa Biển Đông”.
Moscow đã chính thức ủng hộ Trung Quốc vào ngày 18/4 trong thông cáo chung hội nghị Ngoại trưởng Nga – Trung – Ấn. Việc Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ký tên vào thông cáo chung này theo Alexander Shpunt, không thể không có áp lực của Moscow.
Alexander Shpunt cho rằng, với những nước đi này, đơn giản là Bắc Kinh sẽ bỏ qua vai trò của các tổ chức quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế.
Bắc Kinh sẽ tiếp tục gây áp lực lên Lào với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN
Song song với các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, mặt trận ngoại giao cũng đang được Bắc Kinh đẩy mạnh thế tấn công không kém quân sự, The Australian ngày 5/5 bình luận. Ngoài việc tiếp tục tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA, Bắc Kinh đang vận động hành lang các nước khác ủng hộ lập trường của họ trong vụ này.
Trung Quốc đã chọn Lào, Campuchia, Brunei làm khâu đột phá để chia rẽ ASEAN trong phản ứng với phán quyết của PCA. Trong khi Lào là Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, cùng với Campuchia là 2 nước Đông Nam Á đang nhận viện trợ lớn từ Bắc Kinh, thì Brunei cũng đang phải loay hoay tìm nguồn thu khác khác thay thế sau khi giá dầu thô thế giới liên tục suy giảm mà Bắc Kinh có thể có câu trả lời.
The Australian bình luận, quyết định của Brunei, Lào và Campuchia đồng ý với “đồng thuận 4 điểm” mà ông Vương Nghị đưa ra có thể xem như phần thưởng của Bắc Kinh nhằm chống lại vụ kiện của Philippines cũng như lập trường và phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam.
Mặc dù tàu Cảnh sát biển Trung Quốc gần đây vào tận lãnh hải Indonesia ở Natuna để giải vây cho tàu cá Trung Quốc vi phạm, Jakarta vẫn miễn cưỡng chống lại yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc trong khu vực. Thời báo Hoàn Cầu đã ca ngợi chiến lược “mơ hồ sáng tạo” của Trung Quốc trong việc duy trì đường lưỡi bò lập lờ ở Biển Đông.
Theo The Australian, nếu Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ ông sẽ rút quân khỏi Biển Đông. Còn nếu bà Hillary Clinton làm chủ Nhà Trắng, đó sẽ là thách thức mới của Bắc Kinh bởi chính bà là kiến trúc sư của chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương.
Vì vậy Biển Đông diễn biến ra sao sẽ chịu tác động rất nhiều từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8/11 tới đây.
Đặc biệt là nếu hội nghị thượng đỉnh khu vực Đông Á tại Lào năm nay thừa nhận xu hướng giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng “đàm phán song phương” như mong muốn của Trung Quốc, thì đây có thể xem là thắng lợi của Bắc Kinh, thất bại của Công pháp Quốc tế.
Moscow sẽ phải trả giá vì ủng hộ Bắc Kinh bành trướng Biển Đông
Đó là nhận định của học giả Tim Daiss chuyên nghiên cứu về địa chính trị và thị trường năng lượng châu Á trên Forbes ngày 1/5. Theo ông, những diễn biến gần đây phù hợp với kế hoạch của Bắc Kinh hòng chia rẽ và khuất phục các nước láng giềng châu Á nhỏ hơn nó.
Việc ép các bên liên quan đàm phán tay đôi trực tiếp với Trung Quốc thay vì đàm phán giữa Bắc Kinh với ASEAN có nghĩa là Bắc Kinh có thể dễ dàng bắt nạt các nước nhỏ hơn, sẵn sàng trả đũa bằng kinh tế nếu các nước này không chấp nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Ai biết trong tương lai địa chính trị khu vực sẽ diễn ra như thế nào? Nhưng với các căng thẳng từng xuất hiện trong lịch sử giữa Bắc Kinh và Moscow cả thời kỳ Liên Xô lẫn hậu Xô Viết có thể thấy, sẽ có ngày Kremlin phải hối tiếc vì giúp Trung Quốc đẩy Mỹ khỏi Biển Đông”, Tim Daiss viết.
Chỉ cần Hoa Kỳ rút khỏi Biển Đông, lập tức Trung Quốc sẽ trở thành bá chủ kiểm soát một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch trọng yếu của quốc tế với hơn 5 ngàn tỉ USD giá trị thương mại đi qua mỗi năm. Một khi Trung Quốc bẻ gẫy UNCLOS ở Biển Đông mà chính nước này đã phê chuẩn, thế giới chớ mong đợi Bắc Kinh có thể hành động hòa bình ở Biển Đông bởi chẳng còn một ràng buộc pháp lý nào.
Tháng 5 năm ngoái, đài truyền hình trung ương Trung Quốc công khai nhắc nhở người Hán rằng, phải khắc cốt ghi tâm giai đoạn lịch sử nhức nhối Trung Quốc bị “mất đất vào tay Nga” theo Điều ước Ái Huy năm 1858. Người viết cho rằng đây mới là vấn đề thực sự đối với Nga, vì khi chấp nhận làm đối tác chiếu dưới, đàn em của Bắc Kinh thì sớm muộn Moscow cũng sẽ gặp phải những gì tương tự như Việt Nam, Philippines đang phải đối mặt hiện nay ở Biển Đông.