Mỹ có cơ hội vào Biển Đông triển khai lực lượng quân sự là một thất bại địa chính trị của Trung Quốc.
Chẳng cần phải có tầm nhìn xa, chỉ nghe, thấy, hành động của Trung Quốc trong mấy năm qua trên Biển Đông thì bất cứ người nào cũng biết Trung Quốc đang muốn chiếm toàn bộ Biển Đông. Đó là điều chắc chắn không ai nghi ngờ.
Biển Đông là “đường sinh mạng” của Trung Quốc?
Có thể nói, Trung Quốc đã, đang, tìm mọi cách để chiếm Biển Đông và rất muốn chiếm được Biển Đông bất kỳ lúc nào. Thế nhưng tình thế trên Biển Đông hiện tại đã chứng tỏ, Trung Quốc chưa có đủ khả năng dùng sức mạnh quân sự để chiếm Biển Đông.
Chiếm Biển Đông theo nghĩa quân sự có nghĩa là tất cả các đảo trên Biển Đông, toàn bộ trên không, trên biển, trong lòng biển Biển Đông đều bị PLAN làm chủ tuyệt đối. Những đối tượng tác chiến của PLAN hoàn toàn bị trấn áp, khiến khả năng tác chiến đáp trả hoàn toàn bị tê liệt.
Chiếm được Biển Đông có 2 ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng với Trung Quốc.
Thứ nhất, lưu ý là, khống chế tuyến hàng hải trên Biển Đông với Trung Quốc chỉ là chuyện nhỏ mà lớn hơn là khống chế tuyến hàng hải từ Ấn Độ Dương và vịnh Ba Tư sang Thái Bình Dương mới là mục đích chính của chiến lược khống chế tuyến hàng hải.
Tuyến hàng hải trên Biển Đông là tuyến ngắn nhất chứ không phải duy nhất từ Ấn Độ dương và vịnh Ba Tư sang Thái Bình Dương. Khi đó, chỉ cần làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này là nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Đây là một kết quả rất hấp dẫn, quyến rũ “chết người” khiến cho những kẻ có chút sức mạnh, hay tưởng mình mạnh và đầy tham vọng quyền lực, muốn chiếm lấy bằng được.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ gia tăng sức mạnh răn đe triển khai đòn tấn công hạt nhân với Mỹ trong khi Trung Quốc chưa đủ khả năng sử dụng bộ 3 hạt nhân gồm, tên lửa, máy báy ném bom tầm xa và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) để tác chiến.
Mặc dù Trung Quốc chưa có máy bay ném bom chiến lược tầm xa như Nga, Mỹ nhưng tên lửa trên đất liền, trên SSBN tuần tra ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vẫn có thừa khả năng phủ trùm tên lửa vào nước Mỹ.
Tuy nhiên, điều “bất khả kháng” của lực lượng SSBN là không thể hoạt động tại biển Hoa Đông vì biển nông và hệ thống săn ngầm của Mỹ-Nhật Bản quá hiện đại chờ sẵn, nên “nhất cử nhất động” của SSBN Trung Quốc đều bị phát hiện.
Trong khi đó, lối ra và nơi triển khai tác chiến lý tưởng cho lực lượng SSBN từ căn cứ Tam Á chính là Biển Đông.
Tàu ngầm là bí mật, khi yếu tố bí mật đã không còn thì tàu ngầm mất tác dụng, là đối tượng dễ tiêu diệt nhất. Nếu khi tàu ngầm triển khai tác chiến mà bị lộ thì coi như chuyến tuần tra SSCĐ bị thất bại, hay tàu ngầm đó bị loại ra khỏi vòng chiến nếu xảy ra đụng độ quân sự.
Khi mà tên lửa phóng từ lục địa Trung Quốc đang bị hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ bao vây, triển khai trước cửa nhà thì chiếm Biển Đông để triển khai SSBN, Trung Quốc mới gia tăng được sức răn đe đòn tấn công hạt nhân với Mỹ.
Vì vậy, chiếm Biển Đông, biến 80% diện tích Biển Đông thành khu “đặc quyền quân sự”, có một ý nghĩa quân sự mang tính toàn cầu, đặc biệt quan trọng của Trung Quốc để vươn ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương thoát khỏi sự bao vây của Mỹ.
Trung Quốc sợ điều gì ở Biển Đông?
Điều này có nghĩa là tại sao Trung Quốc chưa “khai đao” trên Biển Đông như các giới chính khách, tướng tá diều hâu Trung Quốc thường hô hào trên diễn đàn?
Rõ ràng, chúng ta không đánh giá thấp ý chí chính trị của Trung Quốc trong mưu đồ chiếm Biển Đông, nhưng khả năng, những tác động khách quan để thực hiện ý chí lại là vấn đề khác. Có 3 nguyên nhân mà Trung Quốc chưa thể dùng vũ lực để chiếm Biển Đông..
Một là sự xuất hiện của Mỹ
Biển Đông chẳng là gì với Mỹ, vì trong mấy chục năm qua, Mỹ chẳng để ý gì đến, nhưng Biển Đông lại trở nên có ý nghĩa quan trọng với Mỹ khi Trung Quốc muốn chiếm nó. Tính logic của vấn đề này là vì ý đồ của một Trung Quốc đang trỗi dậy, hung hăng, thách thức địa vị thống trị của Mỹ khi chiếm Biển Đông lại xung đột với ý đồ của Mỹ như đã nói ở trên.
Từ năm 2012, Mỹ công bố chiến lược “xoay trục sang Châu Á-Thái Bình dương” nghĩa là Mỹ đã thừa biết ý đồ của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Nhiều người cho rằng Mỹ triển khai quá chậm, rằng, Mỹ chỉ nói mà không làm, rằng, Mỹ mắc vào Ukraine và Trung Đông…Nhưng thực chất vấn đề là Mỹ muốn triển khai thực hiện hay nôm na là thay đổi “tư thế quân sự” cần phải có điều kiện và thời điểm
Điều kiện đầu tiên là môi trường địa chính trị thuận lợi.
Có thể nói từ sau năm 1975, Mỹ đã rời bỏ khu vực Đông Nam Á và với sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế, Trung Quốc gần như chiếm lợi thế tuyệt đối với Mỹ trong cục diện địa chính trị tại khu vực này.
Mỹ muốn cạnh tranh địa chính trị, đánh sập vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ĐNA không phải ngày một ngày hai.
Không phải Mỹ muốn lập căn cứ quân sự, triển khai tàu chiến, máy bay là các nước chấp nhận lập tức…mà phải có tác động nào, ai, đe dọa đến an ninh, chủ quyền… mới khiến họ cần sự trợ giúp từ Mỹ.
Đơn giản là vì lúc đó Trung Quốc chưa lộ mặt, Trung Quốc đang “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc chưa hung hăng, trắng trợn, bất chấp tất cả đe dọa sử dụng vũ lực…thì Mỹ khó cạnh tranh được vai trò của Trung Quốc trên khu vực này.
Làm sao để Trung Quốc lộ mặt là mưu, kế, là kinh nghiệm nghệ thuật chiến tranh địa chính trị của Mỹ.
Mỹ đã thắng trong tiến trình này, bởi lẽ, tham vọng của Trung Quốc quá lớn như một cơn đói cồn cào nên khi Mỹ tung mồi ngon thì gì mà Trung Quốc chả bập vào.
Rốt cuộc chính Mỹ là cường quốc đầu tiên ngoài Biển Đông ngăn cản hành động của Trung Quốc cùng với “nạn nhân” trực tiếp là các quốc gia ven Biển Đông trong đó có Việt Nam.
Mỹ tiến vào Biển Đông trên danh nghĩa “tự do hàng hải” nhưng thực chất là ngăn chặn, phát hiện, theo dõi hoạt động của lực lượng hải quân chiến lược của Trung Quốc ngay trước cửa căn cứ tàu ngầm Tam Á lớn nhất của PLAN.
Hành động này của Mỹ giống như trong bóng đá, Mỹ tranh chấp quyết liệt để khống chế bóng ngay trong vòng 16m50 của Trung Quốc. Biển Đông chính là khu vực 16m50 của Trung Quốc.
Đây là nguyên nhân chính, giải thích tại sao Trung Quốc không muốn cái kiểu tuần tra trên Biển Đông của không quân, hải quân Mỹ và thực sự là một sai lầm lớn của Trung Quốc khi đã để Mỹ có cớ đưa lực lượng vào Biển Đông, khôi phục lại các căn cứ quân sự tại Philipines…
Mục tiêu quân sự toàn cầu của Mỹ đối phó với Trung Quốc lại phù hợp với lợi ích chủ quyền Biển Đông của các quốc gia như Philipines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, cho nên, họ ủng hộ Mỹ xuất hiện tại Biển Đông là rất tự nhiên và hợp lẽ.
Hai nguyên nhân còn lại mang tính quyết định là Xung đột quân sự khu vực với Việt Nam và “Vạn lý trường thành bằng cát” trên Biển Đông được trình bày phần sau.