Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinChâu Âu vùng vẫy thoát Mỹ?

Châu Âu vùng vẫy thoát Mỹ?

TTIP được coi là công cụ để Mỹ kiểm soát các quy tắc thương mại toàn cầu song đang gặp khó với châu Âu.

Greenpeace công bố tài liệu tiết lộ nhiều góc khuất trong đàm phán TTIP

Pháp đi đầu

Tổng thống Pháp Francois Hollande mới đây bất ngờ tuyên bố “sẵn sàng ngăn chặn Hiệp định Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP)”.

Tuyên bố được đưa ra sau khi tổ chức Greeenpeace công bố tài liệu mật đàm về hiệp định do Mỹ và châu Âu đang thương thuyết, trong đó có nội dung bất lợi cho châu Âu.

Có ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến ông Hollande đưa ra tuyên bố cứng rắn là do Mỹ không nhượng bộ trên các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Pháp, đặc biệt là về nông nghiệp.

Chau Au vung vay thoat My?
Ngay sau khi Green Peace công bố tài liệu, Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố là ở giai đoạn này, Pháp nói “không” với TTIP.

Còn tờ Le Figaro được cho là có quan điểm đối lập nhận định rằng ông Hollande đã nắm bắt thời cơ này để làm hòa với các đảng bảo vệ môi trường lâu nay chống TTIP và nhất là để chiều theo phần đông công luận lo ngại các chuẩn mực xã hội và môi trường thiên nhiên của Pháp sẽ bị hạ thấp khi mở rộng cửa buôn bán với đồng minh Mỹ.

Theo Le Figaro, thực chất phản ứng cứng rắn của Tổng thống Pháp chỉ để phục vụ nhu cầu chính trị quốc nội, bởi Brussels đã được 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủy nhiệm đàm phán và cho dù bị ít nhiều công luận trong nước phản đối, chính phủ 3 nước lớn là Đức, Anh, Italy vẫn muốn đạt được TTIP.

Điều Pháp lo ngại nhất là nếu không đưa được những chuẩn mực của châu Âu bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường vào Hiệp định thương mại với Mỹ, mà còn bị Mỹ áp đặt ngược trở lại, thì sẽ là tai họa đối với sức khỏe người dân châu Âu.

Tờ La Croix của Pháp đặt câu hỏi phải hiểu như thế nào về lời tuyên bố của Tổng thống Hollande. Theo tờ báo, đây là chiến thuật quen thuộc của ông Hollande khi đưa ra một thông điệp tiêu cực để chinh phục cảm tình của người dân Pháp còn hoài nghi về sự toàn cầu hóa kinh tế.

Như vậy, ông Hollande vừa ghi điểm trong công luận Pháp, vừa không làm mất lòng các đối tác quốc tế, bởi trước mắt chưa thể kết thúc đàm phán TTIP. Đáng chú ý, tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cuộc vận động tái tranh cử tổng thống của ông Hollande đang nóng lên.

Trước đó, hôm 3/5, Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương, Xúc tiến Du lịch và Người Pháp ở nước ngoài Mattias Fekl, người đại diện cho Pháp tại các cuộc đàm phán, đã quy trách nhiệm cho Washington về việc để hiệp định rơi vào bế tắc, và cho rằng khả năng dễ xảy ra nhất là các bên tạm ngừng đàm phán hiệp định này.

Ông nhấn mạnh với ảnh hưởng của Pháp trong EU, “không thể có một thỏa thuận mà không có Pháp, và càng không có khả năng diễn ra một thỏa thuận chống lại Pháp”.

Mâu thuẫn chính

TTIP được kỳ vọng là một thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo ra một thị trường khổng lồ với 850 triệu người tiêu dùng và chiếm hơn một nửa kim ngạch kinh tế toàn cầu.

Nếu được hoàn tất, hiệp định này sẽ thúc đẩy thương mại giữa EU và Mỹ lên đến 1.000 tỷ USD/năm, đồng thời tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm.

Có ý kiến cho rằng TTIP là một trong những công cụ để Mỹ tái khẳng định quyền kiểm soát các quy tắc thương mại toàn cầu trong một mạng lưới các thỏa thuận đầy tham vọng.

Cả EU và Mỹ đều tham vọng đẩy nhanh việc đàm phán với hy vọng có thể hoàn tất TTIP trong năm nay, trước thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ.

Các cuộc đàm phán về TTIP được khởi động từ tháng 7/2013 nhưng sau đó bị trì hoãn do phía châu Âu phản đối các điều khoản liên quan việc bảo vệ các nhà đầu tư mà phía Mỹ đưa ra, trong đó cho phép các công ty tư nhân có thể khởi kiện chống lại các hành động của chính phủ làm hại đến các khoản đầu tư của họ.

EU lo ngại các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ sử dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà đầu tư (ISDS) để thách thức các luật lệ về thực phẩm, lao động và môi trường của EU.

TTIP càng khó trở thành hiện thực sau khi tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tiết lộ nhiều chi tiết xung quanh các cuộc thương lượng kín giữa Mỹ và châu Âu, làm gia tăng sự hoài nghi ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Ngày 2/5, trang mạng của tổ chức này công bố một tài liệu gồm 248 trang, với nội dung của 13 trên tổng số 17 chương của thỏa thuận.

Dự thảo này là văn bản có trước vòng đàm phán thứ 13, vừa diễn ra tại New York hồi tuần trước, và phơi bày những bất đồng sâu sắc giữa Washington và Brussels sau gần 3 năm đàm phán.

Chau Au vung vay thoat My?
Biểu tình phản đối TTIP tại Đức

Mỹ và EU đã ngay lập tức phản bác thông tin từ Greenpeace, cho rằng tổ chức này đã cung cấp những tài liệu gây “hiểu nhầm” và “sai lệch”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng với những diễn biến mới, khả năng thành công của hiệp định này dường như ngày một xa vời.

Mỹ và khối EU gồm 28 nước muốn xây dựng TTIP để dỡ bỏ các rào cản thủ tục và thuế quan nhằm tự do hóa hoạt động thương mại và đầu tư.

Hai bên phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ việc tiếp cận thị trường cho tới khai thác lĩnh vực dịch vụ của EU và cải thiện khả năng tiếp cận của EU đối với các dự án mua sắm công của Chính phủ Mỹ.

Lựa chọn thất bại

Sau vòng đàm phán thứ 13 tại New York hôm 29/4, cả hai bên đều khẳng định đã đạt được tiến triển, song thực tế không như vậy. “Người bảo vệ” TTIP ở Mỹ là Tổng thống Obama sắp rời Nhà Trắng. Trong khi đó, người kế nhiệm ông có thể sẽ kém hào hứng hơn trong việc thúc đẩy hoạt động tự do thương mại- một vấn đề đang đánh mất sự ủng hộ của dư luận do lo ngại về nguy cơ mất việc làm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu cũng phải đối mặt với những rào cản chính trị nhạy cảm bởi hoài nghi đang gia tăng trong dư luận về việc thỏa thuận này có thể sẽ được xây dựng theo hướng có lợi cho các tập đoàn kinh doanh lớn mà phớt lờ những nguyên tắc về sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

Chau Au vung vay thoat My?
Châu Âu được đánh giá ở “cửa dưới” trong đàm phán TTIP

Giới phân tích nhận định nếu không được ký kết dưới thời Chính quyền Tổng thống Obama, việc định đoạt thỏa thuận có thể sẽ bị hoãn lại tới sau các cuộc bầu cử khác ở châu Âu trong năm 2017.

Trong năm 2017, cả Đức và Pháp đều sẽ tiến hành tổng tuyển cử và các cuộc tranh cãi về TTIP hiện đang rất nóng, tới mức nhiều người cho là các ứng cử viên sẽ tận dụng đây làm một đề tài trong chiến dịch tranh cử của mình.

Các nhà lãnh đạo Pháp đã thể hiện những nghi ngại về hiệp định thương mại tự do này, nhất là sau khi cả Thủ tướng Manuel Valls và Tổng thống Fancois Hollande đều cam kết phản đối mọi thỏa thuận không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sức khỏe, môi trường và quy định của ngành nông nghiệp Pháp.

Đức cũng gia tăng các áp lực của mình, cho rằng thỏa thuận có thể “sẽ thất bại” nếu Washington vẫn không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán kéo dài.

Không chỉ vậy, khả năng Anh rời EU sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 cũng đang đe dọa thành công của các cuộc đàm phán về TTIP.

Chau Au vung vay thoat My?
Biểu tình phản đối TTIP ở Hanover trong chuyến thăm của ông Obama tới Đức hồi tuần trước

Trong khi đó, việc Greenpeace công bố các thông tin về sự bất đồng sâu sắc giữa các bên đàm phán có thể khiến dư luận tiếp tục quay lưng với thỏa thuận này.

Sau khi các tài liệu rò rỉ xuất hiện, nhóm môi trường Sierra Club của Mỹ đã tuyên bố phản đối hiệp định, cho rằng thỏa thuận “đang đi sai hướng và có thể đưa chính sách thương mại của Tổng thống Obama trở thành một sai lầm”.

Nhóm hoạt động xã hội Public Citizen ở Washington cho rằng các thông tin bị rò rỉ cho thấy nếu được ký kết, TTIP sẽ tạo ra những điều khoản về thương mại và kinh doanh “hạn chế, kìm hãm, hủy hoại và phá hủy các quy tắc của châu Âu”.

Vụ rò rỉ thông tin vừa qua không phải là thách thức đầu tiên mà quá trình đàm phán TTIP gặp phải. Thỏa thuận này từng bị ảnh hưởng đáng kể bởi bê bối nghe lén và giám sát thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Để cứu vãn tình hình, các bên đàm phán có thể giảm bớt tham vọng đối với thỏa thuận, nhưng một TTIP ít tham vọng hơn cũng đồng nghĩa với sự thất bại hoàn toàn.

RELATED ARTICLES

Tin mới