Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinNga sẽ phải tìm cách cân bằng quan hệ với Việt Nam...

Nga sẽ phải tìm cách cân bằng quan hệ với Việt Nam và TQ

Trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, Nga có khả năng sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Vương Nghị, ảnh: Reuters.

Jeremy Maxie, Cố vấn Cấp cao về Năng lượng của tổ chức Longview Global Advisors, một chuyên gia về địa chính trị và năng lượng ngày 9/5 bình luận trên Forbes xung quanh những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergeil Lavrov về Biển Đông. Theo Maxie, Biển Đông là một câu hỏi hóc búa đối với Moscow.

Theo Jeremy Maxie, ngày 29/4 khi thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Sergei Lavrov chỉ chiều theo người đồng cấp Vương Nghị trong vấn đề Biển Đông. Còn lập trường chính thức của Kremlin về Biển Đông được phản ánh trong tuyên bố của ông Lavrov tại Ulan-Bator ngày 14/4. Tại đây Ngoại trưởng Nga khẳng định, Kremlin chống lại “can thiệp từ bên thứ 3 và nỗ lực quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông”.

Ông Lavrov cho rằng, các tranh chấp xung đột trên Biển Đông chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp. Tuy nhiên Ngoại trưởng Nga cũng lưu ý, nước này không phải một bên trong cuộc xung đột, tranh chấp ở Biển Đông và sẽ không can thiệp vào các cuộc đàm phán.

Jeremy Maxie nhận định, thay vì ủng hộ vô điều kiện các hành vi của Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, ông Lavrov đã khẳng định lập trường của Moscow rằng, các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN phải dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Việc ông Lavrov đề nghị các bên tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng cho thấy, Nga xem UNCLOS cùng với các khuôn khổ và tổ chức đa phương là nền tảng cho đàm phán, chứ không phải yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc.

Thực chất ủng hộ của Nga với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Nếu chỉ dựa vào những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, còn vô số câu hỏi chưa được trả lời xung quanh lập trường của Nga. Ví dụ, bản chất và phạm vi hỗ trợ của Nga với Trung Quốc trên Biển Đông là gì? Nga sẽ triển khai và thực hiện sự hỗ trợ ấy đến đâu?

Liệu Nga có ủng hộ các đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông sử dụng UNCLOS như một khuôn khổ pháp lý để giải quyết tranh chấp hàng hải ở Biển Đông hay không? Lập trường của Nga trong việc Trung Quốc chống lại các nỗ lực bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là gì?

Nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông thì Nga sẽ tuân thủ hay bỏ qua nó? Nga sẽ cân bằng mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Việt Nam như thế nào? Nga sẽ ủng hộ Trung Quốc ở mức độ nào về mặt ngoại giao nếu căng thẳng Biển Đông tiếp tục leo thang?

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: AP.

Nga có can thiệp vào một cuộc xung đột quân sự nếu nó nổ ra giữa Trung Quốc với Việt Nam hay Trung Quốc với Hoa Kỳ hay không? Đặt những phát biểu của ông Sergei Lavrov trong bối cảnh tình hình hiện nay, Jeremy Maxie tin rằng Nga sẽ chỉ hỗ trợ ngoại giao một cách hạn chế đến Bắc Kinh và tránh dính vào bất kỳ một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng nào trên Biển Đông.

Trong khi đó Moscow phải tự vận động để giữ mình, chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á thông qua việc tiếp tục phát triển sâu hơn quan hệ chiến lược với Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác quân sự – thương mại trong khu vực trên cơ sở song phương cũng như đa phương với khuôn khổ ASEAN.

Tại sao Trung Quốc lại lợi dụng Nga chống lại phán quyết của PCA?

Phát biểu của ông Sergei Lavrov tại Ulan-Bator phản ánh lập trường của Nga với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS) ở Biển Đông. Phán quyết có thể được đưa ra trong tháng này hoặc tháng sau. 

Năm 2013 Philippines đã khởi kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), ITLOS đã bổ nhiệm Hội đồng Trọng tài 5 thành viên từ PCA. Năm 2015, PCA đã ra phán quyết Tòa có thẩm quyền thụ lý vụ này.

Bắc Kinh từ chối tham gia và phủ nhận thẩm quyền cũng như phán quyết của PCA với lập luận, bản chất vụ kiện của Philippines là “tranh chấp lãnh thổ và phân định biển” mà Trung Quốc đã bảo lưu quyền từ chối giải quyết thông qua cơ quan tài phán. Còn về chủ quyền, Bắc Kinh lập luận rằng đường lưỡi bò của họ có trước UNCLOS nêu nó không bị chi phối bởi Công ước.

Đáng chú ý là Ngoại trưởng Nga đã né tránh câu hỏi về thẩm quyền của PCA trong vụ kiện này. Bởi lẽ chính Moscow cũng dính vào một vụ kiện tương tự, Nga đã từ chối tham gia thủ tục tố tụng trong vụ Artic Sunrise tranh chấp với Hà Lan với lập luận ITLOS không có thẩm quyền thụ lý.

Năm ngoái, PCA ra phán quyết Nga vi phạm UNCLOS trong vụ lực lượng Cảnh sát biển nước này bắt giữ một tàu của Greenpeace và thủy thủ đoàn của nó vì tàu này phản đối hoạt động của giàn khoan Gazprom ngoài khơi Prirazlomnay ở biển Pechora, nơi Nga yêu sách vùng đặc quyền kinh tế – thềm lục địa.

PCA cũng phán quyết Nga phải bồi thường cho chính phủ Hà Lan vì chiếc tàu bị Nga bắt giữ gắn cờ, mang quốc tịch Hà Lan. Kremlin phản đối phán quyết này với lập luận, khi phê chuẩn UNCLOS năm 1997 Nga đã bảo lưu quyền không chấp nhận các phán quyết ràng buộc liên quan đến “tranh chấp hoạt động thực thi pháp luật, hoặc tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán”.

Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA thành lập thụ lý vụ kiện của Philippines, ảnh: PCA.

Mặc dù có thể dễ dàng phân biệt vụ Arctic Sunrise với tranh chấp ở Biển Đông, Bắc Kinh dường như đã được khuyến khích bởi việc Moscow từ chối công nhận phán quyết của PCA hoặc từ chối tham gia tiến trình tố tụng.

UNCLOS cũng có vai trò quan trọng sống còn đối với Nga

Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc có nguy cơ hủy hoại thẩm quyền của UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp trên biển. Việc phủ nhận phán quyết của PCA ở Biển Đông có thể kích hoạt một sự leo thang mới trên vùng biển này.

Trong khi ông Lavrov đặc biệt lưu ý UNCLOS như một nền tảng cơ bản để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Nga là thành viên Công ước và cũng muốn sử dụng UNCLOS để thúc đẩy các khiếu nại hàng hải của riêng mình ở Bắc Cực và biển Caspian.

Năm 2001, Nga nộp hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (CLCS) tuyên bố yêu sách khu vực Ridge Lomonosov ở Bắc Cực dựa theo UNCLOS. Năm 2015 Nga tiếp tục nộp yêu sách mở rộng với khu vực Mendeleyev Elevation, khu vực Chukchi năm 2016.

Yêu sách mở rộng của Nga ở Bắc Cực xoay quanh các tuyên bố pháp lý theo UNCLOS. CLCS sẽ nghe lập luận giải trình của Nga về các yêu sách này trong khoảng thời gian từ 11/7 đến 26/8 tới.

Ngoài ra, Nga cũng dựa vào UNCLOS để giải quyết tranh chấp với Kazakhstan và Azerbaijan ở phía bắc Caspian về việc Caspian là một “biển” hay “hồ nội địa” theo UNCLOS.

Do đó Điện Kremlin có thể bị cám dỗ hỗ trợ Bắc Kinh thách thức UNCLOS ở Biển Đông trong đó có tự do hàng hải và tự do hàng không, vì bản thân Nga cũng muốn áp đặt những hạn chế của riêng mình dọc theo Con đường Biển Bắc (NSR) hoặc những nơi khác Nga yêu sách vùng đặc quyền kinh tế.

Tuy nhiên Nga phải đối mặt với một câu hỏi rất hóc búa về pháp lý và chiến lược vì các tuyên bố, yêu sách mở rộng lãnh thổ – hàng hải ở Bắc Cực cũng phải dựa trên UNCLOS, còn ở Biển Đông thì cũng chính là quyền tự do hàng hải, hàng không của bản thân Nga.

Tại sao Nga ủng hộ Trung Quốc “chống quốc tế hóa, chống can thiệp vào Biển Đông”?

Tuyên bố chống “quốc tế hóa Biển Đông” và chống can thiệp vào Biển Đông từ bên thứ 3 mà ông Lavrov đưa ra rõ ràng nhằm vào Washington cũng như Tokyo. Điều này cho thấy Moscow muốn thúc đẩy một tầm nhìn chung với Bắc Kinh trong chiến lược quốc tế đa cực, nhằm kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Thái độ của Nga trước phán quyết sắp tới của PCA về đường lưỡi bò sẽ nói lên nhiều điều, ảnh minh họa: Internet.

Nga định vị mình như một sức mạnh Á – Âu truyền thống và tái khẳng định vị trí, vai trò cũng như ảnh hưởng của Moscow ở châu Á – Thái Bình Dương. Moscow tìm kiếm một trật tự an ninh khu vực dựa trên sự bình đẳng với Bắc Kinh và Washington thay vì chỉ giao dịch với Trung Quốc.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatony Antonov hôm 25/4 khẳng định, Moscow ủng hộ việc tạo ra một hệ thống an ninh tập thể bình đẳng và không phân biệt ở châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù xét về tầm quan trọng địa chiến lược, châu Á Thái Bình Dương đối với Nga không thể quan trọng bằng Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

Nhưng gần đây Nga đã định hình cho hạm đội Thái Bình Dương của nước này trở thành một phần của tham vọng hải quân toàn cầu. Lần đầu tiên hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia tập trận chung hoạt động hợp tác an ninh hàng hải và chống khủng bố ở Biển Đông trong khuôn khổ ADMM+. 

Tháng trước, hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng tham gia tập trận chung đa phương Komodo 2016 do Indonesia tổ chức. Do đó những phát biểu của ông Sergei Lavrov về DOC và COC cho thấy, thực chất Moscow ủng hộ sự tham gia của ASEAN vào Biển Đông với tư cách tập thể chứ không phải từng thành viên như Trung Quốc muốn.

Điện Kremlin coi ASEAN như một hàng rào tiềm năng để chống lại sức bành trướng và ảnh hưởng của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tuyên bố mở rộng quan hệ hợp tác quân sự Nga – ASEAN. 2 ngày 19 và 20/5 này Moscow sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN tại Sochi.

Tại hội nghị này, nhiều khả năng Nga sẽ im lặng trong vấn đề Biển Đông và chỉ tập trung vào mở rộng quan hệ thương mại, đảm bảo hợp tác quốc phòng, năng lượng và hạt nhân giữa Nga với Đông Nam Á.

Việc Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng Biển Đông và phát triển chiến lược hải quân hạn chế tự do hàng không hàng hải thông qua chiến lược chống truy cập / chống tiếp cận là một con dao hai lưỡi đối với Nga.

Nếu Trung Quốc độc chiếm và toàn quyền kiểm soát Biển Đông thành công thì chính tự do hàng hải của Nga sẽ bị hạn chế, và quan trọng hơn là làm suy yếu quan hệ chiến lược giữa Nga với Việt Nam, ngăn cản Nga mở rộng hợp tác quân sự với ASEAN.

Moscow sẽ phải tìm cách cân bằng quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc

Khi nói đến tranh chấp Biển Đông, Moscow đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn trong việc cân bằng mối quan hệ với Bắc Kinh và Hà Nội, Jeremy Maxie nhận định. Stephen Blank, chuyên gia về chính sách đối ngoại – quốc phòng Nga cho rằng, Moscow đang theo đuổi một chiến lược bảo hiểm rủi ro ở Đông Nam Á.

Cho đến nay ngoài Việt Nam, thành công của chiến lược này của Nga khá hạn chế trong khu vực Đông Nam Á. Vị trí vai trò và tư thế của Nga về mặt quân sự ở Đông Nam Á chủ yếu gắn liền với khả năng truy cập và sử dụng dịch vụ tại cảng Cam Ranh của Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch vừa có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nga – ASEAN, ảnh: mod.gov.vn.

Nga có thể sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa TU-95 hoạt động tại Thái Bình Dương. Jeremy Maxie lưu ý, việc này không phải là “độc quyền” của riêng Nga.

Hơn nữa, Nga đang là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của Việt Nam. Theo học giả Ian Storey từ Singapore, Nga cung cấp 90% nhu cầu vũ khí của Việt Nam, bao gồm 6 tàu ngầm Kilo, 6 khinh hạm Gepard, 6 tàu hộ tống Tarantul, 6 tàu tuần tra Svetlyak, 32 chiến đấu cơ Su-30 và các hệ thống tên lửa phòng không. Nga cũng đang tìm cách mở rộng thị trường vũ khí sang Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia.

Ngoài ra, Nga đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng của Việt Nam. Rosatom, một công ty năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga thắng thầu năm 2002 trong việc xây dựng 2 lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2023, 2024.

Nga hợp tác chặt chẽ với Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nhiều năm nay, trong khi không một công ty nào của Nga tham gia đấu thầu 9 lô dầu khí mà Trung Quốc tuyên bố mời thầu bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 8/2012.

Nga sẽ bỏ phiếu trắng nếu nổ ra xung đột quân sự ở Biển Đông

Mặc dù có lợi ích chung trong việc giảm bớt quyền lực và ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á – Thái Bình Dương, sự ủng hộ của Moscow với các nỗ lực thay đổi hiện trạng đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ vẫn rất hạn chế và thận trọng, đặc biệt là khi các sự kiện tiếp tục leo thang.

Bởi lẽ sự hỗ trợ rõ ràng của Moscow với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về pháp lý, ngoại giao và chiến lược. Sự coi thường của Trung Quốc với UNCLOS – một phương tiện giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải, cũng như nỗ lực của Bắc Kinh hạn chế tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông đang tạo ra rủi ro chiến lược lâu dài cho chính nước Nga.

Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông, Nga chắc chắn sẽ hỗ trợ Trung Quốc bằng cách không biểu quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chứ không phải phủ quyết bất cứ dự thảo nghị quyết nào chống lại Trung Quốc.

Đây chính là cách Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm khi Nga “sáp nhập” Crimea và phải đối mặt với một dự thảo nghị quyết trừng phạt mà Mỹ đưa ra Hội đồng Bảo an ngày 15/3/2014.

Nga không có động cơ can thiệp quân sự vào Biển Đông vì nó sẽ làm loãng sự can thiệp quân sự và ưu tiên chiến lược của Nga trên 2 địa bàn, Ukraine và Syria. Trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông, Nga có khả năng sẽ đảm nhiệm vai trò trung gian hòa giải, Jeremy Maxie nhận định.

Còn trong trường hợp Trung Quốc đụng độ với Philippines, nhiều khả năng Moscow sẽ ngồi trên băng ghế dự bị. Ít khả năng Nga tham gia vào một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa Trung Quốc với hoa Kỳ ở Biển Đông.

Thái độ, lập trường của Nga trên Biển Đông sẽ còn có thể thay đổi phụ thuộc vào phán quyết của Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về yêu sách của Nga với Bắc Cực. Một tuyên bố bất lợi cho Nga có thể khuyến khích Moscow đứng chung hàng ngũ với Bắc Kinh để “viết lại các quy tắc quốc tế” về chủ quyền, quyền lợi hàng hải.

Tuy nhiên Điện Kremlin sẽ phải đánh giá rất thận trọng về tương quan lực lượng trước khi đưa ra bất cứ động thái nào ở Biển Đông hay Bắc Cực, bởi chúng đều có thể để lại hậu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới