Tuesday, April 16, 2024
Trang chủQuân sự“Cột thu lôi” trên Biển Đông và sự gia tăng mâu thuẫn...

“Cột thu lôi” trên Biển Đông và sự gia tăng mâu thuẫn Mỹ – Trung

Tiến sĩ Thời Ân Hoằng đến từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, để thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, Bắc Kinh phải theo đuổi bằng được 3 mục tiêu: Phải được công nhận là siêu cường ngang Mỹ, phải được cùng Mỹ giải quyết các vấn đề trên thế giới, và phải là thế lực nổi trội ở Tây Thái Bình Dương hơn Mỹ.

Và để đạt được 3 mục tiêu này, Trung Quốc phải hiện đại hóa quân đội, xây dựng khả năng chiến lược để “ăn miếng trả miếng” với Mỹ. Còn Giáo sư Ross Terrill thuộc Đại học Harvard (Mỹ) coi Trung Quốc giống như một đế chế “thích hợp với ý niệm một triều đại và bắt nạt người dân các nước láng giềng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho rằng, nhiều quốc gia châu Á chìa tay với Mỹ bởi Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế, thách thức tự do hàng hải tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho rằng, các hoạt động tuần tra tự do đi lại trong “khu vực 12 hải lý” ở Biển Đông của Mỹ cần diễn ra định kỳ hằng tuần hoặc hằng tháng. Bởi theo Thượng nghị sĩ Cory Gardner nhận định, việc triển khai tàu tại vùng biển này 3 tháng/lần chưa đủ để phát đi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.

Theo ông Antony Blinken, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bắc Kinh không thể vừa tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vừa không công nhận các điều khoản của công ước này. Mọi đe dọa tự do hàng hải và cách thức giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông đều là vấn đề đối với Mỹ.

Ngay sau khi nhận được cảnh báo từ phía Mỹ rằng, Bắc Kinh đang quá phiêu lưu và mạo hiểm trong cuộc xung đột, có thể gây thiệt hại lớn tới uy tín nếu Trung Quốc bỏ qua phán quyết của PCA; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Doanh) lập tức cáo buộc Mỹ “cố tình phóng đại mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Bà Hoa Xuân Oánh (Doanh) tuyên bố, lấy làm tiếc khi phải nói rằng, ông Antony Blinken có thể đã được thông tin sai về bản chất những tranh chấp ở Biển Đông và nội dung của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật Biển hoặc đã cố tình áp đặt những điều sai trái cho Trung Quốc. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tái nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh đối với PCA – không chấp nhận và không tham gia phiên tòa do Philippines khởi xướng.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn cảnh báo ASEAN về “những hậu quả tiêu cực” nếu Philippines giành chiến thắng trong vụ kiện “đường lưỡi bò”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho rằng, bất kỳ sự phân xử trọng tài nào cũng “đi ngược lại” DOC và mọi sự chệch hướng khỏi DOC đều mang lại kết quả tiêu cực!

Theo tờ South China Morning Post, trước thềm PCA ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS ở Biển Đông, Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh quyết liệt trên mặt trận dư luận. Có nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu bị phán quyết bất lợi, Trung Quốc sẽ tăng tốc xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Theo tờ Washington Post, nếu Trung Quốc biến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thành đảo nhân tạo, đó sẽ là bước leo thang nguy hiểm trong mưu đồ kiểm soát lâu dài Biển Đông và sẽ làm căng thẳng trong khu vực tăng lên đáng kể. Khi đó đảo nhân tạo ở Scarborough/Hoàng Nham có thể giúp quân đội Trung Quốc hoạt động ngay sát căn cứ quân sự Mỹ tại Philippines.

Học giả Ian Storey, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore coi việc này sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc hoạt động gần nhau, có nguy cơ dẫn đến rủi ro. Điều chưa rõ ràng là làm thế nào Mỹ có thể ngăn động thái kể trên mà không leo thang đối đầu với Trung Quốc.

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Australia, mây dông đang vần vũ trên Biển Đông và Trung Quốc là “cột thu lôi”. Học giả Bonnie Glaser, chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cho rằng, Bắc Kinh nghĩ sức mạnh kinh tế có thể thuyết phục các nước láng giềng chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông là sai lầm.

Trong một diễn biến liên quan, tờ Thời báo Hoàn Cầu vừa lớn tiếng, sẽ tăng cường hoạt động phản công nếu quyền lợi của nước này bị xâm hại bởi hạm đội tàu ngầm tàng hình mới của Australia do Pháp chế tạo. Động thái kể trên diễn ra ngay sau khi Australia quyết định mua 12 tàu ngầm của Pháp. Tập đoàn chế tạo vũ khí DCNS của Pháp đã giành được hợp đồng cung cấp cho hải quân Australia 12 tàu ngầm tối tân lớp Barracuda trị giá gần 40 tỉ USD.

Theo giới truyền thông, vì lo ngại trước mối đe dọa về an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông do Trung Quốc gây ra, nên Australia đã quyết định hiện đại hóa quốc phòng nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Dư luận quan tâm tới bài viết đăng trên mạng Sina của nhà nghiên cứu Mã Nghiêu đến từ Học viện Quan hệ quốc tế và các vấn đề công, thuộc Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc, bàn về mối đe dọa từ tàu ngầm mới của Australia.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani yêu cầu Australia giải thích tại sao không chọn tàu ngầm của Tokyo. Theo giới truyền thông, ngày 26-4, Thủ tướng Australia Turnbull quyết định mua 12 tàu ngầm của Pháp và nước này cho rằng, cần tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác với hải quân các nước ASEAN.

Tờ South China Post dẫn giải thích của Trung Quốc về việc không cho phép tàu sân bay Mỹ cập cảng Hongkong. Bởi trước đó, Trung Quốc đã bác đề nghị của Mỹ về việc cho phép cụm tàu sân bay do tàu USS John Stennis dẫn đầu cập cảng Hongkong. Năm 2007, Bắc Kinh cũng không cho phép tàu sân bay Kitty Hawk ghé thăm Hongkong.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới