Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐồng thuận bốn điểm về Biển Đông: Trò lừa phỉnh tiếp diễn...

Đồng thuận bốn điểm về Biển Đông: Trò lừa phỉnh tiếp diễn của TQ

Từ ngày 20 – 24/4/2016, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị công du ba nước Đông Nam Á là Campuchia, Brunei, Lào nhằm vận động ba nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines. Kết thúc chuyến công du, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo Trung Quốc và ba nước ASEAN đã đạt được đồng thuận bốn điểm về Biển Đông, bao gồm: (i) Tranh chấp đối với một số thực thể ở Trường Sa không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN và không cản trở quan hệ Trung Quốc – ASEAN; (ii) Quyền của tất cả các nước giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp mà họ lựa chọn theo luật pháp quốc tế phải được tôn trọng và không tán thành việc áp đặt cách tiếp cận đơn phương lên nước khác; (iii) Các tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển phải được giải quyết bởi các nước trực tiếp liên quan thông qua đối thoại và tham vấn như được nêu trong Điều 4 của DOC; (iv) Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, các nước bên ngoài khu vực nên đóng vai trò xây dựng hơn là làm ngược lại.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Lào. Ảnh: fmprc

Mục đích của Trung Quốc là gì?

Thứ nhất, đây là một phần trong chiến dịch vận động các nước nhằm giữ thể diện của Trung Quốc thông qua ủng hộ về mặt ngoại giao trước phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc về Biển Đông. Nhận thức về khả năng Tòa trọng tài sẽ ra phán quyết có lợi cho Philippines, từ đầu tháng 4/2016, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động ngoại giao hậu trường để thuyết phục các nước không ủng hộ Philippines, bắt đầu bằng cuộc họp ngoại trưởng ba nước Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, sau đó bằng cách này hay cách khác lôi kéo các nước khác như Ba Lan, Gambia, Fiji, và mới đây nhất là Belarus và Pakistan. Chuyến công du tới Lào, Campuchia và Brunei là một phần trong chiến dịch này.

Qua đây, Trung Quốc muốn chứng tỏ là có các nước khác cũng ủng hộ lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông dù nước này có các hành động hung hăng, quyết đoán trên thực địa. Sự ủng hộ của các nước sẽ giúp Trung Quốc giữ thể diện và danh tiếng, ít nhất là bề ngoài.

Thứ hai, đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn cố tìm cách chia rẽ ASEAN để tránh việc ASEAN có thể ra tuyên bố chung ủng hộ Philippines sau khi tòa trọng tài ra phán quyết. Trước hết, Trung Quốc muốn làm giảm uy tín Chủ tịch của Lào trên cương vị chủ tịch ASEAN. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn chia rẽ ASEAN qua việc cố tình tạo hình ảnh nội bộ ASEAN còn có quan điểm khác nhau, qua đó làm giảm uy tín và đoàn kết của ASEAN.

“Sự đồng thuận” mà Trung Quốc nói có phải là cam kết vững chắc?

Mặc dù trong ASEAN có các nước liên quan khác nhau đến Biển Đông, bao gồm các nước yêu sách, nước có nhiều lợi ích và nước có ít lợi ích do cách biệt về địa lý nhưng “sự đồng thuận” mà Trung Quốc nói đến không thể hiện cho cả ASEAN và không phải là một cam kết vững chắc vì các lý do sau:

Thứ nhất, Ngoại trưởng Trung Quốc đi thăm ba nước riêng rẽ và trao đổi quan điểm với từng nước, không phải nhóm họp với cả ba nước. Sau khi Vương Nghị về nước thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo về bốn điểm. Trên thực tế, lập trường của ba nước Campuchia, Brunei và Lào trước nay không thay đổi nhiều. Trong đó, quan điểm của Campuchia gần giống Trung Quốc, ủng hộ giải quyết song phương và hạn chế vai trò của ASEAN. Nhưng, trong khi Brunei và Lào không phản ứng công khai về việc này, Campuchia lên tiếng phản bác “sự đồng thuận” mà Trung Quốc đề cập. Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan khẳng định rằng “không có thỏa thuận hoặc thảo luận gì, đó chỉ là chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc”. Trong khi đó, Lào và Brunei thì không muốn đẩy vấn đề Biển Đông lên vì Lào là nước không có biển, không phải là nước yêu sách, tiếp cận an toàn trong thời gian giữ vai trò chủ tịch. Brunei là nước yêu sách nhưng chỉ có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhỏ bé trong khi không chiếm thực thể nào ở Biển Đông, trước nay vốn im hơi lặng tiếng và chủ trương giải quyết song phương.

Thứ hai, vấn đề đáng nói hơn nếu như Trung Quốc đạt được đồng thuận với các nước có lợi ích lớn hơn ở Biển Đông như Singapore, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Thứ ba, mặc dù không có nhiều lợi ích ở Biển Đông nhưng Lào tránh làm mất lòng cả Việt Nam và Trung Quốc vì cả hai đều là đối tác kinh tế và chính trị gần gũi nhất của Lào. Lào không hẳn nghiêng về Trung Quốc vì cũng từng lên án quân sự hóa ở Biển Đông. Sau hội kiến với Kerry tháng 01/2016, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nói Lào muốn giữ đoàn kết ASEAN, bảo vệ tự do hàng hải và ngăn chặn quân sự hóa. Lào cũng nỗ lực duy trì đồng thuận trong ASEAN về vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau khi được bầu vào vị trí cao nhất trong đảng và nhà nước Lào, nhấn mạnh tầm quan trọng việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Lào và Việt Nam nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC. Vấn đề thu hút sự chú ý của giới quan sát quốc tế là việc Lào xử lý vấn đề Biển Đông như nào khi tổ chức các hội nghị cấp cao vào tháng 9/2016 là mối quan tâm và có thể sẽ cố tránh vết xe đổ như Campuchia năm 2012.

Trò lừa phỉnh của Trung Quốc như nào?

Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ từ những nước không liên quan gì đến Biển Đông và những nước có dính dáng thì lợi ích ít và hiếm khi lên tiếng. Ngoài ra, xét kỹ nội dung bốn điểm mà Trung Quốc đề cập cho thấy bản chất lừa lọc của Trung Quốc.

Thứ nhất là về việc tranh chấp Biển Đông không phải giữa Trung Quốc và ASEAN và không cản trở quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Thoạt nhìn, điều này có vẻ đúng. Cả khối ASEAN thì không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng tranh chấp liên quan đến nhiều nước trong ASEAN và ảnh hưởng đến lợi ích của các nước thành viên khác và cả ASEAN. Bên cạnh đó, vấn đề Biển Đông không phải chỉ đơn thuần là vấn đề tranh chấp chủ quyền mà còn là vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; vấn đề ngư dân và tàu cá; vấn đề khai thác vào bảo vệ tài nguyên môi trường biển… Đây đều là những vấn đề chung của cả ASEAN và Trung Quốc, cũng như cả cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới phức tạp, nhiều mối quan hệ đan xen, những tranh chấp trên Biển Đông đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt của quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Hơn nữa, các hành vi đơn phương mà Trung Quốc tiến hành nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây ở Biển Đông và các thực thể có tranh chấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, hòa bình và ổn định không chỉ đối với các nước có tranh chấp trực tiếp mà còn cả các nước ASEAN khác. Do đó, ASEAN không thể đứng ngoài cuộc. Tuy không phải là một cơ chế giải quyết tranh chấp lãnh thổ của các nước thành viên nhưng ASEAN có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế xung đột. ASEAN bắt đầu có vai trò trong việc quản lý xung đột Biển Đông từ năm 1992 khi ASEAN ra tuyên bố về Biển Đông. Vai trò của ASEAN chính thức được Trung Quốc công nhận vào năm 1995 khi nước này nhất trí thảo luận đa phương tranh chấp Biển Đông và sau đó ký kết DOC 2002 và đang trong quá trình tham vấn về COC.

Bên cạnh đó, các nước ASEAN nói riêng và ASEAN nói chung muốn phát triển quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và không muốn tranh chấp Biển Đông ảnh hưởng tới quan hệ hai bên nhưng hành động của Trung Quốc trên thực địa hủy hoại nỗ lực gìn giữ quan hệ của ASEAN. Từ năm 2009, Trung Quốc tích cực triển khai chiến thuật “cắt lát xúc xích” – sử dụng các hành động nhỏ tăng dần để mở rộng kiểm soát và lấn chiếm không gian biển, đặc biệt thông qua việc sử dụng lực lượng dân sự như tàu cá, hải cảnh, giàn khoan dầu, sử dụng sức mạnh vượt trội để đe dọa, lấn lướt và xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng ở Đông Nam Á, gây ra căng thẳng với hầu hết các nước ven biển như với Philippines (vụ Scarborough năm 2012), với Việt Nam (vụ HD – 981 tháng 5 – 7/2014), với Malaysia (tàu cá và hải cảnh xâm nhập vào bãi cạn Nam Luconia tháng 6/2015 và tháng 3/2016) và với Indonesia (vụ Natuna tháng 3/2016), v.v. Các hành động này trái ngược hoàn toàn với cái mà Trung Quốc nói là phát triển quan hệ tốt đẹp.

Thứ hai là về việc các nước có quyền lựa chọn cách giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Điều này là đúng vì các nước đều bình đẳng trước pháp luật quốc tế trong việc lựa chọn biện pháp giải quyết. Nhưng, việc Trung Quốc đề cập đến “cách tiếp cận đơn phương” là muốn ám chỉ việc Philippines kiện Bắc Kinh lên Tòa trọng tài. Trên thực tế, vụ kiện của Philippines không nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà về hiệu lực của “đường lưỡi bò” và quy chế một số thực thể. Việc này đảm bảo lợi ích của tất cả các nước sử dụng biển và bảo vệ tự do hàng hải. Chỉ có vấn đề là Trung Quốc không tham gia vụ kiện nên nói đó là đơn phương. Quy trình kiện theo đúng thủ tục pháp lý. Tòa trọng tài đã mở cho Trung Quốc tham gia nhưng Trung Quốc từ chối. Như vậy, không thể nói Philippines đơn phương kiện.

Thứ ba là về việc các bên trực tiếp liên quan giải quyết tranh chấp theo điều 4 của DOC. Nhưng, vấn đề là Trung Quốc hành xử như nào khi các bên nỗ lực đàm phán song phương. Ví dụ, Philippines đã cố gắng đàm phán song phương nhưng không được vì Trung Quốc không coi Philippines là bên đàm phán bình đẳng. Nếu Trung Quốc thật sự đàm phán công bằng và tìm kiếm giải pháp cùng thắng thì chẳng có tổng thống nào của Philippines lại bỏ qua cơ hội giải quyết hòa bình tranh chấp với Trung Quốc.

Thứ tư là ASEAN và Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Điều này trăm ngàn năm cũng đúng vì đó là mong muốn chung không những của ASEAN mà tất cả các nước trên thế giới. Nhưng, Trung Quốc phải chứng minh điều này bằng việc ký kết COC. Việc ký COC mới chứng tỏ thiện chí bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc yêu cầu các nước bên ngoài khu vực nên đóng vai trò xây dựng với ám chỉ là hải quân Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản không được can dự vào Biển Đông. Điều này là phi thực tế vì Trung Quốc tiếp tục cải tạo và quân sự hóa Biển Đông, gây quan ngại cho hòa bình ổn định ở khu vực và ảnh hưởng đến lợi ích an ninh của các nước trong và ngoài khu vực. Các nước đang nỗ lực duy trì một trật tự ổn định dựa trên luật lệ, trong khi Trung Quốc tìm mọi cách thay đổi nguyên trạng và phá vỡ trật tự hiện hành.

Tóm lại, Trung Quốc đang ráo riết vận động các nước để giành sự ủng hộ về mặt ngoại giao nhằm giữ thể diện trước phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines. Chuyến công du mới đây của Vương Nghị tới Lào, Brunei và Campuchia nhằm lôi kéo các nước này ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Cái “đồng thuận” mà Trung Quốc nói là đạt được với ba nước ASEAN chỉ là sáo rỗng, là trò lừa phỉnh của Trung Quốc và không phải là một cam kết thực chất. Việc này cho thấy Trung Quốc tiếp tục tìm mọi cách để chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Nhưng, Trung Quốc càng tìm cách chia rẽ ASEAN thì Trung Quốc càng thua thiệt vì Trung Quốc không được coi là một đối tác đáng tin cậy. Các nước ASEAN có lợi ích lớn ở Biển Đông không còn lựa chọn nào khác là chống lại Trung Quốc và sẵn sàng liên kết với bên ngoài. Các cường quốc bên ngoài càng có lý do để liên kết với ASEAN và can dự vào Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc sẽ bị cô lập. Cách thông minh mà Trung Quốc cần làm là thay vì chia rẽ ASEAN, Trung Quốc cần nhanh chóng hoàn tất COC và đối xử với ASEAN một cách xây dựng, coi ASEAN như là một cộng đồng đoàn kết và phải đóng góp vào việc xây dựng ASEAN. Việc này sẽ giúp Trung Quốc lấy lại uy tín và tạo cơ sở để phát triển quan hệ tốt đẹp với ASEAN./.

RELATED ARTICLES

Tin mới