Do ảnh hưởng của vụ “Tài liệu Panama” và thành công của chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã liên tục đề cao việc siết chặt quản lý quan chức và người thân quan chức.
“Tu thân, tề gia, bình thiên hạ”
Việc siết chặt quản lý đối với người thân quan chức được coi là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc (2012).
Cùng với vô số quan tham “ngã ngựa” thì tần suất khái niệm “tề gia”, “gia phong” của học thuyết Khổng Tử được ông Tập nhắc đến ngày càng dày đặc hơn trong các phát biểu gần đây.
Ngày 8/5, trang điện tử Xây dựng đảng (Trung Quốc) công bố bài viết Những lời khuyên tề gia của Tập Cận Bình dành cho các cán bộ.
Bài viết xoay quanh những câu nói của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại các buổi tọa đàm về việc yêu cầu quan chức nước này nghiêm túc siết chặt quản lý người thân.
Trước đó ngày 3/5, Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) cũng đã đăng toàn văn bài phát biểu tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI).
Nội dung bài phát biểu hé lộ, Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến vấn đề “gia phong” trên chính trường Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ ra: “Từ những vụ án tham nhũng gần đây có cho thấy, ‘gia phong bại hoại’ chính là nguyên nhân quan trọng khiến các cán bộ lãnh đạo dễ vi phạm kỷ luật.
Không ít quan chức không chỉ công khai lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ mà còn dung túng cho người thân ‘làm lợi cửa sau'”.
Quan điểm “tề gia” gần đây đã trở thành điểm nhấn trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Ẩn ý việc đăng công khai phát biểu của ông Tập Cận Bình
Gần đây, truyền thông Trung Quốc liên tục lục lại và đồng loạt cho công bố toàn văn một số bài phát biểu quan trọng mang đậm văn phong của Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo thông lệ, những bài phát biểu mang phong cách cá nhân của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không nhất thiết phải đăng công khai toàn văn.
Điều này khiến dư luận và truyền thông Trung Quốc đặt câu hỏi về động thái lạ này của ông Tập và đưa ra một số phân tích như sau:
Thứ nhất, cảnh cáo quan chức và người thân quan chức.
Dư luận Trung Quốc cho rằng, đây là động thái ông Tập thẳng tay nhắc nhở quan chức nước này sau thông tin nhiều người thân quan chức liên quan đến vụ rò rỉ Tài liệu Panama.
Ngoài ra, Tập Cận Bình cũng muốn cảnh báo các thành phần chống đối cuộc cải cách quân đội cũng như chiến dịch chống tham nhũng, những người coi chiến dịch chống tham nhũng là một “ván bài” để thao túng quyền lực về ông Tập.
Theo ông Tập Cận Bình, giáo dục tốt gia phong là môn học bắt buộc và cũng là yêu cầu của chính nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với cấp dưới. (Ảnh: Đa chiều)
Thứ hai, đảm bảo tính khách quan cho phát ngôn của ông Tập Cận Bình.
Giới chuyên môn đánh giá, việc các báo trích dẫn tùy ý nội dung trong bài phát biểu của ông Tập hoàn toàn mang tính chủ quan đã làm cho quan điểm, thái độ của nhà lãnh đạo này bị “hiểu nhầm”.
Ví như, trường hợp tờ Trường Bạch Sơn nhật báo của thành phố cấp địa khu Bạch Sơn, Cát Lâm đã “vô tình” đăng tải một tình tiết quan trọng trong bài phát biểu của ông Tập tại một hội nghị vào 26/6/2014.
Sau khi trích dẫn, tờ này đưa ra nhận xét: “Bài diễn thuyết này của ông Tập đã đưa ra quan điểm mới về chiến dịch chống tham nhũng. Đó chính là tình trạng giằng co bế tắc trong cuộc đối đầu giữa tham nhũng và chống tham nhũng.”
Bài viết trên đã bị xóa ngay sau khi được đăng tải không lâu.