Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải xem xét, đánh giá thận trọng việc bán hoặc huy động góp vốn đối với dự án gang thép Thái Nguyên.
Bán hay cổ phần hóa đều tốt
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện dự án.
Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được các giải pháp, gồm phương án bán dự án, phương án bán TISCO và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.
Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ đạo của chính phủ là hoàn toàn kịp thời và đúng đắn trong bối cảnh TISCO đang ngày càng có nhiều những khó khăn.
“Trong bối cảnh ngân sách không thể nào có khả năng để mà trợ cấp tiếp cho TISCO được nữa thì việc Thủ tướng chính phủ có chỉ thị huy động cổ phần hóa, tức là huy động vốn tư nhân để trên cơ sở đó xem xét xem có ai để có thể đầu tư được là chủ trương đúng đắn. Ở đây thì có thể là vốn trong nước và vốn ngoài nước. Bán thì cũng là một hình thức nói khác đi của cổ phần hóa. Tức là chúng ta cổ phần hóa 100% chứ không có điều gì đặc biệt cả”, TS Doanh nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia, nếu để kéo dài mãi tình trạng này thì dự án sẽ trở nên vô nghĩa, không có tiến triển gì cả. Việc tìm cách thay thế là cần thiết.
“Một khi không thích hợp thì phải có biện pháp thay thế để giải quyết dứt điểm đi. Theo tôi với các phương án này, chúng ta sẽ tiến hành theo cơ chế kinh tế thị trường. Nếu doanh nghiệp thấy khả năng đầu tư là có lãi và có lợi thì họ sẽ tham gia. Còn nếu không khả thi họ sẽ thận trọng”, ông Doanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia còn lưu ý, hiện nay thị trường thép trên thế giới đang bão hòa, vì vậy chúng ta cần phải xem xét, đánh giá thận trọng các phương án được đưa ra đối với TISCO trước khi triển khai.
“Trung Quốc có công suất thép là 1,2 tỉ tấn/năm nhưng hiện nay họ chỉ cần dùng khoảng 600-700 triệu tấn thôi. Họ đang không có nhu cầu và phải đẩy nguồn hàng đó đi.
Ngoài ra, gần đây xảy ra cuộc tranh chấp gay gắt giữa liên minh Châu Âu và thép của Trung Quốc nhưng không giải quyết được. Vì vậy trong bối cảnh đó việc chuyển sang các mục đích khác cần cân nhắc xem có đạt được hiệu quả không”, TS Doanh nhấn mạnh.
Ưu tiên “Mua đứt bán đoạn”
Cùng đưa ra đánh giá, TS Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng, cùng với vinalines, vinashin, dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên là một công trình kém hiệu quả nhất xét cả ở khía cạnh thi công lẫn nguồn vốn đầu tư.
“Dự án đội vốn lên gấp hơn 2 lần từ 3.800 tỷ đồng lên hơn 8.000 tỷ đồng. Nếu chúng ta vẫn làm theo kiểu chiếu cố, ưu tiên cộng đi trừ lại thì có khi còn hơn nhiều nữa.
Thứ hai là tiến độ thi công cũng rất trì trệ và chậm chạp. Đặc biệt, nó lại rơi vào đối tác Trung Quốc mà họ cũng có nhiều công trình chậm tiến độ như đường sắt trên không Cát Linh – Hà Đông cho chúng ta một bài học.
Hơn nữa, 10 năm nay dự án không tiến triển là bao, lãng phí và tiêu tốn rất nhiều tiền của, thời gian quá lâu, hiệu quả kém. Việc tìm phương án để giải quyết triệt để vấn đề là cần thiết lúc này. Nếu chúng ta còn chần chừ, không giải quyết thì thiệt hại sẽ nặng nề hơn nữa”, TS Kiêm nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, nếu quyết định dừng dự án vào thời điểm này, chúng ta sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Vì thế, lựa chọn tốt nhất và có tính khả thi nhất vào lúc này là ưu tiên bán cho các doanh nghiệp ở trong nước và ngoài nước có điều kiện.
“Xét về mức độ khả thi thì việc bán TISCO sẽ mang lại nhiều lợi ích nhất. Chúng ta vừa thu hồi được vốn vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đóng góp hiệu quả hơn.
Còn góp vốn thì sẽ rất khó khăn vì nhà nước ta đang bội chi ngân sách, nợ công cao. Thứ hai là đơn vị trong nước
Đối với doanh nghiệp nước ngoài thì hiện nay hệ thống luật lệ, cách quản lý của chúng ta, hành chính của chúng ta nó còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được theo nhu cầu cho nên họ rất ngại đầu tư vào. Ngoài ra đầu tư thép dài hạn cũng đang bão hòa, không phải hấp dẫn với họ lắm.
Vì thế tôi cho rằng phương án “mua đứt bán đoạn” hoặc trao cho doanh nghiệp nước ngoài thì tốt hơn góp cổ phần”, TS Kiêm so sánh.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhận định, khi chúng ta đưa ra phương án bán TISCO, chắc chắn sẽ có doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả thì cần phải chú ý đến các yêu cầu kèm theo, thỏa thuận hợp đồng cũng như những lợi ích mà doanh nghiệp sẽ được hưởng.
Chuyển hướng khi thị trường thép bão hòa
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng cả 3 phương án được đưa ra nhằm giải cứu TISCO đều có những điểm mạnh và hạn chế nhất định, cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, phương án bán dự án là tốt nhất, nhưng có ai mua không, đó là vấn đề.
“Một dự án quá lớn (9 ngàn tỷ) tôi không tin rằng phương án này có thể thực hiện được. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu thép trên thị trường thế giới mới chỉ tiêu thụ được 70% so với công suất các nhà máy thép trên thế giới. Do đó, khó tìm được người mua dự án.
Phương án kêu gọi đầu tư cũng là phương án tốt cho chúng ta, nhưng nếu khẳng định dự án chi phí lên đến 9 ngàn tỷ không còn hiệu quả nữa, thì không có nhà đầu tư này thấy lỗ trước mắt như vậy mà đầu tư nào. Liệu họ có hy vọng biến lỗ thành lời được không. Do đó tình khả thi của dự án này lại rất thấp.
Phương án bán TISCO, đây là phương án không tốt nhưng có tính khả thi. Trong khi quản lý không hiệu quả thì cần phải thay đổi sở hữu, chủ sở hữu mới sẽ có phương án giải quyết . Không thể duy trì doanh nghiệp không hiệu quả gây tổn hại cho ngân sách nhà nước”, PGS.TS Ngãi phân tích.
Từ những tồn tại trên, vị chuyên gia cho rằng, chúng ta nên xem xét chuyển hướng kinh doanh đối với TISCO, từ thép xây dựng sang các loại thép cho lĩnh vực kinh tế biển, quốc phòng để có thêm thị trường.
“Khi dự án chưa ra sản phẩm, thị trường thay đổi, sản phẩm dự án không còn phù hợp và không có khả năng cạnh tranh trên thị trường thì cần phải thay đổi ngay sản phẩm. Do đó cần đánh giá lại thị trường các sản phẩm trên, nếu hiệu quả thì tiếp tục và đầu tư nhanh để ra sản phẩm.
Sau khi đánh giá lại, nếu không có hướng giải quyết thì nên dừng dự án, chấm dứt đầu tư, nếu không còn tốn kém còn lớn hơn”, PGS.TS Ngãi chỉ rõ.