Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ - “bậc thầy” trong nghệ thuật chơi cờ vây

TQ – “bậc thầy” trong nghệ thuật chơi cờ vây

Xưa nay người Trung Quốc, (dân Việt Nam thường gọi họ bằng cái tên đơn giản: người Tàu) vốn rất thâm hiểm. Người Tàu thâm đến nỗi như một nhà văn Trung Quốc đã viết: họ cư xử với nhau “mát nước thối đá”. Cái kiểu “miệng nam mô bụng bồ dao găm”, “khẩu Phật tâm xà” vốn là lòng dạ của những người ăn ở hai lòng, lá mặt lá trái. Và khi kiểu ăn ở đó đã trở thành một chiến lược ngoại giao thì thật đau khổ cho những nước láng giềng.

Đấy là nói chung. Còn đối với những vấn đề trên Biển Đông hiện nay thì nhà cầm quyền Trung Quốc xứng đáng là bậc thầy của sự thâm hiểm. Họ bằng mọi cách để vơ của nhà khác vào nhà mình, như một tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “không kể mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”. Với tham vọng biển Đông, khu vực này ngày càng trở nên quan trọng trong chiến lược trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu nắm giữ được Biển Đông, Trung Quốc sẽ vượt ra sự “kiểm soát” của Mỹ và trở thành một cường quốc ngang ngửa Mỹ, thậm chí là vượt Mỹ như chính Bắc Kinh tuyên bố. Bởi tham vọng biển khiến Trung Quốc cần đến Biển Đông như cơ thể con người ô-xi, cần máu. Bằng cách nào để đọc chiếm biển Đông? Người Tàu ăn không ngon ngủ không yên. Và họ chọn cái cách nhằm mục đích “thôn tính” Biển Đông thì thật là thâm độc, thật là bỉ ổi, khiến lương tri nhân loại, nhất là các nước láng giềng nổi sóng.

        Nhớ lại sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5-2014, xâm phạm nghiêm trọng tới quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển này, cả thế giới đã từ ngạc nhiên đến bừng tỉnh. Trung Quốc đã thực hiện sách lược “bình tĩnh quan sát, lặng lẽ chờ thời, kiên quyết không đi đầu và giải quyết từng việc”,tạo nên sự lơ là, mất cảnh giác cho dư luận thế giới về tham vọng bành trướng lãnh thổ của mình trên đất liền, cũng như trên các vùng biển thuộc Biển Đông và Biển Hoa Đông.

        Với chủ thuyết “trỗi dậy bất thường”, Trung Quốc bày ra nhiều thủ đoạn nhằm chiếm Biển Đông. Điều này khác hoàn toàn với những tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông hồi đầu thế kỷ XX. Họ thực hiện tham vọng ở Biển Đông bằng mọi giá, kể cả việc sử dụng vũ lực. Họ tung hàng ngàn tàu cá ra các vùng biển thuộc ngư trường truyền thống của các nước hiện đang có tranh chấp, trong đó có ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Động thái này của Bắc Kinh nằm trong chiến lược “cải bắp” nhằm dân sự hóa các tranh chấp trên Biển Đông và nhằm tạo nên các lớp vỏ bao bọc các đảo mà nước này đang chiếm giữ trái phép.

        Thật không ngoa khi nói rằng, Trung Quốc đang tỏ ra là “bậc thầy” trong nghệ thuật chơi cờ vây. Trên biển Đông, họ đang tiến hành hàng loạt các hoạt động cho các quân cờ bao vây và tiến tới tiêu diệt đối phương. Bàn cờ vây của họ ngày càng dày đặc và vòng vây ngày càng hẹp lại đối với các nước hiện đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với nước này. Xây dựng, cải tạo bất hợp pháp nhiều đảo đá, trong đó chú ý là Trung Quốc không ngần ngại bộc lộ ý đồ xây dựng các căn cứ quân sự hỗ trợ cho các lực lượng nước này nhằm gia tăng thêm sức ép với các nước láng giềng và đẩy tình hình Biển Đông trước nhiều nguy cơ nổ ra xung đột quân sự.

          Tiếp tục chiến thuật “cờ vây”, mới đây, China Times ngày 15-5 đưa tin, truyền thông quân đội Trung Quốc đang đổ lỗi cho Mỹ “đứng sau thao túng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA” gây căng thẳng trên Biển Đông. Phán quyết của PCA được Bắc Kinh xem như thách thức lớn nhất mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Vì vậy, Bắc Kinh triển khai “xuất kích chiến lược” một cách chủ động trên tất cả các mặt dư luận, ngoại giao và quân sự để nhằm chống lại ảnh hưởng phán quyết của PCA trong vụ Philippines khởi kiện nước này. Tờ Quốc phòng Trung Quốc ngày 13-5 đăng bài xã luận: Quân đội Trung Quốc có năng lực đối phó với các sự kiện bất trắc ở Biển Đông. Bài xã luận cho rằng, trước khi chiến hạm Mỹ tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý đá Chữ Thập, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), hải quân Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, điều này cho thấy hải quân Trung Quốc có khả năng “đề phòng bất trắc”. Cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc có sự tham gia của nhiều chiến hạm chủ lực, bao gồm các loại vũ khí chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, phòng không và lực lượng đặc nhiệm đổ bộ. 

Đồng thời, cuộc tập trận cũng triển khai các khoa mục phối hợp hải quân, không quân với lực lượng đồn trú (bất hợp pháp) trên các đảo nhân tạo diễn tập phòng thủ. Nếu đối phương đổ bộ tấn công đảo nhân tạo, không quân Trung Quốc sẽ xuất kích đầu tiên. Tiếp theo sẽ là lực lượng tàu ngầm tấn công và lực lượng đặc nhiệm. China Times nhận định, Trung Quốc đang phát đi tín hiệu đến “các nước liên quan” rằng, Bắc Kinh sẽ quyết bảo vệ yêu sách bành trướng của mình ở Biển Đông đến cùng.

 Theo TS. Alexander Vuving, “nếu thuật cờ vây trên đây là đúng, và nếu các đối thủ của Trung Quốc không có các biện pháp đối phó hiệu quả, Bắc Kinh sẽ trở thành vị chúa tể mới ở Biển Đông, và kết quả là một nước bá quyền mới ở Châu Á ra đời”. Đã đến lúc các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông không thể ngồi yên, mà hãy hành động khẩn cấp, cùng nhau tìm kiếm các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Có thể thấy rằng, hiện nay, những vấn đề phức tạp trên Biển Đông đã và đang trở thành chủ đề được nhiều nước quan tâm trên các diễn đàn chính trị thế giới. Tuy nhiên, nếu các nước hiện đang có tranh chấp với Trung Quốc, các nước và dư luận thế giới không có những hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn thì bàn cờ vây của Trung Quốc trên Biển Đông rất có thể sẽ thành công và khi đó nguy cơ về một cuộc chiến tranh khu vực, đặc biệt là chiến tranh trên biển là không thể tránh khỏi.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, có thể kiềm tỏa được tham vọng này của Bắc Kinh là vai trò mạnh mẽ hơn của ASEAN và sự thể hiện nhiều hơn của Mỹ và các nước lớn trên thế giới vào đảm bảo an ninh trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới này.

RELATED ARTICLES

Tin mới