Các lãnh đạo ASEAN sẽ “hỏi thẳng” Putin quan điểm về tình hình biển Đông và việc Nga có thể cung cấp cho Trung Quốc công nghệ để triển khai các nhà máy điện hạt nhân di động.
Hình ảnh mô phỏng một lò phản ứng hạt nhân trên biển ACPR50S của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN). Ảnh: CGN.
Thông tin trên được đưa ra trong một bài viết ngày 17/5 của nhà báo kỳ cựu Boris Pavlovich Vinogradov, tổng biên tập tạp chí “Thế giới đa cực”, về Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN ngày 19/5 tới đây tại Sochi (Nga).
Theo bài báo, ý tưởng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi đã được các nhà khoa học Mỹ, Liên Xô, CHLB Đức đưa ra và bước đầu thực hiện từ giữa thế kỷ XX.
Nhà báo Vinogradov chỉ rõ hiện nay Bắc Kinh đã quyết tâm biến giấc mơ xa xưa trở thành hiện thực, nhưng không phải đâu đó trên đất liền, mà ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thông tin do chính phía Trung Quốc đưa ra đã ngay lập tức làm các quốc gia châu Á lo ngại và dấy lên làn sóng phản đối.
Thảm họa được báo trước
Các nước ASEAN cho rằng việc bố trí các nhà máy điện hạt nhân nổi (một cách phi pháp-PV) tại biển Đông sẽ phá vỡ tình hình ổn định, an ninh và thay đổi triệt để tình hình địa chính trị trong khu vực.
Thứ nhất, các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ là mục tiêu rõ ràng cho khủng bố. Thứ hai, khi xảy ra xung đột vũ trang, các nhà máy này sẽ là quả bom hạt nhân có thể nổ bất cứ khi nào.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng chỉ rõ biển Đông là nơi có tình hình khí hậu khá bất thường. Trên Trái đất, có 2 khu vực được coi là ổ phát sinh bão có cường độ phá hủy khủng khiếp. Đó là vùng biển Caribbean ở Tây bán cầu và vùng biển Philippines ở Đông bán cầu.
Ở Đông bán cầu, bắt đầu mùa mưa, từ tháng Tư đến tháng Mười, các cơn bão quét dọc từ vùng biển Việt Nam đến tận Kamchatka. Và hiện nay, khi mà gió từ đại dương thổi vào lục địa, mũi tên của “phong vũ biểu chính trị” đang chỉ vào mức “bão”.
Các nhà khoa học hạt nhân cũng cảnh báo, với mức nguy hiểm của các cơn bão, các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ tiềm tàng những nguy cơ chết người.
Trong trường hợp nguyên liệu hạt nhân bị rò rỉ xuống đáy biển sẽ gây ô nhiễm một vùng biển rộng lớn.
Một phần chất phóng xạ sẽ xâm nhập vào khí quyển, số còn lại sẽ làm ô nhiễm vùng biển đến hàng nghìn kilomet.
Và hậu quả thế nào, hẳn ai cũng biết. Khi đó, vụ rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản chỉ là “con muỗi” so với thảm họa này.
Theo nguồn tin từ phía Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên dự kiến hạ thủy vào năm 2018.
Tham gia vào dự án này là Công ty Bohai Shipbuilding Heavy Industry Company (BSHIC) và Viện “719” (thành phố Vũ Hán).
Đồng thời, công việc chế tạo các giàn nổi và các lò phản ứng hạt nhân loại nhỏ ACPR50S đang được tiến hành ở đảo Hải Nam và Thâm Quyến. Các công việc này dự kiến hoàn tất vào năm 2020.
Vai trò của Nga đến đâu?
Nhà báo Boris Vinogradov cho biết nhà máy đóng tàu Baltich ở Saint Peterburg của Nga sắp hoàn tất việc đóng nhà máy điện hạt nhân nổi “Viện sĩ Lomonosov”, được trang bị các lò phản ứng KLT-40C, công suất có thể đảm bảo cung cấp điện cho thành phố 200.000 dân.
Việc hạ thủy Nhà máy “Viện sĩ Lomonosov” được dời đi dời lại nhiều lần. Theo kế hoạch, nó được hạ thủy vào tháng 6/2010.
Tuy nhiên, cách đây không lâu, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin lại tuyên bố “Viện sĩ Lomonosov” sẽ được lai dắt đến điểm đỗ tại Pevek (Nhà máy điện hạt nhân Chukotka) vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, sau đó phía Nga lại dời kế hoạch này sang tháng 10/ 2017.
Nói về “sự quan tâm” của Trung Quốc đến công nghệ chế tạo nhà máy điện hạt nhân nổi, Phó thủ tướng Dmitry Rogozin cho biết:
“Nhiều nước quan tâm đến công nghệ này, trong đó có các đồng nghiệp Trung Quốc của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ suy nghĩ một cách nghiêm túc sẽ chuyển giao công nghệ bằng cách nào, hay đơn thuần chỉ là trao đổi các thỏa thuận về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
Tác giả Vinogradov cho biết tuyên bố của Phó thủ tướng Nga đã làm dấy lên sự lo ngại của các nước đang đấu tranh với sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông.
Đây là vùng biển có nhiều nguồn lợi hải sản, có nhiều mỏ dầu khí và các khoáng sản khác.
Tuyên bố lấp lửng về việc Nga có thể chia sẻ công nghệ với Trung Quốc quả thực đã làm cho “các con hổ châu Á” bị sốc, ông Vinogradov bình luận.
Vẫn còn nóng hổi những việc làm ngang ngược của Trung Quốc khi bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp, xây dựng trái phép các sân bay, hải đăng, các trạm radar, doanh trại quân đội, cầu tàu và neo đậu các tàu chiến ở đó.
Các chuyên gia quân sự cũng chỉ rõ Trung Quốc đang mở rộng tầm kiểm soát quân sự và theo dõi tàu ngầm trên biển Đông, nơi 1/3 lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa toàn cầu phải đi qua nơi này.
Phương Tây cũng bày tỏ mối quan tâm đến tình hình biển Đông và đã đưa vấn đề này vào Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ nhóm họp vào cuối tháng 5 này tại Nhật Bản, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến thăm Việt Nam (22-25/5).
Tổng biên tập tạp chí “Thế giới đa cực” Boris Vinogradov kết luận:
“Trong tình huống này, các nước ASEAN đang nhìn về Nga và đặt câu hỏi, vì sao Nga-một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lại có một “lập trường thận trọng” như thế.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN ở Sochi vào ngày 19/5 tới, họ dự định sẽ “hỏi thẳng” Tổng thống Vladimir Putin và yêu cầu bình luận rõ ràng hơn về tình hình biển Đông nói chung và việc cung cấp các nhà máy điện hạt nhân nổi (cho Trung Quốc), nói riêng”.