Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinSiêu dự án sông Hồng: Cơ hội cho hàng hóa Trung Quốc?

Siêu dự án sông Hồng: Cơ hội cho hàng hóa Trung Quốc?

“Hàng hoá Trung Quốc, mà phần lớn là hàng rẻ tiền, chất lượng thấp và độc hại đến Việt Nam dễ dàng hơn”.

Kiến nghị loại bỏ đề xuất siêu dự án sông Hồng

Không nằm trong quy hoạch

Trước thông tin Thủ tướng Chính phủ có văn bản nêu rõ chưa xem xét phê duyệt dự án tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng, ngày 11/5, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã nêu ý kiến kiến nghị Chính phủ loại bỏ hẳn đề xuất dự án này, không yêu cầu làm bổ sung quy hoạch để tránh tốn kém không cần thiết cũng như bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên của dòng sông Hồng cho các thế hệ mai sau.

Trao đổi với chúng tôi, ngày 16/5, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình ủng hộ với đề xuất và kiến nghị của VRN.

Dự án Thuỷ lộ Xuyên Á, kết hợp với thuỷ điện, trên sông Hồng thuộc địa phận Việt Nam của Công ty TNHH Xuân Thiện chỉ mới là ý tưởng mang tính phác hoạ, nhưng đã nhận được quá nhiều sự phản đối từ phía các nhà khoa học”.

Riêng bản thân ông Tuấn cho rằng, về mặt pháp lý, đây là một dự án không nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013.

Ngoài ra, trong Quy hoạch điện VII của Bộ Công Thương cũng không đề cập gì việc xây dựng 6 đập thuỷ điện như dự án đề xuất. Nếu tiếp tục rà soát các quy hoạch ngành hoặc quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp vùng và cấp tỉnh thì đều không có những hạng mục mà dự án đã đưa ra.

Khi chưa vượt qua hàng rào pháp lý, kể cả những điều khoản Luật lệ như Luật Tài nguyên Nước, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Phòng Chống Thiên tai, Luật Đa dạng Sinh học, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa,… thì khó có thể bàn đến các yếu tố khác. Dự án có thể làm phá vỡ các quy hoạch được phê duyệt, các dự án đã dự kiến.

Về cơ chế quản lý và sở hữu, câu hỏi ban đầu là Chính phủ có thể giao việc sở hữu (theo hình thức BOO) cả một đoạn sông dài của vùng đồng bằng, bao trọn thủ đô quốc gia, cho một Công ty tư nhân?.

Nếu có, đây sẽ là một ngoại lệ chưa từng có ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới: giao một tài nguyên sông ngòi vốn là sở hữu chung của hàng chục triệu người dân cho một cá thể doanh nghiệp?

Nếu doanh nghiệp thua lỗ hoặc thay đổi mục tiêu kinh doanh, theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, họ có quyền bán tài sản này hoặc nhượng quyền sở hữu, quyền khai thác cho đối tác hay một liên doanh khác nào đó, kể cả người nước ngoài được không?

Về mặt kinh tế, đây là một dự án kinh doanh, có vốn đầu tư lớn, bản thân Công ty Xuân Thiện cũng không có đủ vốn cho các công việc xây dựng ban đầu, phải huy động vốn từ nhiều phía (hơn 70%).

An toàn về tài chính trong dự án này ở đâu? Ở đây đặt thêm câu hỏi, khi triển khai và vận hành, lợi nhuận sẽ đổ vào túi ai và rủi ro sẽ rơi vào nhóm người nào? Dễ trả lời nhất là lợi nhuận lớn nhất trong tính toán ban đầu phải đi vào túi của nhà đầu tư, sau đó sẽ đóng một phần thuế cho Nhà nước.

Phần thuế chắc hẳn ít hơn phần lợi nhuận ròng. Công suất phát điện của 6 nhà máy thuỷ điện theo dự án không đáng kể so với tổng nhu cầu điện quốc gia vì cột nước thấp nhưng hệ luỵ thì lớn.

Đến nay vẫn chưa có một phân tích chi phí – lợi ích (CBA) và tỷ suất hoàn vốn rõ rệt nào. Ngoài ra, dòng sông vốn là nơi đi lại bình thường cho tàu thuyền các tỉnh nay sẽ là những “trạm thu phí” đường thuỷ song song với hàng chục trạm thu phí đường bộ.

Ảnh hưởng hàng triệu nông dân trong lưu vực sông Hồng

Cảnh báo thêm về tác động môi trường, theo ông Tuấn, việc nạo vét, mở rộng và ngăn chặn dòng sông chắc chắc sẽ làm thay đổi chế độ và quy luật tự nhiên thuỷ văn của sông Hồng.

Phụ họa những tác hại từ các dự án thuỷ điện đã có, dòng sông sẽ thành chuỗi các hồ nước, bậc nước và chảy theo những kiểm soát nhân tạo, lượng phù sa và các vật liệu trầm tích sẽ bị giữ lại ở các hồ chứa, đường di chuyển của tôm cá sẽ bị hạn chế và tạo ra những đảo lộn lớn về các hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn và đặc điểm đa dạng sinh học khu vực, sạt lở về hạ lưu vùng châu thổ sẽ gia tăng.

Đáy sông Hồng từ hàng trăm nay là các lớp trầm tích đã tích luỹ nhiều chất độc hại như asenic và các kim loại nặng khác. Khi nạo vét sẽ xử lý ra sao, bán hoặc đổ đi đâu? Chất lượng nước do những hệ luỵ gián tiếp sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực. Để có thể đánh giá hết các hệ luỵ này, cần phải một thời gian dài, không dưới 5 năm.

Ông Tuấn đưa ra cảnh báo: “Dự án sẽ không dừng lại ở việc khoảng 600 hộ bị di dời nơi ở mà còn ảnh hưởng hàng triệu nông dân vùng lưu vực sông Hồng đang canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ven biển.

Khả năng làm sút giảm năng suất và sản xuất nông lâm thuỷ sản có thể là đáng kể nếu xem xét một thời gian dài, giống như bài học ở các lưu vực miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Các xáo trộn về xã hội như gia tăng nghèo đói, chênh lệch giàu – nghèo, bất công trong sở hữu tài nguyên quốc gia, xung đột nguồn nước, di dân tự phát và bất ổn xã hội, cũng như chính trị, thường đến từ những chính sách bất cập và các “siêu dự án” như vậy”.

Cảnh báo tiếp về mặt an ninh quốc gia, theo ông Tuấn, việc mở một thuỷ lộ thông thoáng dễ dàng nối vùng biên giới Việt – Trung từ Vân Nam ra đến biển, đi qua Hà Nội liệu là một điểm hở về an toàn hàng hoá và an ninh quốc phòng hay không?.

“Hàng hoá Trung Quốc, mà phần lớn là hàng rẻ tiền, chất lượng thấp và độc hại đến Việt Nam dễ dàng hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi, Công ty Xuân Thiện dù có một giá trị tài chính lớn nhưng không thể đủ nhiều để có thể đủ sức chi trả những thiệt hại hay rủi ro môi trường trong vận hành, ví dụ như tai nạn tàu thuyền chở hoá chất độc hại trên sông.

Theo trang web tự giới thiệu, Công ty này chỉ mới thực hiện một số dự án đơn lẻ, chưa có kinh nghiệm điều hành những công trình lớn mang tính liên hoàn như chuỗi các đập thuỷ điện, chuỗi các tuyến thuỷ lộ và thuỷ cảng. Công ty cũng chưa có những chứng minh khả năng ứng phó nhanh các thảm hoạ sinh thái.

Cuối cùng, ông Tuấn đặt câu hỏi: “Nếu những hệ luỵ xấu từ dự án này thì liệu trách nhiệm thuộc ai?”.

RELATED ARTICLES

Tin mới