Wednesday, December 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLào cần tỉnh táo để không trở thành con cờ tiếp theo...

Lào cần tỉnh táo để không trở thành con cờ tiếp theo trong tay Trung Quốc

Động thái chiêu dụ Lào, nước Chủ tịch ASEAN 2016, của Trung Quốc chỉ là một trong những bước đi nước rút gần đây nhất của một Trung Quốc bất chấp dư luận, ngang nhiên chia rẽ ASEAN nhằm hiện thực hóa các âm mưu đen tối của nước này về vấn đề Biển Đông. Lào chính là một trong số ba nước ASEAN gồm Lào, Campuchia và Bruneimà Trung Quốc nhanh nhảu “khoe khoang” là đã đứng về phía mình theo thoả thuận 4 bên “vừa đạt được”, dù các nước này chưa hề tuyên bố công khai ủng hộ. Trung Quốc đang ráo riết lôi kéo nhằm giành được sự ủng hộ về mặt ngoại giao của một trong những con tốt quan trọng nhất trong ván cờ Biển Đông năm 2016 trước khi những tác động bất lợi của phán quyết vụ kiện toà trọng tài chạm tới những hành động ngang ngược, khiêu khích của mình trên Biển Đông.Liệu ASEAN có phải chứng kiến thêm một lần nữalịch sử chia rẽ khối ASEAN được lặp lại kể từ lần đầu tiên vào năm 2012?

Chủ tịch CHDCND Lào Bounnhang Vorachit và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Nguồn: Xinhua)

Những sức ép Trung Quốc đang đặt lên Lào hiện nay

Trang Tân Hoa Xã ngày 4/5 cho biết sau cuộc gặp từ 3 – 5/5, Trung Quốc và Lào đã đạt được một loạt thoả thuận hợp tác, nhất trí về nhiều vấn đề khu vực, quốc tế, những vấn đề hai bên có cùng lợi ích, đồng thời thúc đẩy hợp tác phát triển, phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại khu vực cũng như các lĩnh vực như đầu tư và xây dựng năng lực hợp tác. Trung Quốc cũng ủng hộ Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay.

Tờ Hoàn cầu nhận định, chuyến thăm của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounhang Vorachit đến Bắc Kinh ngày 3/5/2016, trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, là “cơ hội tốt” để hạn chế, giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có lên quan hệ ASEAN – Trung Quốcvà giúp Trung Quốc có được sự ủng hộ từ các nước thành viên ASEAN khác. Phải chăng đây là cách thức Trung Quốc sử dụng để ngăn chặn việc ASEAN gây áp lực lên Trung Quốc,yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông sắp được đưa ra, vàthông qua Lào gây sức ép đến các nước thành viên ASEAN?

Các chuyên gia Trung Quốc ngang nhiên cho rằng nhìn vào tư cách Chủ tịch ASEAN năm nay và vai trò đặc biệt quan trọng của Lào trong các diễn đàn điều phối, Trung Quốc sẽ “thuyết phục” nhóm này (ASEAN) không đưa ra tuyên bố chống lại Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Theo ông Zhuang Guotu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Hạ Môn, giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó có Lào, có rất nhiều dự án kinh tế và việc Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Lào cũng sẽ giúp loại bỏ những hiểu nhầm giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp, giảm thiểu căng thẳng trong khu vực.

Một chuyên gia khác của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Gu Xiaosong, nhận định “Lào đang nỗ lực tìm cách cân bằng giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Lào cũng sẽ cố gắng duy trì sự cân bằng khi theo đuổi lợi ích quốc gia, mặc dù Lào và Việt Nam có quan hệ gần gũi”. Ông này còn nói thêm, trong số 10 nước thành viên ASEAN chỉ có 4 nước thành viên là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei có những tuyên bố chủ quyền với các thực thể chồng lấn với Trung Quốc chưa được giải quyết. Lào không có tuyên bố chủ quyền với các thực thể ở Biển Đông, không có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông nên Trung Quốc cũng kỳ vọng sẽ không có bất đồng trong quan điểm về vấn đề Biển Đông với Lào.

Nhằm vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với quan điểm “3 không” của Trung Quốc trong bối cảnh Phán quyết Tòa trọng tài quốc tế sắp tới có thể bất lợi cho Trung Quốc,Gu Xiaosong thậm chí còn ngang ngược phát biểu “hiển nhiên là Trung Quốc có thể tiến hành chiến dịch ngoại giao”. Nhiều học giả Trung Quốc cũng có quan điểm lấp liếm tương tự. Wang Hanling, một chuyên gia từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói có những cáo buộc, và ngay chính vụ kiện Trọng tài, đang chống lại Trung Quốc, “Trung Quốc đang bị những toan tính do Mỹ khởi động xoay quanh tranh chấp Biển Đông và Bắc Kinh có đầy đủ lý do để đáp trả”. Chen Xiangmiao, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Biển Đông Quốc gia bào chữa: “Không nên đổ lỗi Trung Quốc chia rẽ ASEAN vì các nước thành viên của tổ chức này vốn đã bất đồng về vấn đề Biển Đông. Trừ Philippines và Việt Nam, là hai nước tranh chấp “cứng rắn” nhất, thì hầu hết các nước thành viên ASEAN đều có khuynh hướng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và hợp tác”. Đánh giá này dường như là nhằm đáp trả hai nhà ngoại giao cấp cao của Singapore tại Jakarta khi những người này phê phán các động thái ngoại giao của Trung Quốc vừa qua là “can thiệp” vào công việc nội bộ của ASEAN, và “có thể được xem là phương thức nhằm chia rẽ ASEAN trước khi phán quyết trọng tài được đưa ra”.Chen nói thêm, Philippines đang nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông vào các hội nghị cấp cao của ASEAN nhằm ra sức kiềm chế Trung Quốc, nhưng những nỗ lực này là vô ích, vì các nước thành viên đều nhận thức được rằng điều này sẽ gây tổn hại đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN và đe dọa sự phát triển của khu vực. Chen còn nói, nếu tình hình Biển Đông xấu đi, điều này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc về lâu về dài, cụ thể là quan hệ hợp tác kinh tế thương mại đã được hình thành một cách tốt đẹp.

Tuy nhiên, theo thông tin đăng tải trên trang VOA, nhiều quan chức của các nước ASEAN đã cảnh báo Lào về việc phụ thuộc về tài chính một cách không lành mạnh vào Trung Quốc, khi ảnh hưởng của Trung Quốc lên Lào đang ngày càng gia tăng với các dự án thương mại và đầu tư đang được mở rộng. Trung Quốc tìm mọi cách tác động đến sự gắn kết, nhất trí của ASEAN, gót chân Asin của chính trị khu vực. Nhiều nhà chuyên gia, phân tích đã chứng mình rằng, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là công cụ của Bắc Kinh nhằm “gây chia rẽ ASEAN giữa Đông Nam Á lục địa và biển”, khiến một số nước ASEAN đã phải cảnh báo các nước thành viên khác “phải cẩn trọng và không bị quyến rũ bởi “khối của cải lớn” của Trung Quốc”. Tuy nhiên, khi xem xét và đặt trong bối cảnh cụ thể, trật tự đa cực hiện nay đã và đang thúc đẩy kinh tế thế giới, khu vực vận động mạnh mẽ, các quốc gia đang tự tạo ra nhiều móc nối, mắt xích hợp tác và điều phối, phụ thuộc lẫn nhau thay vì chịu sự chi phối của một hay một số quốc gia vượt trội về tiềm lực, những cái gọi là sự “cám dỗ từ Trung Quốc” có lẽ không còn phù hợp. Sự thật không phải là Philippines mà chính là Trung Quốc đang đe dọa đến mối quan hệ giữa nước này với ASEAN, lấy kinh tế, ngoại giao để dọa nạt, cưỡng ép các nước nhỏ trong khối, không từ bất cứ thủ đoạn từ mềm đến rắn để làm suy yếu sự đoàn kết, nhất trí mà ASEAN đã nỗ lực xây dựng trong suốt thời gian vừa qua.

Về mối quan hệ với Việt Nam, ông Bounhang Vorachith, người vừa mới được bầu làm Chủ tịch nước của Lào ngày 20/4, đã có chuyến viếng thăm chính thức đến Việt Nam từ ngày 25 – 27/4. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ông Bounhang Vorachith viếng thăm kể từ khi nhậm chức. Chuyến viếng thăm không chỉ có ý nghĩa làm sâu sắc thêm quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Lào mà còn có vai trò quan trọng đối với tranh chấp Biển Đông.Trang Channel News Asia trích lời Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách đối ngoại Việt Nam cho rằng Chủ tịch nước Lào Bounhang Vorachit vốn có quan hệ thân tình với Việt Nam, điều này sẽ góp phần cân bằng quan hệ của nước này với Trung Quốc. Ông Bounhang Vorachith đến thăm Việt Nam ngay sau ngày Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố đã đạt được đồng thuận 4 điểm với Campuchia, Lào, Brunei về việc giải quyết tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc, thay vì thông qua nhóm để quan hệ giữa ASEAN – Trung Quốc không bị ảnh hưởng. Theo đó, Trung Quốc đưa ra thông tin là ba nước Lào, Campuchia, Brunei đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết các bất đồng ở Biển Đông thông qua đàm phán và thỏa thuận giữa các bên có yêu sách trực tiếp trong vấn đề này vàbốn nước đã thông qua một bản “đồng thuận 4 điểm” trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị. Tuy nhiên, “đồng thuận” này bị chỉ trích một cách mạnh mẽ là đã phá vỡ sự gắn kết và nhất trí trong ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Tại một cuộc họp định kỳ của nhóm các Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN hồi tháng 2 tại Lào, ASEAN đã ra tuyên bố khẳng định “Các Ngoại trưởng đặc biệt quan ngại về những diễn biến gần đây và những diễn biến đang xảy ra”. Các nước ASEAN nhấn mạnh,các hoạt động đang leo thang và hoạt động bồi lấp đang làm gia tăng căng thẳng, gây phương hại đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực. Các dự án cải tạo đảo quy mô lớn và sự quyết đoán ngày một tăng cao của Trung Quốc trên Biển Đông được xem là đã gây nên làn sóng “dè chừng” trong khu vực và theo các nhà quan sát, đây chính là điều thúc đẩy các nước ASEAN phải cẩn trọng trước khi khẳng định lập trường ủng hộ Trung Quốc một cách công khai.

Lào đang phải gánh vác nhiệm vụ khá phức tạp với vai tròChủ tịch ASEAN năm 2016, đó là thống nhất lại lập trường chung về vấn đề Biển Đông. Một chính khách phương Tây ở Lào đã nói rằng “Đáng ra Lào sẽ không phải giải quyết một vấn đề quá nhức nhối như vấn đề Biển Đông”. Tuy nhiên, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao đã trấn an dư luận bằng một tuyên bố với hãng thông tấn Reuters “Chúng tôi là bạn bè gần gũi với Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi sẽ giải quyết các vấn đề một cách hữu nghị, tình thế của chúng tôi đang là ở giữa, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng gì”.

Trung Quốc có đang tiếp tục nhúng tay vào các tuyên bố chung của ASEAN?

Theo BBC ngày 13/7/2012, các nước Đông Nam Á đã không đạt được thỏa thuận về cách thức đối phó với các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm ASEAN (vào thời điểm đó), mặc dù trước đó ASEAN đã thông qua các thành tố quan trọng của một bộ quy tắc ứng xử về các vấn đề trên biển. Khi đó, Philippines và Việt Nam mong muốn ASEAN kêu gọi Trung Quốc thay đổi lập trường giải quyết tranh chấp chỉ thông qua các kênh song phương, đồng thời cũng kỳ vọng các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vào tuyên bố chung của ASEAN. Philippines hy vọng tuyên bố chung sẽ phản ánh việc các Bộ trưởng sẽ thảo luận về cuộc đụng độ giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough; Việt Nam cũng mong muốn đề cập đến việc giải quyết tranh chấp liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Philippines đã cáo buộc Campuchia – một đồng minh thân cận của Trung Quốc – vì đã ngăn không đề cập chút nào đến tranh chấp Biển Đông.

Tuy nhiên, bài viết “Trung Quốc thừa nhận có nhúng tay vào chương trình nghị sự ASEAN tại Phnom Penh” của Ernest Z. Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS ngày 20/7/2012 cho biết, liên tục sau khi xem xét bản dự thảo Tuyên bố chung, Hor Nam Hong đã “tham vấn” với một số chuyên gia bên ngoài phòng họp và khi trở lại đã từ chối đưabãi cạn Scarborough và tranh chấp EEZ vào Tuyên bố chung, dù các bên đã nỗ lực rất nhiều để đi đến thỏa thuận. Ông Hong giải thích, do đó là các vấn đề song phương nên không thể đưa vào Tuyên bố chung của ASEAN được. Đáng lưu ý, các báo cáo về sau có nói rằng các quan chức Campuchia đã hé lộ dự thảo của bản Tuyên bố chung với các nhà đối thoại Trung Quốc. Có nhiều ý kiến cho rằng thông tin này bắt nguồn từ Trung Quốc.

Trước khi diễn ra các cuộc họp của ASEAN, Trung Quốc đã tạo sức ép rất lớn đối với hầu hết các nước ASEAN, nhất là Campuchia, nhằm ngăn cản việc đưa tranh chấp Biển Đông vào diễn đàn ARF, liên tiếp khẳng định chỉ giải quyết vấn đề Biển Đông theo con đường song phương và không muốn đưa ra thảo luận tại các diễn đàn đa phương. Đáng hổ thẹn thay, Trung Quốc dường như đã sử dụng sức mạnh kinh tế lớn mạnh của mình để cưỡng ép đồng minh thân cận Campuchia đưa ra quan điểm bất thường, đi ngược lại mong đợi của các nước láng giềng ASEAN về một trong những mối quan ngại an ninh quan trọng nhất đối với khối và các thành viên trong khối. Bài viết còn dự báo chính xác tình hình trong những năm tiếp sau đó khi nhận định rằng Trung Quốc vẫn sẽ tập trung vào các nước chủ tịch “tiếp theo” của ASEAN. Thất bại của ASEAN không dừng lại ở sự kiện Tuyên bố chung năm 2012. Do sự can thiệp của Trung Quốc, cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng hồi tháng 11 năm ngoái tại Malaysia cũng đã không thể đưa ra Tuyên bố chung để đề cập đến các hành động quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đã “vận động hành lang” để đạt được mục đích của mình.

Thử thách đối với nước Chủ tịch nói riêng và sự đồng thuận trong khối ASEAN nói chung

Cho đến nay, dư luận quốc tế vẫn tiếp tục nêu ra nhiều bình luận, trích dẫn về thất bại đáng hổ thẹn của ASEAN qua sự kiện năm 2012 như một bằng chứng cho thấy sự “thiếu đoàn kết” của ASEAN. Điều này không thể phủ nhận song có nhiều lý do đang tồn tại để giải thích vì sao ASEAN chưa thể đi đến một lập trường thống nhất, trong đó có yếu tố chính gây cản trở sự gắn kết của ASEAN, đó là quan hệ song phương của từng nước ASEAN với Trung Quốc.

Tuy nhiên, không phải dễ dàng để Trung Quốc đạt được kỳ vọng của nước này. Nhưng thực tế là dù ASEAN đã từng có thất bại đầu tiên trong lịch sử trong việc đưa ra một thông cáo chung vào năm 2012 do những bất đồng về vấn đề Biển Đông, không có nghĩa là vấn đề Biển Đông không phải là mối quan tâm hàng đầu của ASEAN, hay tổ chức này không có hiệu quả. Đánh giá chung đều cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài sẽ giúp gắn kết các nước ASEAN và khiến các nước này có trách nhiệm hơn về vấn đề Biển Đông.

Ngay cả khi các nước ASEAN bất đồng về cách tiếp cận về giải quyết tranh chấp Biển Đông, việc ASEAN đã có ký kết DOC với Trung Quốc và đàm phán, tiến tới thực hiện COC cho thấy các nước ASEAN vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn, vốn xuất phát từ sự phản kháng của Trung Quốc, chứ không phải là sự mất đoàn kết của ASEAN.

Thêm vào đó, những tuyên bố gần đây cho thấy ASEAN đã có chuyển biến tích cực và “đoàn kết” được cải thiện rõ ràng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, ít nhất là về các mối quan ngại trước hành vi của Trung Quốc đang gây xói mòn lòng tin, sự tín nhiệm và có thể làm suy yếu nền hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực như đã nêu trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN lần thứ 26 sau Hội nghị thượng đỉnh Malaysia tháng 4/2015. Những tuyên bố đang mang tính gắn kết, nhất trí nhiều hơn, rõ ràng hơn là dấu hiệu tốt, đem lại cơ sở để thống nhất quan điểm dù chưa có một lập trường chung thống nhất.

Như Hiến chương đã đề ra, sự định hình ASEAN là một cộng đồng sẽ khiến vấn đề Biển Đông được các nước trong nhóm giải quyết một cách thống nhất.

Bắc Kinh sẽ tiếp tục bị chỉ trích mạnh mẽ và phản kháng quyết liệt, thậm chí còn hơn thời điểm 2012 khi gây áp lực lên Campuchia để ngăn việc đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung AMM.

Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ song phương với Lào, với kỳ vọng rằng việc thắt chặt quan hệ Trung Quốc – Lào sẽ làm suy yếu quan hệ Việt – Lào, góp phần kiềm chế các nước ASEANthông qua các hoạt động như tăng cường viện trợ quân sự, xúc tiến các dự án đầu tư nước ngoài…

Nếu bày tỏ lập trường ủng hộ Trung Quốc, đi ngược lại các lợi ích của ASEAN, Lào cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị cô lập. Sự ủng hộ có thể là giải pháp ứng phó với Trung Quốc trong ngắn hạn sẽ để lại hệ quả đặc biệt nghiêm trọng về dài hạn.

Lào trở thành trung tâm chú ý, vấn đề là liệu Viêng Chăn có thể thực hiện nghĩa vụ Chủ tịch ASEAN một cách khách quan mà không “khuất phục” trước đòi hỏi của Trung Quốc, vẫn có thể duy trì được tính gắn kết của ASEAN?

Lào cần tỉnh táo, hoàn thành trọng trách là Chủ tịch ASEAN năm 2016, giữ vững lập trường trước mọi chiêu bài, thủ đoạn nhằm vừa lôi kéo, vừa dụ dỗ Chiến lược chia để trị của Trung Quốcsẽ gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến một ASEAN suy yếu.

Các nước ASEAN, cũng như các nước có mối quan tâm lớn đối với sự phát triển của khối, nên sớm tìm cách giúp đỡ, ủng hộ Lào nhằm đảm bảo ASEAN là một tổ chức khu vực được xây dựng trên cơ sở lòng tin, ngăn chặn mọi nỗ lực bên ngoài nhằm phá hoại sự hợp tác khu vực chỉ để phục vụ cho lợi ích của riêng mình.

ASEAN cần hành động, bảo vệ vị trí trung tâm và vai trò chủ động của mình trong cấu trúc khu vực. Trung Quốc luôn biết rõ rằng điều này sẽ không có lợi cho Trung Quốc. Để trở thành một Cộng đồng thực sự, ASEAN sẽ tiếp tục phải đối mặt, phải tồn tại qua những thách thức rất lớn, mà phần lớn những thách thức chủ yếu nằm trong bên trong nội khối, chứ ít khi liên quan đến môi trường bên ngoài./.

RELATED ARTICLES

Tin mới