Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinMở kho 500 tấn vàng trong dân: Khó, không ai dám làm...

Mở kho 500 tấn vàng trong dân: Khó, không ai dám làm…

Trên thế giới, không có nước nào dám động vào vàng vì khi huy động vàng trong dân thì dễ nhưng để trả được dân là rất khó.

Ảnh minh họa.

Chưa nước nào dám động vào vàng

TS Phạm Đỗ Chí – nguyên chuyên viên cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho rằng, kiến nghị huy động vàng từ dân chúng để bán ra lấy tiền cho vay của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam là quá mạo hiểm vì khó đảm bảo được an toàn lượng tài sản khổng lồ trên.

TS Phạm Đỗ Chí cũng cho biết, ông không đồng tình với con số ước lượng 500 tấn vàng của Hiệp hội vàng VN. Theo dự tính của ông, khối lượng này có thể lên tới cả nghìn tấn. Số vàng 500 tấn chỉ là con số xuất – nhập, chưa tính số lượng vàng đã tích trữ trong dân từ nhiều năm nay. Số lượng thực tế phải lớn hơn nhiều.

Theo ông, trên thế giới, không có nước nào dám động vào vàng. Khi huy động vàng trong dân thì việc lo huy động 2-3% lãi suất trả cho dân là rất đơn giản. Song, vấn đề ông lo ngại là khi huy động nguồn lực rất lớn ấy, các cơ quan có trách nhiệm đã tính đến chuyện làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia?

“Chưa có nước nào dám động vào vàng như Việt Nam định làm. Ngay cả Mỹ cũng đứng ngoài thị trường phức tạp này. Khi giá vàng lên xuống, trồi sụt, nhà nước huy động vàng của dân bán lấy tiền Việt, đến khi dân chúng đòi thì lấy vàng đâu để trả? Nhất là khi vàng lên thì ngân hàng sẽ xử lý thế nào?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Theo ông, sự lao đao mới đây của vài cá nhân lãnh đạo ngân hàng trong việc bán khống một số vàng lớn đã đẩy họ vướng vào những món nợ khổng lồ cho chính cá nhân họ cũng như các ngân hàng của họ.

“Đó là bài học nhãn tiền cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong việc quản lý thị trường vàng tương lai”, vị chuyên gia nhấn mạnh. 

Để tránh rủi ro cho dân và ngân sách, vị chuyên gia cho biết vẫn nên để dân giữ vàng riêng như thói quen từ ngàn xưa. Trong trường hợp muốn can thiệp vào số lượng vàng khổng lồ của dân, theo ông nên cho lập sàn vàng để tìm giá thị trường.

“Tuyệt đối không để NHNN hay Hiệp hội kinh doanh vàng đứng ra thực hiện quyền huy động vàng, như vậy sẽ tạo nên sự độc quyền”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

 Không nên huy động vàng lúc này

Đồng tình với quan điểm trên, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định: “Không nên huy động vàng trong dân vào thời điểm này”.

Giải thích cho quan điểm của mình, vị chuyên gia cho biết, chủ trương huy động vàng cũng đã được thực hiện từ khoảng 5 năm trước, khi đó, quyền được huy động vàng được trao cho các NHTM đứng ra thực hiện, cụ thể là ngân hàng ACB, Ngân hàng Đông Á…

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, chủ trương trên đã bị biến tướng, gây thất thoát vốn, để lại nhiều tác động tiêu cực, gây mất niềm tin trong dân.

Để chữa cháy, chủ trương huy động vàng tiếp tục được mở ra theo hình thức mở ra những sàn chứng khoán, giao dịch qua tài khoản. Chủ trương này tiếp tục gặp những khó khăn, thất bại do trình độ quản lý yếu kém, không kiểm soát được ngồn vốn, gây thất thoát, mất tài sản của dân. Chủ trương huy động vàng trong dân sau đó đã bị dừng đồng thời buộc các ngân hàng thương mại phải hoàn lại cho dân.

“Huy động vàng đã thực hiện qua nhiều hình thức, tuy nhiên, giải pháp huy động vàng trong dân cho tới nay đều không đem lại hiệu quả, thậm chí còn phải chạy theo xử lý hậu quả rất phức tạp”, ông Kiêm nói.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia, giá vàng Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào giá vàng thế giới. Trong khi, giá vàng thế giới lên xuống lại phụ thuộc vào sản lượng khai thác hàng năm, cung – cầu trên thế giới.

“Giá vàng thế giới lên xuống cũng như các loại hàng hoá khác. Nó phụ thuộc vào ý đồ của một số quốc gia và nạn đầu cơ như Nga, Mỹ, Ấn Độ… sử dụng vàng làm phương tiện thao túng thị trường vàng, khiến vàng thế giới bị trồi, sụt thất thường. Việt Nam là nước nhỏ, gần như không có vàng dự trữ, nếu tham gia vào thị trường giao dịch vàng thế giới sẽ gần như rơi hoàn toàn vào thế bị động. Thậm chí có thể phải bù lỗ rất lớn, nếu cứ chạy theo thị trường vàng thế giới.

Vì vậy, tôi cho rằng, trong khi trình độ quản lý của chúng ta còn quá thấp, cơ chế chính sách lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, minh bạch, thì, ngay lúc này chưa phải là thời điểm chín muồi để thực hiện chủ trương huy động vàng”, ông Kiêm nói.

Theo vị chuyên gia, nếu muốn huy động được vàng trong dân, NHNN phải đứng ra thực hiện và phải đảm bảo những vấn đề sau:

Thứ nhất, phải đảm bảo an toàn và có lời cho dân khi gửi.

Thứ hai, phải có đội ngũ quản lý, kinh doanh tốt, ngoài việc quản lý, bảo toàn được nguồn vốn, đội ngũ này phải có trách nhiệm làm cho nó sinh sôi nảy nở.

Thứ ba, thể chế kinh doanh, thể chế quản lý phải chặt chẽ, minh bạch.

Vấn đề nữa, vị chuyên gia lo ngại là kế hoạch sử dụng nguồn lực trên thế nào cho hiệu quả. Ông đặt câu hỏi, sau khi huy động, các cơ quan quản lý sẽ sử dụng vàng thế nào? Đầu tư, kinh doanh gì…?”. Đó là bài toán nan giải cần được tính toán kỹ”, ông Kiêm nói.

“Bài học nhãn tiền chúng ta đã thấy, sự thất bại của các Ngân hàng thương mại chỉ cách đây khoảng 5 năm đã thấy rõ. Cụ thể là sự thất bại của Ngân hàng thương mại ACB bị lợi dụng và làm thất thoát tới 4000 lượng vàng sau khi huy động của dân hay Ngân hàng Đông Á cũng bị thất thoát lên tới mấy nghìn lượng. Các ngân hàng này sau đó đã bị yêu cầu dừng huy động vàng trong dân, đồng thời phải bồi hoàn cho dân trong mấy năm liền. Khi chưa có điều kiện quản lý mà vội vàng thực hiện sẽ rất phức tạp, rủi ro”, ông Kiêm cảnh báo.

“Cùng với đó là trong trường hợp huy động vàng để đầu tư dài hạn, trong khi dân chỉ có nhu cầu gửi ngắn hạn khi đó đầu tư chưa thu hồi lại vốn thì phải xoay trở thế nào? Lấy nguồn nào để trả cho người dân? 

Trong trường hợp, lượng vàng trên được huy động nhưng lại bơm vào nền kinh tế một cách không hiệu quả thì hậu quả sẽ thế nào? Tất cả rất nhiều vấn đề, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, còn nhiều vấn đề thì việc huy động vàng là chưa nên”, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhắc lại.

RELATED ARTICLES

Tin mới