Khoảng một trăm bia mộ giấy xuất hiện ở công viên Tamar (Thiêm Mã), gần trụ sở chính quyền Hồng Kông, ngay trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang.
Bia mộ giấy xuất hiện ở công viên Tamar. Ảnh: HONGKONGFP.COM
Số mộ giấy trên để tưởng nhớ những người chết vì dịch SARS vào năm 2003. Đây là động thái của đảng Tân Dân chủ Đồng minh nhằm vào ông Trương, người từng đứng đầu tỉnh Quảng Đông vào năm 2013.
Đảng này cáo buộc ông Trương tắc trách khi cố tình giấu thông tin dịch bùng phát ở Trung Quốc, khiến Hồng Kông không thể phòng bị, cướp đi sinh mạng của 299 người. Tân Dân chủ Đồng minh cho biết: “Ông Trương còn nợ người dân Hồng Kông lời xin lỗi và chưa từng công khai giải thích toàn bộ diễn biến đại dịch”.
Thế mà khi đặt chân đến sân bay đặc khu này hôm 17-5, ông Trương phát biểu rằng ông và chính quyền Hồng Kông đã đạt kết quả tốt trong đại dịch SARS.
Dạo gần đây, người dân Hồng Kông đã chia sẻ các bài viết và tin tức liên quan đến SARS hồi năm 2003 trên mạng, cầu nguyện cho 8 chuyên gia y tế đã chết trong dịch bệnh.
Phát biểu của ông Trương ngay tức thì bị phản đối. “Làm sao có thể mở miệng nói rằng giành được chiến thắng trong cuộc chiến chống SARS cùng nhau?” – bác sĩ, nhà lập pháp Quách Gia Kỳ thắc mắc.
Đảng Tân Dân chủ Đồng minh cáo buộc những hậu quả kinh tế của đại dịch năm ấy khiến Hồng Kông phải phụ thuộc vào các biện pháp của Bắc Kinh. “Chính nó đã tạo hành quả bom hẹn giờ cho mọi cuộc đối đầu giữa Hồng Kông và Trung Quốc hiện tại. Có thể nói ảnh hưởng của SARS vẫn tiếp tục” – Tân Dân chủ Đồng minh nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều vụ bắt bớ diễn ra và người biểu tình bị đuổi khỏi các khu vực hoạt động hôm qua sau khi khoảng 50 người phá vòng vây cảnh sát để tiến về tòa nhà chính quyền.
Đơn cử, 7 thành viên thuộc Tổ chức Liên đoàn dân chủ xã hội (LSD) bị bắt sau khi trương các biểu ngữ khổng lồ tại các điểm khác nhau để phản đối chuyến thăm của ông Trương Đức Giang. Trong số những người bị bắt có chủ tịch LSD Ngô Văn Viễn và phó chủ tịch Huỳnh Hồ Minh.
Về mặt chính thức, ông Trương đến Hồng Kông nhằm dự một hội nghị kinh tế “Một vành đai, một con đường” vào ngày 18-5.
Ngay từ khi đặt chân xuống sân bay, ông Trương đã có những lời lẽ được đánh giá là mang tính hòa giải. Cụ thể, ông tuyên bố sẽ “lắng nghe tất cả thành phần xã hội về những đề xuất, yêu cầu” liên quan đến việc thực hiện nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, thể chế điều hành “do người Hồng Kông đảm nhận”.
Tại hội nghị kinh tế trên, ông Trương kêu gọi đặc khu này “chủ động hơn nữa” trong tiến trình phát triển quốc gia, hứa hỗ trợ đầy đủ từ chính quyền đại lục. Trong khi ông Trương dự hội nghị này, hàng ngàn cảnh sát được triển khai khắp đặc khu.