Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngNhân tố bí ẩn ở Biển Đông

Nhân tố bí ẩn ở Biển Đông

Chiến thắng gần như đã chắc chắn của ông Rodrigo Duterte – Thị trưởng thành phố Davao, thủ phủ của Mindanao, trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines 2016 đang gây không ít lo lắng cho triển vọng an ninh ở châu Á, do lập trường không chắc chắn về Biển Đông của người đàn ông được “ưu ái” gọi là “Donal Trump” của phương Đông này.

 

Nhận định này không ngoa một chút nào nếu xét đến việc Philippines – dưới sự lãnh đạo của vị Tổng thống chuyên có những phát biểu khoa trương này. Nó có thể sẽ thay đổi lập trường của họ trong cuộc khủng hoảng Biển Đông theo một cách mà sẽ tạo ra sự không chắc chắn và làm suy yếu khả năng của ASEAN trong việc tạo dựng một mặt trận chung chống lại một Trung Quốc hung hăng và bá quyền trên Biển Đông. Philippines sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2017 và do đó, quan điểm của ông Duterte về cuộc khủng hoảng đang gia tăng căng thẳng ở Biển Đông thực sự quan trọng.

Cần phải nói thêm là Tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines, ông Benigno Aquino III đã duy trì nhất quán chính sách đối ngoại theo đường lối cứng rắn với Bắc Kinh trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông suốt thời gian lãnh đạo Philippines. Một trong những phát ngôn cực kỳ nổi tiếng của ông Aquino là so sánh “mộng” bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông với Đức Quốc xã. Để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Kinh, ông Aquino đã nỗ lực hiện đại hóa quân đội với sự trợ giúp từ các cường quốc như Mỹ, Nhật và đặc biệt là tăng cường hợp tác quân sự với đồng minh Mỹ.

Hiệp ước quốc phòng tăng cường giữa hai nước vừa được ký kết trong tháng 3 vừa qua, đã cho phép quân đội Mỹ được quyền sử dụng 5 căn cứ quân sự trong lãnh thổ của Philippines gồm: căn cứ không quân Antonio Bautista gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, căn cứ không quân Basa ở phía Bắc thủ đô Manila, căn cứ Fort Magsaysay ở thành phố Palayan, căn cứ không quân Lumbia trên đảo Mindanao và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở tỉnh Cebu. Mỹ được sử dụng 5 căn cứ nói trên để xây dựng công trình quân sự; luân phiên đồn trú tàu thuyền, máy bay và binh lính để thực hiện hành động hỗ trợ nhân đạo và an ninh trên biển. Thỏa thuận mới giữa Philippines và Mỹ được cho là một động thái răn đe trực tiếp đối với các hành động thái quá trên biển của Trung Quốc.

Trong khi đó, theo chuyên gia Jay L. Batongbacal, Giám đốc Viện Luật Biển và Hàng hải, thuộc Đại học Philippines, một trong những ẩn số lớn nhất là chính sách của ông Duterte với Bắc Kinh. Cho đến nay, ông Duterte và ê-kíp của ông vẫn chưa công khai xác định cách tiếp cận của họ đối với vấn đề Biển Đông. Nói cho đúng hơn, lập trường của ông Rodrigo Duterte về vấn đề này rất mâu thuẫn, không nhất quán, lúc thì thế này khi thì thế nọ, thay đổi chóng mặt.

Hồi năm 2015, khi là ứng viên Tổng thống Philippines, trong một cuộc phỏng vấn với trang mạng Rappler, ông Duterte đã nói về chính sách đối ngoại của ông như sau: “Tôi nghĩ tốt hơn nên kết bạn với Trung Quốc. Mỹ cũng là một người bạn tốt nhất của Trung Quốc. Chúng ta sẽ áp dụng một chính sách trung lập ở đó… Chúng ta đang rất cô lập với thế giới phương Tây và Trung Quốc có thể giúp chúng ta”.

Đến tháng 2-2016, ông Duterte lại gây sốc khi gợi ý rằng, ông sẵn sàng làm dịu lập trường của Philippines về Biển Đông đáng kể và gác lại những bất đồng giữa đối bên về vấn đề này trong một thời gian nếu Trung Quốc chi tiền xây dựng một tuyến đường sắt chạy vòng quanh đảo Mindanao và một tuyến đường sắt khác giữa Manila và Bicol.

Sau đó, “Donald Trump” của châu Á lại bày tỏ hoài nghi về vụ kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông mà Philippines đang theo đuổi tại Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye. Ông đặt câu hỏi về giá trị của phán quyết của tòa – một phán quyết mà Trung Quốc đã tuyên bố họ sẽ không bao giờ chấp nhận. Lời của ứng viên Tổng thống Duterte được trích dẫn khi đó là: “Tôi có quan điểm tương tự như của Trung Quốc. Tôi không tin rằng có thể giải quyết xung đột thông qua tòa án quốc tế”.

Thế rồi, sau đó, nhân vật có lối tuyên bố bốc đồng này lại nói “nếu trong 2 năm tới đây chiến lược tìm kiếm một giải pháp đa phương như hiện nay không mang lại kết quả thì, nếu là tổng thống, tôi sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc”. Lập trường này bị giới phân tích chiến lược gọi là “ngây thơ và nguy hiểm”.

Trên báo mạng The Diplomat, John Ford, một luật gia của Hải quân Mỹ cho biết, trong quá trình hoạt động, vị chính trị gia 71 tuổi này đã nhiều lần chứng tỏ ông ngây thơ, không biết gì về thủ đoạn của Bắc Kinh.

Đem Biển Đông ra xử lý tay đôi với Trung Quốc là trúng kế đối phương và cầm chắc thất bại. Bởi một khi ngồi vào bàn đàm phán song phương với Trung Quốc, Manila bị trói tay, lấy sức ở đâu để mặc cả với Bắc Kinh. Hành động khôn ngoan nhất là phải tay trong tay với các đối tác khác trong ASEAN cùng bị Trung Quốc lấn hiếp. Thêm vào đó, khi ông Duterte đàm phán song phương với Bắc Kinh, thì mặt trận ngoại giao thống nhất đương đầu với tham vọng của Trung Quốc sẽ tan vỡ.

Nhưng khi chiến dịch tranh cử vào giai đoạn “nóng”, trong một cuộc tranh luận với các đối thủ, ông Duterte đã hùng hồn tuyên bố sẽ “một mình đi xuồng máy ra Trường Sa, cắm cờ Philippines trên các đảo bị Trung Quốc lấn chiếm xây căn cứ quân sự và sẵn sàng chết như một anh hùng”.

Đến hôm 9-5-2016, vào lúc cử tri Philippines bỏ phiếu chọn lựa người lãnh đạo vận mệnh quốc gia cho 6 năm tới, thì từ Davao, ứng viên Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố với báo chí quốc tế: “Nếu đắc cử tổng thống thì tôi sẽ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc bằng “đàm phán đa phương”, trong đó có sự tham gia của các đồng minh của Philippines là Mỹ, Nhật, Australia và các nước tranh chấp”.

Ông Rodrigo Duterte còn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết Biển Đông và nhấn mạnh là Trung Quốc phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển theo quy định của công pháp quốc tế. Bắc Kinh không có quyền đòi hỏi gì cả mà nên hợp tác khai thác dầu khí với Manila.

Thậm chí, trước đó, ngày 8-5, phe của ông Duterte còn đe dọa kiện Tổng thống mãn nhiệm Aquino và thượng nghị sĩ Antonio Trillannes ra tòa về tội phản quốc, do đã làm mất bãi cạn Scarborough. Họ tố Thượng nghị sĩ Antonio Trillannes, nhận lệnh của Tổng thống Aquino, “mật đàm” với Bắc Kinh 16 lần và “thổ lộ” với phía Trung Quốc là Philippines “không đủ sức” bảo vệ biển đảo.

Tuy nhiên, bình luận về những lời tuyên bố bốc lửa về chính trị, ngoại giao và nhân quyền của thị trưởng Davao, nhà phân tích chính trị Earl Parreno, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Cải cách Chính trị và Kinh tế ở Manila cho rằng, Duterte không dại gì gây thêm bất ổn cho Philippines. Vận động tranh cử là diễn kịch, phải phóng đại để loan tải thông điệp. Một khi làm tổng thống, ông ấy sẽ xuống thang. Một nhân vật từng trải chính trường ở Mindanao vừa đánh bại các đối thủ của tầng lớp ưu tú tại Manila khó có thể là một kẻ ngây thơ và bốc đồng, cho dù có những lời tuyên bố “bạt mạng” theo kiểu “Donald Trump”.

Tuy nhiên, với những thông điệp thay đổi liên tục và pha trộn cả sự hiếu chiến lẫn hòa giải với Bắc Kinh, có lẽ chẳng ai đoán định được Tổng thống sắp tới của Philippines sẽ “khuấy động” bất ổn ở Biển Đông như thế nào?

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ do PPCRV – cơ quan kiểm soát bầu cử Tổng thống Philippines công bố ngày 9-5-2016, đối với 63% phiếu bầu, ứng cử viên Rodrigo Duterte, thị trưởng Davao, luật sư 71 tuổi, đang dẫn đầu với 38,92% phiếu, vượt 4,5 triệu phiếu so với người đang đứng thứ hai, thượng nghị sĩ Grace Poe, 22,14%.

Ông Rodrigo Duterte thu hút cử tri nhờ cương lĩnh tranh cử đánh trúng các bức xúc lâu nay của người dân như vấn nạn băng đảng tội phạm hoành hành và tình trạng sống dưới mức nghèo khó của hơn 1/4 dân số Philippines, trong lúc kinh tế tăng trưởng mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới