Ông Renat Mistakhov – TGĐ Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk tuyên bố 2 tàu Gepard-3.9 sẽ được chuyển giao trong tháng 8 và tháng 9/2016. Như vậy, cùng lúc có 2 kỷ lục mới được xác lập.
Tàu Gepard-3.9 của Việt Nam chạy thử trên biển và huấn luyện kíp thủy thủ tại Nga.
Hoàn thiện gấp
Vì nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có việc Ukraine gây khó dễ khi không bàn giao động cơ chính, dẫn tới tiến độ đóng cặp tàu Gepard-3.9 thứ 2 (chiếc số 3 và 4) cho Hải quân Việt Nam bị chậm trễ.
Tuy nhiên, nhờ sự chung tay góp sức của phía Việt Nam, mọi thứ đã được giải quyết ổn thỏa, động cơ đã được chuyển tới Nga và hiện nay Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk đang gấp rút hoàn thiện 2 còn tàu này để sớm bàn giao kỹ thuật lần lượt vào tháng 8 và tháng 9 năm nay.
Trước đó, với cặp tàu Gepard đầu tiên, dù không gặp trở ngại nào đáng kể, nhưng từ lúc khởi đóng tại Nga cho tới khi bàn giao cho Hải quân Việt Nam là cả một tiến trình dài.
Chiếc đầu (số hiệu Nhà máy 954, số hiệu thân tàu 415) đặt ky ngày 10/07/2007, hạ thủy ngày 12/12/2009, nhưng mãi đến tận tháng 10/2010 mới được bàn giao kỹ thuật, tức là mất gần 10 tháng để hoàn thiện. Tháng 3/2011, con tàu hộ vệ tên lửa hiện đại đầu tiên này đã về đến Cam Ranh.
Chiếc thứ 2 (số hiệu Nhà máy 955, số hiệu thân tàu 416) đặt ky ngày 27/11/2007, hạ thủy ngày 16/03/2010, tháng 8/2011 con tàu này đã về đến Cam Ranh.
Có thể thấy, từ khi hạ thủy tới khi bàn giao kỹ thuật, các tàu Gepard đầu tiên thường mất chừng 10-12 tháng để hoàn thiện. Tuy nhiên, với cặp tàu Gepard thứ 2, quá trình này đã được rút ngắn xuống còn chưa đầy 4 tháng. Một kỷ lục mới!
Như vậy, Nhà máy Đóng tàu Zelenodolsk đã lập kỷ lục về tiến độ hoàn thiện tàu Gepard. Phải cảm ơn các kỹ sư và công nhân kỹ thuật Nga đã nỗ lực hết mình và có những giải pháp hợp lý rút ngắn thời gian hoàn thiện ngay từ khi tàu còn chưa hạ thủy.
Thiện chí này rất xứng đáng được ghi nhận và cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc thuyết phục “khách hàng truyền thống” tiếp tục đặt mua cặp tàu Gepard thứ 3 (chiếc số 5 và 6) hay thậm chí là chuyển giao công nghệ để Việt Nam tự đóng ở trong nước các tàu tiếp theo.
Hiện nay, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu Ba Son mới đang được triển khai nhanh chóng để đến năm 2018 chính thức hoàn thành, đi vào hoạt động, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ để cho ra đời những con tàu chiến hiện đại có lượng choán nước cỡ 2.000 tấn.
Lễ hạ thủy tàu Gepard-3.9 thứ 3 của Hải quân Việt Nam.
Huấn luyện nhanh
Theo dự kiến, khoảng tháng 1/2017, tàu Gepard-3.9 thứ 3 sẽ về đến Cam Ranh để gia nhập biên chế Hải quân Việt Nam, tức là chỉ khoảng 8 tháng kể từ khi hạ thủy. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian huấn luyện của kíp thủy thủ Việt Nam rút ngắn chỉ bằng 1 nửa so với các tàu đầu tiên.
Như vậy đây sẽ lại là một kỷ lục mới nữa. Điều này không chỉ có ý nghĩa nhanh chóng đưa tàu vào hoạt động mà còn giúp tiết kiệm một lượng lớn ngân sách, nhất là ngoại tệ mạnh, khi không cần duy trì kíp tàu huấn luyện tại Nga trong thời gian dài.
Vậy làm cách nào mà kíp thủy thủ Việt Nam có thể làm chủ con tàu hiện đại này chỉ trong một thời gian ngắn như thế?
Hệ thống huấn luyện mô phỏng Laguna-11661 chuyên dùng cho tàu Gepard-3.9.
Thứ nhất, hệ thống huấn luyện mô phỏng Laguna-11661 chuyên dùng của các tàu Gepard đã được đưa vào sử dụng tại Việt Nam, giúp các thủy thủ tương lai của lớp tàu này có điều kiện thực hành huấn luyện mọi bài tập giả định từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp như trên những con tàu thật trên biển.
Kể cả việc cặp tàu Gepard này được tích hợp thêm một số vũ khí, trang bị hiện đại hơn thì các bài tập mới cũng dễ dàng được cập nhật vào phần mềm của hệ thống.
Thứ hai, chính 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9 số hiệu “011 – Đinh Tiên Hoàng” và “012 – Lý Thái Tổ” là giáo cụ trực quan tuyệt vời giúp các thủy thủ có thể “mắt thấy, tai nghe, tay làm”, nhanh chóng tiếp thu cách thức vận hành con tàu theo từng vị trí, chức trách.
2 tàu Gepard-3.9 đầu tiên chính là giáo cụ huấn luyện kíp tàu mới.
Thứ ba, một số vị trí chủ chốt của 2 tàu 011 và 012 sẽ được chuyển sang làm nòng cốt của các kíp tàu mới. Họ chính là những hạt nhân dìu dắt kíp tàu của mình nhanh chóng làm chủ con tàu hiện đại để làm nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để có được các yếu tố thuận lợi kể trên chính là nhờ những bước chuẩn bị một cách khoa học, bài bản, mang tính chiến lược dài hạn của Quân chủng Hải quân về nguồn lực con người, đào tạo các lớp kế cận có trình độ cao để khi có vũ khí trang bị mới là có thể làm chủ được ngay.
Qua đó, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta khi luôn đặt “con người” là yếu tố quyết định mọi thắng lợi”.