Ngẫm thấy mình bẽ bàng và cay đắng. Trong thời buổi “nhà giàu cũng khóc”, Riyadh đã kiểm tra tầm quan trọng của mình trong chiến lược đối ngoại của Mỹ.
VOA ngày 18/5 đưa tin, Thượng viện Hoa Kỳ hôm Thứ Ba 17/5 đã thông qua dự luật cho phép những người sống sót và thân nhân của gần 3.000 người thiệt mạng trong những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại Mỹ kiện chính phủ Ả-rập Saudi về những tổn thất về vật chất và tinh thần của họ và gia đình họ.
Cho dù Riyadh đã phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào trong những vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng 15 trong số 19 tên không tặc chiếm quyền kiểm soát bốn máy bay chở khách để thực hiện những vụ tấn công ở thành phố New York và Washington sau đó đã được xác định là công dân Ả-rập Saudi.
Theo VOA, dự luật này được Thượng viện phê chuẩn gấp bằng hình thức biểu quyết miệng, sẽ cho những gia đình nạn nhân quyền kiện Ả-rập Saudi đòi bồi thường tổn thất về bất kỳ vai trò nào của nước này trong vụ tấn công. Dự luật vẫn còn phải được Hạ viện chấp thuận, và sau đó phải được Tổng thống Barack Obama ký ban hành.
Trong khi đó, ông Obama đã đe dọa sẽ phủ quyết dự luật nếu nó được Hạ viện thông qua, vì cho rằng nó sẽ khiến công dân Mỹ ở nước ngoài hứng chịu những rủi ro pháp lý.
Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Josh Earnest đã nói với truyền thông: “Với mối lo ngại mà chúng tôi đã bày tỏ, thật khó mà hình dung Tổng thống sẽ ký dự luật này.”
Không khó để nhận ra, dự luật mà Thượng viện Mỹ tạo điều kiện cho công dân Hoa Kỳ kiện Ả-rập Saudi không đơn thuần là vấn đề mang tính pháp lý, mà nó mang tính chính trị nhiều hơn. Từ thời gian, thời điểm lẫn tính chất của dự luật đều đã thể hiện điều ấy.
Ả-rập Saudi đã dọa trả đũa bằng việc sẽ rút hàng tỉ đô la khỏi nền kinh tế của Mỹ nếu dự luật này trở thành luật.
Cho dù lý do của việc soạn thảo dự luật này hoàn toàn mang tính nhân đạo đối với công dân Mỹ bị tổn thất trong sự kiện kinh hoàng nhất lịch sử của nước Mỹ thời hiện đại, nhưng theo cá nhân người viết, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là nằm ở việc rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Ả-rập Saudi trong thời gian qua.
Có thể nhận định rằng, giấc mộng “bá chủ Trung Đông” của Ả-rập Saudi đã phải trả giá và việc Riyadh tìm cách thoát khỏi sự kiềm toả, thậm chí đối trọng với Washington ở vùng đất nóng Trung Đông là điều Mỹ không thể chấp nhận.
Bởi lẽ điều đó đe doạ vị thế, vai trò của Mỹ và đặc biệt là làm thiệt hại cho các lợi ích của Mỹ cả về kinh tế và chính trị không chỉ tại Trung Đông.
Ả-rập Saudi nuôi mộng bá chủ Trung Đông
Là một thành viên quan trọng nhất của OPEC, nên nền tảng của quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Saudi từ trước tới nay luôn là lợi ích từ dầu thô.
Thứ vàng đen này đã khiến cho quan hệ giữa Riyadh và Washington ngày càng khăng khít bởi sự chia sẻ nhiệt tình của Ả-rập Saudi với Mỹ trong bất kỳ kế hoạch lớn nào mà Washington cần đến công cụ giá dầu thô.
Tuy nhiên, như người viết đã từng phân tích, khi giá dầu cao chót vót thì quan hệ giữa Washington với Riyadh không có vấn đề gì. Nhưng từ khi giá dầu sụt giảm thê thảm thì sẽ nảy sinh những vấn đề đại sự.
Trong hoàn cảnh khó khăn, những ông hoàng xứ dầu hoả ngẫm lại thấy mình thua thiệt. Bởi vì khi giá dầu thô tăng giảm theo ý Washington, chỉ Mỹ có lợi còn Ả-rập Saudi thì lợi bất cập hại.
Vậy nhưng, vị thế của Riyadh không được Washington coi trọng tương xứng với những chia sẻ của mình.
Ả-rập Saudi chỉ là một con bài được xem trọng khi hữu dụng trực tiếp cho những toan tính của Washington, còn những vấn đề lớn khác thì Riyadh luôn bị xem thường, luôn đứng sau Israel, thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông.
Cuộc đại khủng hoảng với Teheran là một nước cờ việt vị của Riyadh. Ảnh: Zee news. |
Ngẫm thấy mình bẽ bàng và cay đắng. Trong thời buổi “nhà giàu cũng khóc”, Riyadh đã kiểm tra tầm quan trọng của mình trong chiến lược đối ngoại của Mỹ bằng những việc làm và hành động được xem là đổi mới và có phần tách khỏi quỹ đạo kiểm soát của Washington.
Việc Riyadh đứng ra làm chủ xị trong Liên minh Quân sự Hồi giáo 34 nước là một nước cờ táo bạo.
Tuy nhiên, Riyadh đã bị việt vị trong nước đi này khi Washington không quá sốt sắng thể hiện quan điểm cũng như hành động đối với liên minh hổ báo này.
Thậm chí Washington còn tạo điều kiện cho Liên minh 34 nước thực hiện tôn chỉ của mình là chia lửa với Mỹ trong tấn công khủng bố, bởi lẽ như thế càng có lợi cho Mỹ.
Song Mỹ thừa biết, đó là Ả-rập Saudi mượn số đông của liên minh hùng hậu để khiến Washington phải chú ý và coi trọng Riyadh. Trong mắt người Mỹ, liên minh đó chẳng làm nên trò trống gì.
Tất cả mọi hành động của liên minh này thực ra đều là ý tưởng, kế hoạch của Riyadh và do Riyadh thực hiện. Việc Ả-rập Saudi tham gia vào cuộc nội chiến tại Yemen đã chứng minh cho điều ấy.
Thế là mộng bá chủ của Riyadh đã bị Washington bắt bài. Khi nước cờ Liên minh Quân sự Hồi giáo không hiệu nghiệm, Riyadh khởi phát cuộc “khủng hoảng tinh thần” với Teheran.
Ai cũng nghĩ cuộc “đại khủng hoảng” giữa Ả-rập Saudi và Iran sẽ được Washington chú ý vì nó có lợi cho Mỹ trong việc kiềm chế tham vọng của Iran.
Song ông Aaron David Miller, một cựu chuyên gia đàm phán Trung Đông và là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson nhận định rằng, chính quyền Obama coi thỏa thuận với Iran là nhân tố ổn định cho khu vực.
Nó đang tuột khỏi tầm kiểm soát của Washington và vì thế Hoa Kỳ coi quan hệ với Iran là ưu tiên hàng đầu, theo The New York Times ngày 6/1/2016.
Như vậy là Riyadh lại bị Washington cho việt vị thêm lần nữa khi động thái của chính quyền Obama chỉ là quan sát và kêu gọi hai bên kiềm chế, tất cả chỉ có bấy nhiêu thôi.
Tuy nhiên, việc Ả-rập Saudi ngăn chặn tham vọng của Iran càng thể hiện rõ mông “bá chủ Trung Đông” của Riyadh và đương nhiên nhất cử nhất động của họ đếu được Washington ghi nhận và chờ ngày tính sổ.
Ai cũng nghĩ Washington gần như nhường toàn bộ mặt trận Yemen cho những người anh em tại Trung Đông giải quyết, nhưng thật sự đó là một kế hoạch như một mũi tên bất động hướng tới hai mục tiêu di động.
Nó vừa làm cả Ả-rập Saudi và Iran hao tiền tốn của vì chi phí cho cuộc tỉ thí vô bổ này, vừa đo lường khả năng và khát vọng của các “bá chủ Trung Đông”, đặc biệt là Ả-rập Saudi.
Và mọi chuyện diễn ra đúng tính toán của Hoa Kỳ, khi Iran phải chấp nhận đánh đổi bảo bối chương trình hạt nhân để thoát cấm vận thì Ả-rập Saudi cũng phải thực hiện những nước cờ giải vây.
Bởi lẽ lúc này khi giá dầu giảm sâu và không có dấu hiệu hồi phục đã khiến cho khả năng chịu đựng của Riyadh đã đến mức không thể kéo dài thêm được nữa. Riyadh đã liên tục bắt tay cả Moscow và Bắc Kinh, hai đối thủ chiến lược của Washington, với hy vọng tìm lối thoát cho mình.
Nhưng kết quả là thoả thuận Riyadh – Moscow vẫn không thể đẩy giá dầu tăng lên được, do cả hai là đối thủ mà quyền lợi không thể sẻ chia. Trong khi đó quan hệ Riyadh – Bắc Kinh thì lợi bất cập hại cho Ả-rập Saudi.
Bởi chiến lược của Tập Cận Bình là kiềm toả để khai thác lợi ích từ dầu giá rẻ, đồng thời buộc Riyadh lệ thuộc vào tính toán của Bắc Kinh, chứ không phải hai bên cùng có lợi như Ả-rập Saudi mong muốn, lầm tưởng.
Thế là hầu hết các nước cờ mà Riyadh thực hiện không mang lại kết quả, nhưng nó lại ngày càng cho thấy rõ, Riyadh muốn thoát khỏi vòng tay Washington để thực hiện mộng bá chủ của mình.
Sau một thời gian tăng cường xây dựng liên minh, hợp tác đối tác không mang lại kết quả, Riyadh buộc phải quay về đổi mới kinh tế trong nước. Và đó là lúc tốt nhất cho Washington ra tay.
Tương lai nào cho quan hệ giữa những kẻ ôm mộng “bá chủ thế giới” và “bá chủ Trung Đông”?
Có thể thấy rằng, mối hiểm hoạ từ Iran đối với Washington chưa hề giảm đi, dù bảo bối chương trình hạt nhân của họ đã bị vô hiệu. Điều đó đã được Mỹ và NATO khẳng định qua việc kích hoạt hệ thống lá chắn phòng thủ tại Châu Âu.
Việc Mỹ phải ngồi cùng với Iran để bàn chuyện giải quyết tình hình chính trị Iraq khiến cho mối nguy Iran vẫn hiển hiện như ngày nào.
Bên cạnh đó, với một Erdogan bộc đồng và nóng nảy, một Netanyahu bảo thủ và cứng đầu đã làm cho Washington mệt mỏi. Vì vậy Hoa Kỳ không muốn Riyadh nổi lên để rồi suốt ngày phải lo giải quyết mâu thuẫn giữa ba người anh em này.
Điều đó sẽ khiến cho Washington bực mình và có thể gây rắc rối, để lại hậu hoạ.
Trong chiến lược khống chế Iran, Mỹ và đồng minh luôn dùng hai gọng kìm Israel và Thổ Nhĩ Kỳ làm tiên phong tả – hữu. Còn Ả-rập Saudi chủ yếu đóng vai trò đảm bảo hậu cần cho những kế hoạch lớn của Mỹ tại vùng đất nóng này.
Như vậy rõ ràng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ, phân chia trách nhiệm cho đồng mình không có chỗ cho ý tưởng bá chủ Trung Đông tồn tại.
Chính quyền Tổng thống Obama vốn bị chỉ trích nhiều bởi phe Cộng hoà kiểm soát Quốc hội Hoa Kỳ vì hành động thiếu cương quyết trong quan hệ đối ngoại, trong đó có việc cư xử với Ả-rập Saudi.
Hai nhiệm kỳ của phe Dân chủ tại Nhà Trắng khiến cho Capital Hill rất ức chế về sự lộng hành của Riyadh tại Trung Đông.
Việc thông qua dự luật mang tính “hồi tố” sự kiện 11/9 là một hành động thể hiện sự ức chế ấy. Đã 15 năm trôi qua, cái sự kiện kinh hoàng ấy để lại rất nhiều hậu quả cho nước Mỹ, cho người dân Mỹ.
Nhưng suốt trong gần hai nhiệm kỳ còn lại của cựu Tổng thống Bush, dự luật nhân đạo này không được đưa ra Quốc hội. Nếu có, dự luật sẽ được ban hành khi sự kiện vẫn còn nóng hổi.
Phải chăng đó là do sự chia sẻ lớn lao và nhiệt tình của Ả-rập Saudi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố do cựu Tổng thống G.Bush phát động ngay sau sự kiện 11/9? Như vậy là dự luật chỉ được soạn thảo khi sự chia sẻ của người đồng minh xứ dầu mỏ này giảm sút và đánh giá của Quốc hội Mỹ về chính sách đối ngoại của Nhà Trắng là “nhu nhược”.
Đó là sự thật và yếu tố chính trị đã chi phối dự luật này.
Hình ảnh này càng khiến Washington cảnh giác, ảnh: abc.net.au. |
Tuy nhiên, dù có thể dự luật không được Tổng thống Obama ký ban hành nhưng nó sẽ tác động không nhỏ, thậm chí định hướng cho quan hệ Ả-rập Saudi – Hoa Kỳ trong tương lai.
Khi “cây gậy” không được sử dụng nhưng cứ giơ lên thì chứng tỏ đó là sự đe doạ. Ai có thể dám chắc những người kế nhiệm Tổng thống Obama không sử dụng cây gậy ấy?
Đặc biệt trong khi dự luật đang được Quốc hội thẩm duyệt thì ông Obama cũng đang cân nhắc có nên công khai hay không 28 trang tài liệu mật trong báo cáo điều tra chính thức của chính phủ về vụ tấn công mà có nhắc tới sự dính líu khả dĩ của Ả-rập Saudi, theo tường thuật của VOA ngày 18/5. Như vậy là không chỉ còn là đe doạ nữa.
Người viết cho rằng, trước nay Ả-rập Saudi luôn thiệt thòi trong quan hệ với Mỹ và chắc chắn đó cũng sẽ là vị thế của Riyadh trong quan hệ với Washington ở thời tương lai.
Với những “cây gậy” mà Washington giương ra có lẽ Riyadh còn phải chịu thua thiệt nhiều hơn nữa vì trong số những người có thể kế nhiệm Tổng thống Obama đều không có ai “nhu nhược”.
Dù Riyadh có lên tiếng đe dọa sẽ trả đũa Washington về mặt kinh tế nếu chính quyền Mỹ tạo điều kiện cho dân chúng Mỹ kiện Riyadh, song ít ai có thể tin rằng quan hệ hai bên sẽ đảo chiều hay ngang bằng quyền lợi.
Điều đó một phần do vị thế đã được mặc định qua lịch sử, một phần là Riyadh phải trả giá cho giấc mộng “bá chủ Trung Đông” của mình.