Cả Nga và Mỹ đều đang từng bước có những động thái xuống nước, nhún nhường Thổ Nhĩ Kỳ cả trên bàn đàm phán lẫn các hoạt động kinh tế.
Mỹ và Nga cùng điện đàm về vấn đề Syria và IS
Mỹ – Thổ điện đàm, Nga tính lại cấm vận với Ankara
Ngày 18/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về cuộc nội chiến tại Syria và những nỗ lực nhằm đánh bại tổ chức khủng bố IS.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Obama nêu rõ tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế nhằm duy trì lệnh ngừng bắn tại Syria và tạo bước tiến trong cuộc chuyển giao chính trị tại quốc gia này.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về tính cấp bách trong các nỗ lực nhằm làm suy yếu cũng như phá hủy tiềm lực của IS để ngăn chặn các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố này tại Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu và những nơi khác.
Ngoài vấn đề Syria, đảng công nhân người Kurd (PKK) cũng được nhắc đến trong cuộc thảo luận giữa nhà lãnh đạo 2 nước về việc tăng cường hợp tác song phương chống khủng bố nói chung.
Thực tế cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều coi PKK là một nhóm khủng bố ngoài vòng pháp luật. Tuy nhiên Washington và Ankara có những mâu thuẫn liên quan đến việc cáo buộc nhóm PKK có liên kết với Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD). PYD là một nhóm chiến đấu chống IS tại Syria mà Mỹ đang hỗ trợ quân sự.
Trong một diễn biến có liên quan, ông Sergei Dankvert, vị lãnh đạo phụ trách cơ quan giám sát nông nghiệp của Nga, vừa khẳng định rằng, Moskva không hề có kế hoạch đưa ra một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Không, họ (Thổ Nhĩ Kỳ) đang rất có tính xây dựng và chuẩn bị để liên hệ làm việc, do vậy, chúng tôi sẽ làm việc với họ. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo các yêu cầu của mình được đáp ứng. Họ đang hợp tác, vì thế chúng tôi tiếp lục làm việc với họ. Cho tới nay, Nga chưa hề đóng mọi cánh cửa nhập khẩu nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Dankvert bày tỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bước khiến Nga, Mỹ xuống thang?
Những động thái trên của Mỹ và Nga diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đẩy mạnh hợp tác quân sự với Ukraine cũng như ấp ủ toan tính thành lập liên minh chồn – cáo với một loạt các nước trong khu vực nhằm đối phó với Moskva. Giới phân tích cho rằng, trước những tham vọng mới của Ankara, cả Washington và Moskva đều đang muốn điều chỉnh thái độ của mình để giành thêm quyền chủ động.
Thực tế thời gian gần đây, Nhà trắng luôn tỏ ra lạnh nhạt với chính quyền Tổng thống Erdogan. Trong một tuyên bố hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh, ông “rất khó chịu” với những gì người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang theo đuổi.
“Tôi không cần phải giấu giếm gì khi nói rằng, có rất nhiều vấn đề trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ khiến tôi cảm thấy khó chịu. Tôi nghĩ cách mà họ đang làm với giới báo chí là cách có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào những rắc rối nghiêm trọng”, ông Obama nói và cho biết, ông đã trực tiếp bày tỏ thái độ của mình với ông Erdogan.
Thậm chí hồi cuối tháng 3 năm nay, khi nhà lãnh đạo Ankara có chuyến công du Mỹ nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Nhà Trắng còn cương quyết, ông Obama sẽ không tiếp chính thức nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang từng bước khiến Nga phải xuống thang |
Gần đây, phía Mỹ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình khơi chuyện khi tấn công phiến quân người Kurd mà Washington cho là đối tác tốt nhất để đánh đuổi IS ở cả Iraq và Syria.
Tương tự, điện Kremlin, kể từ sau khi Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu cơ Su-24 hôm 24/11/2015, phía Nga liên tiếp có những biện pháp trả đũa mạnh tay bằng kinh tế, khi khuyến cáo công dân không du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng của nước láng giềng.
Điều này từng khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ điêu đứng khiến giới chức nước này phải lên tiếng đề nghị xem xét các lệnh trừng phạt cũng như tạo điều kiện để bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước.
Đặc biệt, Moskva còn nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại trước việc chính quyền Erdogan tiến hành nhiều biện pháp quân sự nhằm triển khai kế hoạch B tại Syria cũng như gia tăng thêm các hoạt động gây hấn, bạo loạn tại khu vực này.
Tuy nhiên, thông qua ý định thành lập liên minh quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bước khiến Nga và Mỹ dần thay đổi lập trường.
Hôm 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak đã cùng vạch kế hoạch hành động chung để tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.
Theo kế hoạch, 2 nước này sẽ triển khai hợp tác về kỹ thuật quân sự, hậu cần, đào tạo nhân sự, phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng và tăng cường phối hợp hành động tại Biển Đen. Những văn kiện hợp tác thực hiện thỏa thuận này sẽ được ký kết chính thức tại cuộc họp tiếp theo.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên kế hoạch cùng Gruzia và Azerbaijan tiến hành tập trận chung để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang Azerbaijan.
Quyết định này của Ankara đã nhắm trúng hai đích lớn đó là Nga và Mỹ. Nhà Trắng dù không muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng căng thẳng trong khu vực nhưng vẫn cần chính quyền Erdogan làm đối trọng với điện Kremlin.
Trong khi đó, Nga cũng không muốn tự tạo thêm cho mình những áp lực cho mình khi tình hình Syria vẫn đang bế tắc, chưa thể giải quyết một cách triệt để.
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một sự lựa chọn khôn ngoan, từng bước khiến cả Mỹ và Nga cùng chấp nhận thỏa hiệp.